• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kỳ Sơn Huồi Pốc cheo leo

HMO

Administrator
Staff member
Nói đến Huồi Pốc, một bản thuộc xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn là nói đến sự xa xôi, cách trở và gian nan. Nếu ai chưa từng đến Huồi Pốc, lần đầu đi thường hăng hái. Nếu ai từng đến Huồi Pốc một lần, chắc hẳn lần sau sẽ không tránh khỏi sự ngại ngần...

Đói nghèo và di dịch cư
Một ngày sau đợt mưa dai dẳng, tôi quyết định băng rừng vào Huồi Pốc để tìm hiểu cuộc sống của đồng bào Mông nơi biên cương xa xôi này. Trước khi tôi lên đường, các chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tỏ ra ái ngại. Bởi con đường tuần tra biên giới sau những ngày mưa đã bị sạt lở và trơn trượt, việc đi lại không thể kể hết những khó khăn. Nhưng đã lên đến đây, không thể dừng bước, trở về. Giã từ khung cảnh đông đúc, nhộn nhịp nơi giao thương hàng hóa của 2 tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng (Lào), một mình trên chiếc xe máy, tôi bắt đầu khởi hành trên tuyến đường tuần tra để đi vào Huồi Pốc.

Học sinh lớp 1 ở Huồi Pốc
Vượt qua những đống đất đá ngổn ngang, vượt qua những đoạn đường trơn lầy, nhiều đoạn phải đi xe 4 bánh theo cách nói của người Mông (chống 2 chân xuống đường), được khoảng 5km, Huồi Pốc đã hiện ra phía đỉnh núi bên kia. Những ngôi nhà thấp bé, lợp prô xi măng nằm thấp thoáng trong làn sương mây. Lòng thấy phấn khởi, Huồi Pốc có xa mấy đâu, sao mọi người cứ can ngăn, cảnh báo? Tôi lại tiếp tục chống chân vượt qua những chặng đường trơn trượt, đi tiếp, đi mãi... Chân và tay mỏi rũ, có lúc đã thấy mệt và nản. Sao lúc nãy thấy Huồi Pốc gần, bây giờ lại thấy xa, càng đi càng thấy xa? Thì ra, tuy ở gần nhưng con đường lại chạy men sườn núi, tạo thành gần trọn một đường vòng nên xa hơn đến hàng chục lần. Nếu dừng lại, nép xe bên đường, chịu khó lội bộ qua thung lũng có khi chỉ mất độ 30 phút. Nhưng với người ở xa đến thì điều đó dường như không thể, bởi không rõ đường đi lối lại rất dễ bị lạc, khe suối dâng cao dễ bị nước cuốn trôi.

Bây giờ thì đã đến được Huồi Pốc, sau gần 3 tiếng đồng hồ “đánh vật” trên tuyến đường gian nan và nguy hiểm. Đang mùa thu hoạch lúa, ngô và khoai sọ nên hầu hết các ngôi nhà đều đóng cửa, bà con chủ yếu ở trên nương. Người già ở Huồi Pốc phần lớn không biết tiếng phổ thông, hỏi gì cũng “Xi pâu! Xi pâu!” (không biết). Loay hoay mãi, không thấy ai để hỏi chuyện bản, chuyện làng. Thật may, có một người đàn ông cỡ tuổi 40, tên là Lầu Bá Dì đi lấy khoai sọ về, nói được tiếng phổ thông. Nhà của anh ở trên đỉnh núi, phải leo một con dốc cao. Anh trò chuyện cởi mở, nhiệt tình. Qua câu chuyện với chủ nhà, được biết Huồi Pốc có 174 hộ (gần 1.000 nhân khẩu) đồng bào dân tộc Mông. Giao thông cách trở, khó khăn đã “buộc chặt” bà con nơi đây trong cảnh đói nghèo, lạc hậu. Lầu Bá Dì cho biết thêm, ở Huồi Pốc chỉ từ thế hệ 8X trở về sau mới biết nói tiếng phổ thông, vì được đến trường đi học. Còn những thế hệ trước đó, không mấy người có đủ vốn từ của tiếng phổ thông để giao tiếp với người ngoài, nên có người lạ đến hỏi đều trả lời “Xipâu!”. Riêng Lầu Bá Dì được học hết cấp 2. Hồi Dì học cấp 1 có cô giáo về cắm bản. Lên cấp 2 phải ra tận bản Noọng Dẻ, đi bộ khoảng 20m đường rừng, dựng lán để ở trọ cả 4 năm nên không mấy ai theo học. Học xong cấp 2, do nhà nghèo, lại đông anh em, có tới 2 người anh và 6 người em nên Dì phải nghỉ học. Bây giờ đường vẫn xa, vẫn khó đi nhưng đã được nhà nước xây cho cái nhà bán trú, lại hỗ trợ cả tiền ăn nên người Mông cho con cái theo học ngày một nhiều hơn.

Nằm ở độ cao gần 2.000m, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên đời sống của bà con Huồi Pốc cơ bản vẫn còn trong tình trạng tự cung tự cấp. Bởi nguồn thu nhập chính vẫn là nương rẫy, các loại sản phẩm làm để phục vụ nhu cầu gia đình. Nghĩa là hạt lúa, củ khoai sọ làm ra chỉ để ăn, hạt ngô làm ra chỉ để nuôi gà. Nếu gia đình nào có thừa lúa, thừa ngô hoặc các loại sản phẩm nuôi trồng khác cũng không thể đem ra chợ bán, cũng không mấy khi có người vào tận bản để mua. Nguyên nhân là do đường sá xa xôi, cách trở, chở hàng ra đến chợ huyện thì tiền xăng đã cao hơn tiền hàng, chưa kể công đi lại vất vả. Nơi đây chưa có điện lưới, bà con đang phải dùng điện tua-bin mini, vừa thiếu sự an toàn, dòng điện lại không ổn định.

Lao động trong khuôn viên trường
Đến thời điểm hiện nay, có lẽ Huồi Pốc là một trong những bản đứng hàng đầu về số lượng hộ nghèo với tỷ lệ 81,6%. Đời sống nghèo khó, thiếu đất sản xuất, giao thông đi lại khó khăn cùng với tập tục lâu đời là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng di cư sang Lào. Ở Huồi Pốc, tính từ năm 2012 đến nay đã có 12 hộ di cư sang Lào, tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay có tới 4 hộ đã di cư. Trong số 12 hộ di cư này, có một số hộ vượt biên trái phép. Trước khi di cư, người dân thường bán hết đồ đạc, nhà cửa, gia súc, gia cầm. Khi hay tin một vài hộ trong bản đang có ý định di cư, chính quyền xã thành lập đoàn đến vận động, rồi đoàn công tác của huyện cũng lên. Các hộ này đã hứa sẽ ở lại bản sinh sống và làm ăn. Nhưng mấy ngày sau khi đoàn công tác rút về, họ đã bí mật bán hết tài sản rồi ra đi, và phải mấy sau những người hàng xóm mới phát hiện ra sự vắng mặt của họ. Đặc biệt, trong số các hộ di cư có 2 trường hợp còn nợ Ngân hàng Chính sách - Xã hội là Lầu Nỏ Vừ và Cử Bá Đa. Lầu Nỏ Vừ di cư từ năm 2004, trước đó anh này có vay 2,5 triệu đồng. Theo cách nói của người Mông ở Huồi Pốc thì “2,5 triệu đồng không phải như bây giờ, 10 năm trước mua được 1 con bò to”. Còn Cử Bá Đa di cư sang Lào từ năm 2011, trước đó anh được Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay theo diện hỗ trợ xóa nhà tranh tre tạm bợ theo Quyết định 167 của Chính phủ.

Cần nói thêm rằng, ở huyện Kỳ Sơn, không riêng gì Huồi Pốc, tình trạng di cư sang Lào diễn ra ở hầu hết các xã có đồng bào Mông cư trú như Na Ngoi, Nậm Càn, Huồi Tụ, Tây Sơn, Đoọc Mạy và Nậm Cắn. Ngày 18-7 vừa qua, tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An, ông Và Bá Cải - Chủ tịch MTTQ huyện Kỳ Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm toàn huyện có 86 hộ với 341 nhân khẩu di cư sang Lào. Trước khi di cư, các hộ này đều bán hết đồ đạc, nhà cửa và chủ yếu đi theo đường tiểu ngạch, có một số hộ đi theo đường hộ chiếu, còn lại là vượt biên trái phép. Về nguyên nhân, theo ông Và Bá Cải là nước bạn Lào vừa thành lập khu kinh tế mới, một số hộ nghe tin liền tìm đến để có cơ hội sinh sống, làm ăn. Một phần nữa, đất đai ở đây đã bạc màu, làm ăn không hiệu quả, con em thiếu việc làm nên không ít hộ đã quyết định sang Lào làm ăn. Được biết, hàng chục hộ di cư sang Lào đang nợ vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.

Nhọc nhằn con chữ
Sau bữa cơm trưa, tôi tìm đường đến Trường tiểu học Nậm Cắn 2. Trường nằm trên đỉnh một ngọn núi, con đường đi lên vừa nhỏ, dốc và gập ghềnh. Phòng học và nhà công vụ đều được lợp prô xi măng đã ngả màu xám đen, vách thưng bằng gỗ đã ải mục. Đặc biệt, hệ thống cột trụ bằng gỗ đã bị mối xông, nhiều cột phần dưới đã bị mục. Hầu hết các phòng học đều nền đất, một số phòng nền là một lớp mùn dày, chỉ cần bước chân mạnh hay một cơn gió thổi qua là đám bụi bay lên mù mịt. Hệ thống cơ sở vật chất của trường đã được xây dựng gần 20 năm trước, ngày xưa được gọi là bán kiên cố, nay đã trở thành tạm bợ. Thầy Nguyễn Sỹ Đông - Hiệu trưởng cho biết: “Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, nằm cách xa trung tâm, ôtô không vào được đến nơi, xe máy chỉ đi được vào mùa khô, cơ sở vật chất còn tạm bợ, trình độ dân trí còn hạn chế nên việc dạy và học ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Dù đội ngũ giáo viên của trường đa phần đều trẻ và yêu nghề, luôn nỗ lực nhưng chất lượng của trường luôn đứng ở tốp cuối toàn huyện”.

Cô giáo trẻ miền xuôi lên Huồi Pốc dạy chữ
Theo lịch công tác, buổi chiều hôm ấy nhà trường tổ chức lao động. Công việc chính là tu sửa bờ rào và vệ sinh khuôn viên trường học. Các thầy sang tận cánh rừng phía bên kia để chặt cây nứa, cây tre. Các em học sinh lớp 4-5 theo bước các thầy lên rừng để chuyển từng bó nứa, bó tre về trường. Còn các em lớp 1-2-3 quét sân trường và giọn cỏ sau vườn. Những em học sinh mặt mũi lem luốc, mái tóc vàng cháy, áo quần sờn rách. Điều ấy nói lên rằng, cuộc sống của các em gặp rất nhiều thiếu thốn. Nhưng có điều, trông các em vẫn rất đỗi vô tư và hồn nhiên, dường như chưa biết đến những khó khăn, thiệt thòi mình đang gánh chịu. Bởi con đường xa, gập gềnh và trắc trở, xung quanh bản là những dãy núi điệp trùng. Hầu hết các em chưa bước ra khỏi bản nên chưa được biết đến thế giới bên ngoài.

Dẫn khách đi khắp các phòng học và khuôn viên trường, thầy Nguyễn Sỹ Đông cho biết, hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học và nhà công vụ của giáo viên đã xuống cấp nghiêm trọng. Lãnh đạo ngành và lãnh đạo huyện đã đến và đã biết nhưng giờ vãn chưa có giải pháp khắc phục. Vì lẽ con đường vào đây quá gian nan, chỉ đi được xe máy, xe ôtô không thể vào đến tận nơi. Việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng là gần như không thể. Trước mắt, thầy và trò vẫn phải bám trụ với những phòng học đã xuống cấp, mặc cho sự tàn phá của thời gian và điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang hàng ngày thử thách. Trong góc các phòng học là những chiếc chiếu đã được xếp gọn, bên cạnh là những chiếc hộp nhựa đựng cơm và thức ăn. Có lẽ đoán được thắc mắc của khách, thầy hiệu trưởng liền giải thích: “Ở đây dân cư thưa thớt, bản kéo dài đến khoảng 3 cây số, phụ huynh lại lên rẫy cả ngày. Nếu để học sinh về nhà buổi trưa, buổi chiều sẽ có nhiều em không đến lớp, có thể vì ngủ quên, hoặc do mải chơi mà không có người thúc dục. Vì thế, chúng tôi vận động phụ huynh chuẩn bị cơm trưa cho các em, ăn xong xếp bàn ghế và trải chiếu giữa phòng để nghỉ, giáo viên cũng thuận lợi hơn trong việc quản lý”.

Vệ sinh sân trường
Tôi xin phép được trở ra Mường Xén, vì tôi đã hẹn sáng hôm sau làm việc ở xã Tây Sơn. Hơn nữa, chặng đường từ Huồi Pốc ra trung tâm huyện hơn 40km, trong đó mất 20km gập ghềnh, trắc trở. Nếu cứ chần chừ, không ra kịp trước lúc trời tối sẽ khó tránh khỏi những trắc trở trên đường. Đó là chưa kể, gặp phải cơn mưa rừng bất chợt chỉ có cách để lại xe bên đường mà cuốc bộ. Các thầy cứ nhất quyết giữ tôi lại, vì dù thế nào cũng đã muộn, không thể về đến Mường Xén trước lúc trời tối. Sáng mai, sẽ cử một người dẫn tôi ra theo con đường tắt, tiết kiệm được hơn nửa chặng đường, kịp để vào Tây Sơn làm việc. Hơn nữa, đã khá lâu, có lẽ từ ngày khai giảng năm học mới đến giờ, trường chưa có khách xa đến thăm, mong tôi ở lại để hiểu thêm cuộc sống và tâm tư của những người “gieo chữ” ở vùng đất biên cương xa xôi này. Chủ nhà đã nói đến mức ấy, lẽ nào mình lại chối từ? Vậy là tôi có một đêm ngủ lại Huồi Pốc.

Bữa cơm tối diễn ra thật nồng ấm với những món ăn đặc trưng của núi rừng vùng cao. Chủ nhà cứ ra sức nói lời thông cảm với khách, vì lẽ đường cách trở, nằm xa trung tâm, khách lại đến bất ngờ nên không tiếp đón được chu đáo. Nhưng tôi lại nói mình đã “nghiền” món canh khoai sọ và món cải Mông. Các thầy cô cứ thay nhau kể về những kỷ niệm trên những chặng đường dạy học ở vùng cao biên giới. Ai cũng kể lại những kỷ niệm vui, không ai nói về những khó khăn, vất vả. Có lẽ, với họ những điều ấy đã trở nên rất đỗi bình thường, và họ biết những người làm báo đã hiểu về những khó khăn của giáo dục vùng cao nên không cần phải kể. Duy nhất một lần, thầy hiệu trưởng bảo rằng, mỗi thầy cô giáo ở đây đều có một tập vở viết và một hộp bút bi dự trữ, để lỡ học sinh nào thiếu sẽ kịp thời cung cấp. Phụ huynh nào nhớ thì trả tiền, không nhớ thì thầy cô xem đó là một sự giúp đỡ. Cũng có những em mấy hôm sau đi học mang theo một quả bầu, quả dưa hoặc mấy củ khoai sọ và nói: “Bố nói nhà em học còn tiền để trả tiền vở viết cho cô, cô lấy tạm quả bầu này nhé!”. Trong số các thầy cô giáo, tôi ấn tượng nhất với một cô giáo còn rất trẻ, là Nguyễn Thị Hiền. Hiền sinh năm 1991, quê ở xã Nam Hưng (Nam Đàn), vừa mới lên Kỳ Sơn nhận công tác chưa đầy 2 tháng. Cô giáo trẻ kể lại: “Em nhận quyết định vào Trường tiểu học Nậm Cắn 2 vào đúng ngày trời đổ mưa tầm tã. Người anh họ chở em vào đây, từ Cửa khẩu vào chủ yếu là đi bộ. Lúc đó, em thấy nản vô cùng, nhưng bây giờ sau hơn 2 tháng mọi viên đã quen...”. Và có một điều ấn tượng nữa là xe máy của các thầy cô giáo ở đây đều được quàng một lớp xích ở bánh sau. Lúc đầu tôi chưa hiểu lắm, sau đó mọi người giải thích rằng quàng xích là để tăng độ ma sát, vì đường vào đây quá trơn. Những vòng xích ấy sẽ bám chặt vào mặt đường, để bánh xe không trầy ngang, trượt dọc mỗi lúc đi qua những đoạn đường trơn. Có thể nói đây là một sáng tạo độc đáo của những người có kinh nghiệm đi đường ở vùng cao.

Dù trường đóng tại bản nhưng học sinh vẫn phải mang theo cơm trưa để duy trì sĩ số

Huồi Pốc về đêm trời đã khá lạnh, có vẻ như ở vùng đất biên cương này mùa Đông “gõ cửa” sớm hơn. Sáng dậy, thầy Nguyễn Văn Cường được đưa tôi ra Quốc lộ 7A theo đường tắt. Đoạn đường tắt từ Huồi Pốc ra bản Noọng Dẻ gần 10km nhưng khó đi hơn rất nhiều lần, vừa có đèo dốc cheo leo, mặt đường đất đá lổn nhổn, trơn trượt; vừa có suối sâu, không có kinh nghiệm điều khiển xe sẽ rất dễ bị chết máy. Có những hòn đá lăn từ trên núi xuống nằm chình ình giữa đường. Những cây to bị nước cuốn bật rễ nắm ngang đường chắn lối. Tôi sợ nhất là những lúc qua suối. Để an toàn và “chắc ăn”, tôi phải dừng xe, đưa giấy tờ, ví và các loại đồ nghề lội sang bờ bên kia để cất rồi mới trở lại chạy xe qua. Phòng trường hợp ra giữa dòng xe bị nước cuốn hoặc va phải đá bị ngã, chỉ người và áo quần bị ước, các đồ đạc kia vẫn khô ráo. Nhưng rất may, tôi đã không bị ngã một lần nào. Cuối cùng thì tôi cũng ra đến Noọng Dẻ, từ đây tuột 10km đường dốc sẽ về đến Mường Xén...

Giờ đây, tôi rút ra được một kết luận rằng: Ở huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn, tên bản nào có vần “ốc” đều xa xôi, cách trở và cheo leo. Đó là Thẩm Hốc ở Mường Lống, Huồi Hốc ở Bảo Nam và Huồi Pốc ở Nậm Cắn. Những nơi gian khó này tôi đã đi qua, và tự hứa với mình sẽ có lần trở lại.

Phóng sự của Bùi Khánh Huyền, petrotimes​
 

Ads HMO

Ads HMO

Top