• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Hồi sinh trên đất Nậm Giải

Admin

HoangMaiOnline
Staff member
Dân thích đi “phượt” đang kháo nhau tìm đến bản Piêng Lâng, xã Nậm Giải (Quế Phong) để thưởng ngoạn một bản làng người Thái tuyệt đẹp, quanh năm quấn trong mây núi.

slide.jpg
Bản mới Piêng Lâng - Ảnh: Viễn Sự
Nhưng ít ai biết bản Piêng Lâng chỉ mới được hình thành vài năm, từ đống đổ nát sau cơn lũ quét tràn qua miền biên ải tận cùng miền tây xứ Nghệ. Tháng 10-2007, Nậm Giải đón chúng tôi bằng hình ảnh một ngôi trường đổ nát bên suối, những mái nhà sàn tan hoang, cả cánh đồng bị đá sỏi vùi lấp, ngổn ngang cây rừng và 13 cái đám tang cùng lúc sau trận lũ quét. Nhưng bây giờ, đón những người quen cũ về thăm đã có một bản làng mới chen trong mây núi hữu tình và câu chuyện ấm lòng về những cán bộ đã cắm bản cùng bà con lập nên bản mới.

Đứng dậy sau lũ dữ

Dấu tích trận lũ sáu năm trước vẫn còn trên cánh đồng cũ ở bản Pục và bản Méo nơi đá sỏi bồi lấp thành một vùng đất hoang. Nhưng anh Nguyễn Bá Hiền - phó Ban phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong, người dẫn đường cho chúng tôi - dặn cứ kiên nhẫn, vượt thêm mấy con dốc cao từ vùng đất cũ thì những mái nhà sàn đỏ au hiện ra trong mây núi. Tất cả có 63 nóc nhà sàn, đều tăm tắp, chạy dọc theo những khoảng đất bằng phẳng, thoai thoải theo sườn đồi. Điện lưới đã được kéo về, nước sạch theo những đường ống dài từ khe núi cũng dẫn đến từng nhà.

Anh Hiền cho biết khác với đất cũ ở bản Pục và bản Méo nơi bị lũ quét, đất đai rất chật chội, bà con người Thái phải ở chen chúc nhau, ở bản mới Piêng Lâng mỗi gia đình đều có một khoảnh vườn rộng hơn 2.000m², trồng đủ loại rau và cây trái.Và thật lạ, là bản miền núi, nhưng ở Piêng Lâng đường bêtông không chỉ trải thẳng tắp mà còn quy hoạch vuông vắn chia từng cụm dân cư của bản thành những ô đều đặn. Phía giữa bản, dưới bóng cây đa già là một ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, có cả đàn organ điện và sân khấu rộng. Chếch lên phía trên là hai phòng học mẫu giáo và ba phòng cho học sinh tiểu học đang ê a tiếng trẻ đánh vần. Giữa vùng rừng núi thâm u nơi biên giới Việt - Lào, sự tinh tươm, quy củ của bản Piêng Lâng làm khách từ xa đến ngỡ ngàng.

Câu chuyện về bản làng Piêng Lâng mới toanh trên bản đồ xứ Nghệ cứ mỗi bước chân lại thêm những chi tiết. Trên con đường bêtông xuyên qua bản, chúng tôi gặp chị Quang Thị Hoa và Quang Thị Hương đang hái chanh dây trong vườn nhà. Chỉ một khu vườn nhỏ hai sào Trung bộ (1.000m²) nhưng chị Hoa khoe chanh dây đang vào vụ, cứ ba ngày chị hái bán được hơn 500.000 đồng. Nhắc tới chuyện chanh dây, trưởng bản Ngân Văn Thi cười hể hả: “Cây ni cán bộ huyện mới đưa về trồng, nhưng cho quả khá lắm, bán 10.000 một cân, người mua vô tận nơi. Nhà mô trồng tốt, mỗi hecta bán đến 300 triệu một năm đấy”.

Những người đi xây bản

Bên ché rượu cần đón khách, trong câu chuyện về cuộc sống ở vùng đất mới, trưởng bản Ngân Văn Thi và bí thư Ngân Văn Thường cứ nhắc mãi về cán bộ đã ở lại bản những ngày sau lũ quét, đã cùng hai ông đi tìm vùng đất mới, thuyết phục bà con rời mảnh đất tổ tiên đã cắm dùi để đến nơi ở mới bây giờ. Vít xong cần rượu với anh Nguyễn Bá Hiền, trưởng bản Ngân Văn Thi còn nhớ chuyện cán bộ Hiền và các cán bộ của Ban phát triển nông thôn miền núi đã cắm bản cả năm liền để cùng đoàn khảo sát quy hoạch nên một bản Piêng Lâng như bây giờ. Những ngày tháng sau đó còn gian nan hơn khi suốt gần nửa năm trời, dù đã vận động nhiều cách nhưng bà con không ai chịu đi. Ai cũng sợ mắc tội với ông bà khi rời vùng đất cũ. Sợ phải sống gần cánh rừng sa mu thâm u, lúc đó chưa hề có điện, đường, trường học như bây giờ.

Khi đó, trưởng bản Thi và bí thư Thường quyết định mình sẽ là nhà đầu tiên dời đến bản mới. Những cán bộ được UBND huyện Quế Phong biệt phái vào Nậm Giải như anh Hiền cũng không trở về mà ở lại, góp sức dựng nhà, cùng ăn cháo môn, nhai sắn trừ bữa trong những ngày mưa gió cả bản hết gạo... Thấy trưởng thôn ở được, bí thư ở được, cán bộ ngoài thị trấn vô ở cũng được, ít lâu sau bà con lục tục kéo nhau vào Piêng Lâng. Biết bà con vẫn còn e ngại, cứ nhà nào dời nhà vào bản mới thì lại có cán bộ từ thị trấn lội rừng vào xẻ gỗ, lợp mái dựng nhà. Thương những đứa trẻ ở bản mới chưa có trường, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Xoan từ thành Vinh, sau một lần ghé thăm người quen cũng tình nguyện ở lại, mở lớp mẫu giáo đầu tiên ở Piêng Lâng trong ngôi nhà bốn bề vách nứa...

Những câu chuyện về sự tận tụy ấy đã kéo tất cả bà con rời vùng lũ quét vào bản mới. Nhưng anh Nguyễn Bá Hiền kể để bà con vào đã khó, giữ bà con ở lại càng khó. Ngày đó chưa có trường tiểu học, trẻ em người Thái sáng 5g phải đốt đuốc đi học, vừa đi vừa sợ ma. Cán bộ biết chuyện, vậy là mờ sáng lại cùng dậy, cùng thắp đuốc đưa các cháu đến trường. Quê ở thị thành, những cán bộ như anh Hiền không chỉ phải thích nghi với đời sống thiếu thốn ở vùng biên ải xa xôi nhất Nghệ An mà còn phải học cả cách uống được một lúc hai sừng rượu cần khi bà con mời, biết ăn con lươn bà con nấu không mổ bụng, biết cất lại cả câu hỏi: “Khi nào được trở lại đồng bằng”. Bởi nói như chủ tịch xã Nậm Giải Quang Văn Tâm: “Các cán bộ ngoài huyện chừ còn rành đường ở Nậm Giải hơn cả chúng tôi...”.

Điểm tựa vùng biên giới

Ông Lữ Đình Thi - chủ tịch UBND huyện Quế Phong - cho biết bản mới Piêng Lâng được hình thành trên cơ sở chính sách di dân biên giới Việt - Lào theo chủ trương của Chính phủ. Theo ông Thi, đồng bào người Thái ở Nậm Giải đã nỗ lực rất lớn trong việc lập nên bản mới. Bởi khi dời bản Nhà nước chỉ hỗ trợ 20 triệu đồng cho mỗi hộ dân, trong đó chỉ có 2 triệu tiền mặt, còn lại là bằng vật liệu dựng nhà, cây giống, lương thực..., còn lại đều do người dân tự lực cánh sinh.

Sau hơn năm năm dời bản, Piêng Lâng bây giờ đã là một bản mới với 63 hộ dân đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đầy đủ các công trình phúc lợi như trường tiểu học, trường mầm non, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tự chảy, đường giao thông nội vùng, điện lưới quốc gia và hệ thống thủy lợi... “Piêng Lâng đã trở thành điểm tựa vững chắc của vùng biên giới. Và từ thành công của Piêng Lâng đã có thêm nhiều bản làng được hình thành trong chính sách di dân biên giới Việt - Lào” - ông Lữ Đình Thi nói.

HMO nguồn Tuổi Trẻ.
 
Last edited by a moderator:

Ads HMO

Ads HMO

Top