• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Yên Thành Kí ức về ngôi trường nửa huyện

HMO

Administrator
Staff member
Tháng 6/1958, tôi vừa bước sang tuổi 13, dự thi vào lớp 5 Trường cấp 2 Yên Thành 2 đóng trên nền đất đình Thánh Tổng xưa thuộc xã Liên Thành (Yên Thành).
Sau này học lên cấp 3 trường huyện, rồi vào quân đội, hết chiến tranh ra quân làm nghề dạy học, nhưng tôi chưa thấy kì thi nào nghiêm túc công phu, sòng phẳng như kì thi tuyển cấp 2 năm ấy.
Học sinh 17 xã phía nam huyện nộp đơn dự thi, nhà trường tuyển 4 lớp tổng số 200 học sinh, nhưng đáng nhớ nhất là danh sách học sinh trúng tuyển được xếp vị thứ từ thứ nhất đến thứ 200. Cứ xem danh sách niêm yết đó thì biết trình độ thi của mình hiện đứng vị thứ bao nhiêu trong khối được tuyển.

Tôi nhớ mãi kì thi này bởi may mắn mình được đỗ đầu, anh Phan Huy Tĩnh người xã Trung Thành đỗ thứ 2. Anh Tĩnh sau này là Nhà giáo Ưu tú ở Trường chuyên Phan Bội Châu tỉnh Nghệ An.

Khi chúng tôi vào học, trường đang xây dựng mới, nhưng tôi biết trường có từ trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1953, đóng trong dân, trên vùng đồi giáp rừng để tránh máy bay trong thời kì chiến tranh chống thực dân Pháp.

Những năm 1953, 1954, các thầy Võ Văn Triển người Anh Sơn, thầy Nguyễn Văn Phong người Mĩ Thành (huyện Yên Thành), thầy Nguyễn Đệ người Hà Tĩnh cứ đi sang phía tổng Vân Tụ dạy học đêm (thời đó máy bay Pháp không đánh đêm như đế quốc Mĩ sau này) về trọ tại nhà tôi.

Mẹ tôi lo cơm nước, chỗ nghỉ cho các thầy. Mới 9 tuổi đang học cấp 1 nhưng tôi được các thầy cấp 2 dạy thêm về Toán, Văn, Tập viết chữ đẹp.


Thầy Triển làm Hiệu trưởng, thường bận họp, luôn về sau cứ đứng ăn một mình bên chiếc cũi gỗ kê tận góc nhà. Thầy không cho mẹ tôi dọn vào mâm khiêng ra phản vì thầy nói không cần chi phải phiền hà.
Đêm đêm chúng tôi nghe các thầy tranh luận bài vở, đánh đàn ghita, đàn măng-đô-lin, hát những bài ca cách mạng đến tận khuya. Các cô, các chị trong xóm đến nghe, mê mải háo hức rồi được các thầy dạy hát, múa nữa.
Phía bắc huyện bấy giờ cũng có trường cấp 2 đóng ở xã Hoa Thành, nhưng từ 1958, tất cả học sinh vùng nửa huyện phía nam học dưới đó đều kéo về trường mới.
Lớp 7 có anh Nguyễn Hữu Ba người xã Liên Thành, học giỏi hay văn thơ, có khiếu về công tác thanh niên được bầu làm hiệu đoàn trưởng.
Nữ sinh có những cô đẹp gái học giỏi, văn nghệ hay như cô Nguyễn Thị Lân, người xã Trung Thành; cô Thái Thị Tâm người xã Lí Thành, cô Nguyễn Thị Phương xã Bắc Thành.
Cô Trần Thị Quỳ xóm Bắc Sơn, xã Bắc Thành không chỉ học giỏi, còn nổi tiếng đánh cờ người giỏi, hạ đo ván nhiều kì thủ ngoài huyện trên sân vận động, kiêm bãi chiếu bóng lưu động cho hàng huyện đến xem, vào dịp đầu xuân liên tục trong các năm từ 1957 - 1964. Khi sự kiện 5/1964 Mĩ ném bom miền Bắc thì cuộc thi cờ người mới dừng.

Hiệu trưởng đầu tiên của trường trên ngôi trường mới này là thầy Trần Doãn Quới, người huyện Đô Lương. Sau này thầy đi học rồi làm Trưởng phòng Khoa học Đại học Sư phạm Vinh rồi ra Bộ Giáo dục làm Vụ trưởng Vụ Thiết bị đồ dùng dạy học. Thầy rất quan tâm đến giáo dục Nghệ An.
Tổ khoa học xã hội có thầy Cao Thuyên người Diễn Châu, thầy Nguyễn Văn Được người Sài Gòn, thầy Phan Sinh Viên người xã Hợp Thành, sau này là giáo viên cấp 3, nhà thơ, nhà báo nổi tiếng của tỉnh Nghệ An. Thầy dạy những giờ Văn cuốn hút, mê mẩn học trò.
Thầy Bùi Ngọc Thành người xã Hoa Thành là giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy mới ra trường, rất hăng hái nhiệt tình, dạy được nhiều môn như Vật lí, Toán, Văn, làm Bí thư Đoàn trường.
Thầy Hoan ngoài giờ làm việc là ôm đàn hát. Phong trào dạy và học lúc bấy giờ theo phương châm giáo dục gắn với thực tiễn cuộc sống.
Trên sân trường có lò vôi, lò gạch thủ công. Vườn trường lấy nước từ sông Vũ Giang về, thầy trò cày bừa làm lúa cao sản theo mô hình cấy dày, cấy thẳng hàng là mô hình mới rầm rộ quyết liệt thời ấy.

Trong trí nhớ chúng tôi, hình ảnh thầy Hiệu trưởng Trần Bích là hình ảnh một con chim đầu đàn, sâu sát gần gũi thương yêu học sinh. Thầy quản lí nhà trường bằng đạo đức và mang lại hiệu quả lớn.
Hiện tại, thầy đã già yếu nhưng vẫn sinh hoạt thường niên với các học trò cũ trong hội học sinh Thánh Tổng và hội thơ đường huyện Yên Thành.
Thầy Bích rất quan tâm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi cấp huyện, cấp tỉnh mà ngày đó gọi là kì thi kiện tướng. Những học sinh giỏi toàn diện nhà gặp hoàn cảnh nghèo đói, mồ côi đều được thầy đề nghị trên cấp học bổng loại toàn phần là 9 đồng/tháng, số tiền đó mua được 20 kg gạo.
Đến thời kỳ thầy Cao Thuyên làm Hiệu trưởng thì chiến tranh lan rộng toàn quốc, Mĩ ném bom bắn phá miền Bắc ngày 5/8/1964 và từ 1965 - 1968 thì cường độ ác liệt chưa từng có.
Trường nằm trong túi bom vì chúng lấy kho Vân Tụ là kho chứa thóc của nửa huyện và Cầu Cao là cây cầu huyết mạch chuyển quân từ Bắc vào Nam nên là mục tiêu bắn phá dữ dội của địch.
Lúc này tôi đã học xong cấp 3 ,vào quân đội nhưng được biết trường đã giải thể để thực hiện mô hình mỗi xã một trường cấp 2, tìm vị trí an toàn để sơ tán.

Thế là lịch sử 60 năm của một ngôi trường cấp 2, giáo dục và đào tạo con em nửa huyện Yên Thành đã đổi tên 4 lượt qua các thời kì hòa bình, chiến tranh, đã đào tạo nên những thế hệ học trò cầm súng chiến đấu có hàng chục liệt sĩ trên chiến trường trong đó có 1 Anh hùng lực lượng vũ trang.

Có những học sinh trở thành cán bộ cao cấp như các anh Nguyễn Tâm Chiến, Nguyễn Thế Kỉ, nhiều nhà ngoại giao, nhà quân sự, nhà doanh nghiệp, nhiều giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nhà thơ, nhà nghiên cứu, đã và đang phục vụ đất nước và quê hương.
Theo GDVN.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top