• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nam Đàn Hàng chục hộ dân sống bên miệng “hà bá”

HMO

Administrator
Staff member
Hơn 20 hộ dân đang thấp thỏm lo âu khi ngôi nhà đang sống nằm cạnh miệng sông Đào (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn) có thể làm mồi cho “hà bá” bất cứ lúc nào nếu mưa lớn kéo dài. Phương án để người dân an cư lạc nghiệp chưa có, người dân phải tự chống chọi với thiên nhiên.

Những ngày qua, những hộ dân sống bên cạnh sông đào, thuộc khối Sa Nam, thị trấn Nam Đàn (Nam Đàn, Nghệ An) vẫn phải tự mình gia cố lại những gì có thể sau trận sạt lở. Mưa lớn vào tối 14 và ngày 15/10 vừa qua đã làm chuồng gà gia đình Quách Văn Thọ sạt lở trôi xuống sông trong đêm tối.

Gần 100 con gà giờ chỉ còn lại hơn 10 con còn sống sót. Khu vực bếp và giếng nước sẵn sàng rơi xuống lòng sông bất cứ khi nào nếu mưa lớn tiếp tục xảy ra. Về đây sinh sống từ năm 1991, gia đình ông Thọ tự khai hoang làm nhà trên mảnh đất khoảng 150m2. Mấy năm trước, ông bà làm ngôi nhà kiên cố để sinh hoạt, nhưng trận mưa vừa qua đã “nuốt” trọn cái chuồng gà.


Chuồng gà gia đình ông Thọ trôi hẳn xuống sông
“Đêm mưa cả nhà sơ tán, một mình tui ở lại sắm thêm cái đèn pin sẵn sàng chạy khi có sự cố xảy ra. Cứ mưa lớn là cả gia đình thức trắng, không ai ngủ được…”, ông Thọ nói.

Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Thành bên kia sông Đào được xây dựng từ năm 1995 giờ nằm ngay sát mép con sông, cơn mưa lớn vào tối 14 và ngày 15/10 đã làm con đường và hàng chục mét tường rảo sạt lở trôi xuống sông. Đường ống dẫn nước sạch bị đứt trôi xuống dưới sông, một tuần nay gia đình bà và nhà hàng xóm là ông Nguyễn Văn Nhuần phải đi xin nước người khác về sử dụng.


Chỉ vài chục centimet nữa là ngôi nhà ông Thọ bị ảnh hưởng
Để có đường đi vào, gia đình bà phải dùng cọc tre, cọc gỗ đóng chống bên dưới với hi vọng giữ lại được đoạn đường vào nhà. “Giải pháp tình thế duy nhất lúc này là chằng chống, kê kích để tiện đi lại. Trận mưa ngày 14 và 15/10 gia đình phải căng bạt chống bên trên con đường để nước mưa khỏi làm xói lở thêm đoạn đường. Nếu vừa rồi hai cơn bão đổ bộ vào thì chắc không biết chuyện gì đã xảy ra…”, bà Thành nói.

Con đường vào nhà bà Thanh Bị sạt lở mất một nửa
Ông Trịnh Văn Phương – chồng bà Thành cho biết, gia đình và đây sinh sống từ năm 1995, khu đất vẫn chưa được cấp sổ đỏ do đất đang ở là đất của hành lang sông Đào. Những năm trước mưa nhỏ, sạt lở một phần đã được khắc phục, gia đình cố gắng trồng tre để giữ lại mảnh đất. Không chỉ gia đình ông Phương, ông Thọ mà theo thống kê của thị trấn Nam Đàn thì có trên 20 hộ dân sống chung cảnh sạt lở đất. Nhiều năm qua, các hộ dân đều bỏ ra số tiền lớn để đắp đường, đổ bê tông, kè chắn nhằm đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Một mảng tưởng rào hàng chục mét đã trôi xuống dòng sông trong trận mưa
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Đàn cho biết, theo thống kê của địa phương thì có khoảng 20 hộ dân nằm trong diện bị ảnh hưởng, đặc biệt có 4 hộ đặc biệt nguy hiểm. “Bốn hộ dân bị sạt lở nặng địa phương đã có báo cáo danh sách gửi UBND huyện để có phương án đảm bảo an toàn cho người dân. Thời điểm xảy ra mưa lớn, chúng tôi bố trí ngôi nhà của khối trưởng di dời người dân đến nơi an toàn. Nếu xảy ra phương án xấu thì huy động lực lượng vận chuyển đồ ra khỏi ngôi nhà. Địa phương cũng mong các cấp các ngành ủng hộ, sớm có phương án giải quyết lâu dài tình trạng này, nhằm đảm bảo đời sống cho người dân...”.

Chằng chống là việc làm duy nhất người dân có thể làm để giữ lại những gì chưa bị "hà bá" nuốt
Theo ông Tuấn thì để người dân đảm bảo an toàn thì có hai phương án một là tái định cư đến nơi ở mới đòi hỏi kinh phí lớn, việc này phải chờ cấp trên giải quyết. Nếu như chưa thể di dời thì cần phải có phương án làm bờ kè sông vừa đảm bảo bờ sông không sạt lở gây tắc dòng chảy, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho địa phương, vừa đảm bảo an toàn cho những hộ dân sống hai bên.

Trong khi chờ các cấp các ngành có phương án thì người dân vẫn phải “sống chung” bên cạnh miệng “hà bá”, sẵn sàng sơ tán khi mưa lớn kéo dài. Để người dân yên tâm sinh sống và phát triển thì các cấp chính quyền cần có một phương án để người dân không phải lo sợ mỗi khi mưa lũ về.

Theo PLVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top