• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Kỷ niệm của người lính già về ngày 30/4 lịch sử

HMO

Administrator
Staff member
42 năm đã trôi qua kể từ ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Nhưng vào những ngày tháng 4 lịch sử này, ký ức về những trận chiến đấu bất khuất, kiên cường của toàn quân ta lại khiến trong lòng cựu binh Nguyễn Sơn Văn dâng trào cảm xúc.

Giống như bao thanh niên khác khi đất nước đang chiến tranh loạn lạc, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 10/1963 chàng thanh niên Nguyễn Sơn Văn trú ở xóm 2 xã Diễn Hạnh huyện Diễn Châu, Nghệ An lên đường nhập ngũ. Đến tháng 12/1963, ông cùng đơn vị tham gia chiến dịch 128 ở Lào thuộc đại đội 4, tiểu đoàn 3, Trung đoàn 803, Sư đoàn 324.

Tham gia chiến đấu ở Lào được hai năm thì ông Văn về nước. Lúc đó toàn đơn vị đã tiến vào Nam, còn ông được cử đi, cuối năm 1965 ông đi học khóa pháo binh đột kích. Đến năm 1966, ông ra trường với cấp bậc thiếu úy, được bổ sung về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, về làm trợ lý tác chiến Trung đoàn.


Cựu binh Nguyễn Sơn Văn bồi hồi nhớ lại trận chiến lịch 30/4/1975
Năm 1971 ông Văn tham gia chiến dịch đường 9 Nam Lào, rồi tham gia chiến dịch giải phóng thành cổ Quảng Trị năm 1972, sau đó ông về làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 9. Sau khi dành được Quảng Trị thì cuối năm đó, địch mở đợt tấn công từ Nam trở ra đánh chiếm lại, ông cùng với các đồng đội đã chiến đấu hết sức ngoan cường để quyết bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Trong trận đánh này ông và 3 đồng đội khác đã bị thương tại sở chỉ huy.

Nhớ lại kỷ niệm đó ông Văn cho biết: “Sau khi quân ta giải phóng Quảng Trị và giữ đất ở đó, địch đã mở đợt tấn công trở ra hòng đánh chiếm lại. Lúc đó pháo địch đánh sát vào sở chỉ huy ở chiến trường, nên có 3-4 người bị sức ép từ pháo, mảnh pháo nên đã bị thương và được chuyển về trạm xá Trung đoàn. Sau đó vẫn tiếp tục hành quân chỉ huy đơn vị”.

Năm 1974, ông được điều về làm Trung đoàn phó Trung đoàn 66, rồi tham gia trận chiến Thượng Đức (tỉnh Quảng Nam) đây là khu phòng ngự chủ yếu bảo vệ phía Tây Bắc của thành phố Đà Nẵng, mở màn cho chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau trận chiến Thượng Đức và phòng ngự giữ đất cho đến 28/3. Đơn vị của ông tiếp tục thế tiến công đánh giải phóng thành phố Đà Nẵng một ngày sau đó. Trận đánh đó gặp rất nhiều khó khăn và tổn thất, Trung đoàn trưởng của đơn vị bị thương, nên ông đã thay quyền Trung đoàn trưởng chỉ huy đơn vị.


Giờ tuổi đã cao sức yếu, ông quây quần bên con cháu và chăm sóc cây cảnh làm thú vui
“Sau khi giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3, quân ta liên tục nhận được tin giải phóng phóng Bình Định, Quy Nhơn, Tuy Hoà, Nha Trang, Tây Nguyên…và các khu vực quan trọng khác. Khí thế lúc bấy giờ của toàn quân, đặc biệt là những đơn vị tham chiến hết sức phấn khởi, chỉ chờ nhận lệnh của cấp trên để tiến thẳng vào giải phóng Miền Nam”, ông Văn cho biết.

Từ ngày 26/4 đến tối ngày 29/4, nhiều trận đánh quyết liệt đã diễn ra khi quân ta tấn công vào khu vực giáp ranh với thành phố Sài Gòn. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn của ông tham gia đánh vào căn cứ Nước Trong (Long Thành, Đồng Nai) đây là Trường Sĩ quan Thiết giáp quân đội VNCH. Đó là trận đánh hết sức cam go, ác liệt. Nhiều chiến sỹ đã bị thương và hy sinh, tuy nhiên với khí thế của toàn quân lúc bấy giờ đang sôi sục nên quyết siết chặt vòng vây đánh tan quân địch, trận đánh giành thắng lợi vào sáng 30/4. Sau đó ông cùng đơn vị và các cánh quân khác tiến thẳng đến Dinh Độc Lập vào khoảng 9-10h ngày 30/4.


Ông Sơn (thứ 3 từ phải qua trái) cùng Ban chỉ huy Trung đoàn 66 đang bàn kế hoạch chiến đấu trước khi tiến công giải phóng Sài Gòn
“Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi, cảm xúc lúc đó của tôi không thể diễn tả hết bằng lời. Niềm vui vỡ òa trong ánh mắt mỗi chiến sỹ, mỗi người dân và từng con đường, góc phố, từng công sở, xí nghiệp, trường học. Đó là những giờ phút thiêng liêng khi đất nước ta được hoàn toàn thống nhất, dân tộc ta độc lập, tự do. Dân tộc Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai để thống nhất nước nhà. Lúc đó tôi sung sướng, nươc mắt trào dâng vì vui mừng” – ông Văn xúc động nhớ lại

Đến năm 1977, ông chuyển ra Bắc đi học, sau đó sau đó làm Hiệu trưởng trường Quân chính, Quân đoàn 2 (Là trường đào tạo Cán bộ, Sỹ quan lúc bấy giờ), rồi chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau cho đến năm 1993, do sức khỏe yếu nên ông Văn về nghỉ hưu tại địa phương với cấp bậc đại tá. Ở quê nhà ông cùng với vợ tăng gia sản xuất, phát triển để nuôi dạy các con khôn lớn. Đến nay 4 người con của ông (3 trai 1 gái) đã có việc làm ổn định, trong đó có người con thứ ba hiện đang công tác trong quân đội.


Ông được Đảng và Nhà Nước trao tăng nhiều Huân chương về những đóng góp của mình
Với những đóng góp của bản thân mình trong các cuộc chiến đấu, ông đã được Đảng và Nhà nước trao tăng Huân chương Chiến công (hạng Một, Hai và Ba), Huân chương Kháng chiến, Huân chương Quyết Thắng…và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Đến nay, khi sức khỏe đã yếu đi nhiều, thế nhưng những ký ức về những ngày tháng lịch sử ấy chưa bao giờ nhạt phai trong tấm trí người lính già, đó là sự xúc động và niềm tự hào khôn tả về những ngày tháng chiến đấu xưa, đặc biệt là chiến dịch 30/4 lịch sử. Giờ đây chứng kiến sự đổi thay, phát triển của đất nước từng ngày, người cựu binh già cảm thấy hài lòng bởi sự mất mát, hy sinh của những người lính năm xưa đã được thế hệ trẻ ghi nhớ biến thành hành động trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giầu đẹp.

Nguồn Công Lý
 

Ads HMO

Ads HMO

Top