• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Họ đã làm nên những câu nói nổi tiếng một thời

HMO

Administrator
Staff member
Báo QĐND có bài viết với tiêu đề “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Từ đó câu này trở thành câu nói nổi tiếng của Bác.


Bác Hồ nói chuyện với các chiến sỹ tại Khu di tích Đền Hùng ngày 19/9/1954 - Ảnh: Tư liệu
Báo Quân đội nhân dân (QĐND) từng sản sinh ra những nhà báo mà không ít tác phẩm của họ đã tạo dựng nên những nhân vật lẫy lừng với những câu nói đã trở thành “mệnh lệnh” thôi thúc các thế hệ người Việt Nam kiên cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước…”
Sử sách đều ghi chép lại rằng, câu nói “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước” được Hồ Chí Minh nói vào sáng ngày 19/9/1954 tại cửa Đền Giếng trong khu di tích Đền Hùng thuộc núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ trước cán bộ Đại đoàn Quân tiên phong.

Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp, cựu phóng viên báo QĐND, người tháp tùng Bác trong chuyến đi đó kể lại rằng, để giữ tuyệt đối bí mật cho chuyến đi, thực ra Bác cùng đoàn tùy tùng đến khu di tích Đền Hùng vào tối 18/9 và ngủ đêm tại đó (chứ không phải Bác đi từ Đại Từ, Thái Nguyên đến khu di tích vào sáng 19/9 như các báo xưa nay vẫn viết).

Sáng 19/9, trên chiếc xe Zeep mang biển số KT-032 (KT ký hiệu của Ban kiểm tra 12 - bí danh của Văn phòng Phủ Thủ tướng) do đồng chí Ngọc điều khiển, Bác đi từ cổng vào và thăm khu vực di tích Đền Hùng.

Khoảng 9h, các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 102 (Trung đoàn Thủ đô), Trung đoàn 36, Trung đoàn 88 (Tu Vũ) và một số tiểu đoàn trực thuộc của Đại đoàn Quân tiên phong đi từ 5 hướng: Núi Thằn Lằn (Vĩnh Phúc), Gia Thanh (Phù Ninh), Trại Cờ (Hiệp Hòa, Bắc Giang), Đại Từ (Thái Nguyên) và Phùng (Hà Nội) đến hội tụ. Ngoài ra, còn có cán bộ văn công của Đại đoàn. “Bác ngồi trên cửa ngách bên phải Đền Giếng. Khoảng gần 100 đồng chí cán bộ, chiến sĩ của Đại đoàn ngồi dưới sân Đền nghe Bác nói chuyện. Trong buổi gặp mặt đó, Bác đã giảng giải đại ý: Đền Hùng thờ các Vua Hùng. Hùng Vương là người sáng lập ra nước ta, là Tổ tiên của dân tộc ta. Ngày nay, Bác cháu ta phải bảo vệ đất nước của chúng ta. Đồng thời, Bác căn dặn và giao nhiệm vụ cho đơn vị về tiếp quản Hà Nội là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của Cách mạng Việt Nam, của Quân đội.

Ngày hôm sau, báo QĐND có bài viết với tiêu đề “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Từ đó câu này trở thành câu nói nổi tiếng của Bác.


Anh hùng LLVT Lê Mã Lương
“Cuộc đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù”
Đây là câu nói nổi tiếng của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Cuốn truyện ký dài Bài ca ra trận của phóng viên báo QĐND Đinh Khánh Vân về Anh hùng LLVT Lê Mã Lương trở nên rất nổi tiếng một thời, được coi là cuốn sách truyền tay của thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

"Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà báo là khái quát đời sống. Thiếu cặp mắt nhìn như vậy, anh không thể mang đến những thông điệp có giá trị cho độc giả được."

Đại tá, nhà báo Đinh Khánh Vân

Năm 17 tuổi, Lê Mã Lương đã từ chối ước mơ vào giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội và giấy báo du học nước ngoài để lên đường vào Nam đánh Mỹ. 18 tuổi, anh bị thương lần đầu tiên, hỏng một mắt; 21 tuổi, Trung uý Lê Mã Lương được tuyên dương Anh hùng quân đội. Tháng 7/1968, anh được gặp Bác Hồ tại Quân y viện 108. Sau ngày miền Nam giải phóng, anh học tiếp Khoa Sử - ĐHTH Hà Nội mà năm xưa bỏ dở và làm luôn luận án tiến sĩ. Giữa năm 1998, anh có quyết định làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Lê Mã Lương từng kể: “Ngày cuối cùng, khi tạm biệt bạn bè, người thân lên đường ra mặt trận, có cô bạn thân đã tặng tôi một cuốn sổ tay nhỏ xinh. Cuốn sổ đã theo tôi trong suốt những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Nó là cuốn nhật ký của tôi”. Người viết bài này từng hỏi anh: “Câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù” là do anh viết trong cuốn nhật ký?”. Lê Mã Lương nói rằng, cả một trang nhật ký anh viết toát lên nội dung như thế, được Đại tá Đinh Khánh Vân (Báo QĐND) khái quát lên thành một câu ngắn gọn như vậy.


Cựu phóng viên báo Quân đội nhân dân Nguyễn Khắc Tiếp
Còn Đại tá Vân thì kể: “Hồi tôi viết về Lê Mã Lương, tôi theo cậu ấy đến nỗi cậu ấy ốm tôi cũng theo vào bệnh viện, chờ đến khi nào cậu ấy tỉnh là hỏi chuyện. Rồi thấy vẫn chưa đủ, tôi còn về quê của cậu ấy nữa. Bài về Lê Mã Lương gây được tiếng vang ghê lắm, đến nỗi nhiều đơn vị trong và ngoài quân đội đều mời tôi đến nói chuyện về nhân vật nổi tiếng với câu nói: “Cuộc đời đẹp nhất của tuổi trẻ là trên trận tuyến đánh quân thù”. Tôi nghĩ, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà báo là khái quát đời sống. Thiếu cặp mắt nhìn như vậy, anh không thể mang đến những thông điệp có giá trị cho độc giả được”.

Nhạc sỹ Huy Thục
“Ôi, dòng suối La La…”
“Ơi dòng suối LaLa/ Nước trong xanh hiền hòa/ Chảy quanh đồi không tên/ Đang bay bổng lời ca…”. Đó là ca khúc Ôi, dòng suối La La của nhạc sỹ Huy Thục. Ca khúc này được Huy Thục lấy cảm hứng từ một câu chuyện đầy hào hùng có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Câu chuyện này do Đại tá Nguyễn Đức Toại, nguyên Trưởng phòng Quân sự Báo QĐND dựng nên. Nhân vật chính của câu chuyện là Anh hùng LLVT Bùi Ngọc Đủ (người Thanh Hóa). Ông nhập ngũ năm 1961 tại Sư đoàn 324 (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Chiến công vang dội nhất vinh danh tên ông là trận đánh ngày 28/2/1967, tại đồi Không tên dưới chân núi Cù Đinh, Cam Lộ, Quảng Trị, nơi có con suối hiền hòa mang tên La La.

Ngày này, tiểu đội 10 chiến sĩ (tuổi đời từ 18 - 24) do Trung sĩ Bùi Ngọc Đủ làm Tiểu đội trưởng, nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa 3.000 viên đạn H12 và H6, chuẩn bị đánh vào căn cứ của Mỹ trên điểm cao 241, Quán Ngang và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở TX Đông Hà.

Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ đã dũng cảm chiến đấu suốt một ngày trời. Sẩm tối, cũng là lúc đại đội đưa lực lượng vào chi viện và chuyển 3.000 quả đạn pháo đi nơi khác an toàn. Địch để lại 41 xác chết trên trận địa, ta thu 101 khẩu AR 15 và nhiều chiến lợi phẩm.

Chiến thắng của Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 lập nên chiến thắng giòn giã ngày 7/3/1967, phá hủy 21 khẩu pháo, 30 xe vận tải, 5 xe tăng, diệt và làm bị thương hơn 1.000 tên địch.

Tác phẩm đăng trên báo QĐND của Nguyễn Đức Toại như một “ca khúc hùng tráng” lan truyền trong cả nước. Và Huy Thục viết: “Ơi con suối La La!/ Nước trong xanh hiền hòa,/ chảy quanh đồi không tên./ Nay đồi đã mang tên/ Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ -/ Mười dũng sĩ diệt Mỹ…”.

Theo Lê Thọ Bình (báo Giao Thông)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top