• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quế Phong Giáo viên "đánh võng" trên đường để đến trường

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Sau những ngày tết các giáo viên trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong lại quay trở lại trường với những “cỗ chiến xa” tự chế quen thuộc.


Toàn trường không 1 giáo viên nữ
Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi, chúng tôi may mắn được hành trình cùng các giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 quay trở lại trường để tiếp tục nhiệm vụ nuôi giấc mơ con chữ cho con em đồng bào H’Mông. Do điều kiện địa hình đồi núi hiểm trở nên chỉ riêng xã Tri Lễ, huyện Quế Phong có đến 4 trường tiểu học. Trường tiểu học Tri Lễ 4 là trường khó khăn nhất của 4 trường tiểu học tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong bởi nằm ở khu vực cao, hiểm trở và xa xôi nhất.


Con đường từ ngã ba Châu Thôn vào điểm trường chính Tiểu học Tri Lễ 4 dài 17km phải trải qua nhiều dốc núi cao ghồ ghề đi lại rất nguy hiểm (ảnh Xuân Hòa)

Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có 6 điểm trường với tổng số 453 học sinh, 100% học sinh đều là con em đồng bào dân tộc H’Mông. Điểm trường chính Trường Tiểu học Tri Lễ 4 nằm cách trung tâm xã Tri Lễ hơn 30km. Tất cả tại các điểm trường của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 vẫn chưa có điện lưới, sóng điện thoại…


Con đường từ vào trung tâm xã vào trường đều là đường đất núi hiểm trở với một bên vực thẳm, một bên vách núi. Do đặc thù địa hình khó khăn, sự khắc nghiệt của thời tiết và thiếu thốn đó nên cả trường có 40 giáo viên thì tất cả đều là giáo viên nam. Đây là điều đặc biệt của Trường Tiểu học Tri Lễ 4 so với các trường tiểu học khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.


“Cả trường 40 giáo viên đều là nam giới. Bởi điều kiện thiếu thốn, đường đi lại nguy hiểm do địa hình đồi núi nên các giáo viên nữ vào đây dạy học sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Để nuôi ước mơ con chữ và xóa mù cho bà con đồng bào H’Mông nơi đây nên các thầy giáo chịu bao nhiêu thiệt thòi để vào vùng này dạy học”, thầy Lê Viết Minh – Hiệu Trưởng trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết.


Nhiều đoạn đường đã bị nước mưa khoét sâu nhìn như một rãnh suối với đầy đá trơ giữa lòng đường rất nguy hiểm (ảnh Xuân Hòa)

Do đặc thù học sinh tiểu học và 100% đều là con em đồng bào H’Mông nên phải dạy các em bằng cách kết hợp cả hai thứ tiếng cùng một lúc (cả tiếng Việt và tiếng H’Mông – PV). Bởi vấn đề đó nên cả trường có đến 15 thầy giáo người H’Mông dạy học. Số thầy giáo này được xem là những người ươm mầm tiếng việt đầu tiên cho các em học sinh tiểu học nơi đây. Ngoài những giáo viên người H’Mông thì hầu hết các giáo viên khi vào đây dạy học dần dần đều thông thạo ngôn ngữ của đồng bào.


“Các em còn nhỏ nên khi mới vào học tiểu học chưa biết nói tiếng việt. Để các em nhanh tiếp thu, nắm vững kiến thức chúng tôi phải dạy kèm các em bằng cả tiếng bản địa và tiếng phổ thông. Đây được xem là cách hữu hiệu nhất và cũng giúp các em có hào hứng học tập nhất”, thầy Thò Bá Chù – Giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cho biết.


Nhà có nghèo cũng phải mua xe máy ‘xịn”
Sau khi xe của đoàn chúng tôi vượt hơn 10km đường nhựa qua Dốc Chuối đến ngã ba Châu Thôn. Từ đây vào Trường Tiểu học Tri Lễ 4 còn 17km, quãng đường từ đây vào Trường Tiểu học Tri Lễ 4 mới thực là thử thách cho cả đoàn. Mặc dù đã được cảnh báo từ trước nhưng chúng tôi cũng không bao giờ nghĩ con đường đi vào đây nguy hiểm đến như vậy. Riêng tất cả xe của chúng tôi đều phải để lại bên ngoài và được các giáo viên chở vào.


Do đường đi lại khó khăn nên việc các giáo viên trên đường vào trường bị ngã xe là chuyện thường ngày (ảnh Xuân Hòa)

Theo các giáo viên cho biết: “Mỗi khi có đoàn công tác hay đơn vị nào vào trường các giáo viên đều phải trực tiếp ra chở. Bởi đường khó đi, nguy hiểm, đi không quen thì bỏ cuộc giữa đường hoặc lao xuống vực ngay”.


Xe của các giáo viên dạy học trong điểm trường này cũng hoàn toàn khác với các xe máy khác. Để đi được đoạn đường này xe máy khi mua về đều phải được “tự chế” lại. Lốp xe sẽ được quấn xích xung quanh hoặc thay bằng lốp xe máy địa hình mới bám được mặt đường để đi. Mỗi xe đều có các “bình xăng phụ” kẹp bên hông xe để phòng khi xe hết xăng dọc đường. Mỗi giáo viên đều phải biết tự sữa chữa xe và chuẩn bị sẵn các phụ tùng bỏ trong xe vì từ quãng đường này vào trường đường khó, xe dễ gặp sự cố lại rất thưa thớt dân cư.


Một giáo viên trên đường vào trường xe bị ngã hư nên phải dừng lại sửa (ảnh Xuân Hòa)

Vượt qua ngã bã Châu Thôn chỉ khoảng 200m dốc đường đất đầu tiên dựng đứng phía trước bắt đầu thử thách cả đoàn. Những “cỗ chiến xa” tự chế của các giáo viên phải về số 1, rú ga hết cỡ, lốp xe cày bắn tung đất lên như một cỗ máy xới đất mới lên được dốc đất này. Những chiếc xe đã già cỗi với nhiều lần đi trên con đường này phải có người đẩy phía sau mới lên được dốc. Lên được đến dốc thì cả người lái lẫn người đẩy đều lấm lem bùn đất.


“Ở trong này các giáo viên và cả người dân dù khó khăn mấy cũng phải sắm sửa một cái xe cho tốt mới đi được. Các xe kém chất lượng không thể bám trụ để đi trên tuyến đường này được. Bởi thế không ít người khi vào nhìn xe cứ nghĩ rằng đời sống người dân nơi đây khấm khá. Nhưng họ đâu biết rằng có khi một gia đình nơi đây phải mất cả vài năm làm việc để sắm được một chiếc xe có thể trụ nổi với con đường này. Sau khi mua về các xe còn phải chế lại nhiều bộ phận, nhất là lốp xe mới có thể đi được trên tuyến đường này. Nhà có khó khăn mấy cũng phải sắm xe cho tốt, có xe trao đổi được hàng hóa ra ngoài đời sống người dân mới khá lên được”, thầy Lê Viết Minh cho biết.


Thầy Lê Viết Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đang nộp phí qua cầu do người dân tự làm bắc qua khe suối sâu (ảnh Xuân Hòa)

Sau khi vượt qua đoạn dốc đầu tiên con đường chỉ rộng chừng 1m tiếp tục thử thách đoàn. Bởi sương mù dày đặc, làm nước sương rơi xuống khiến đất bị ướt nên mặt đường trơn trượt. Nhiều đoạn đường do bị nước mưa xối mòn nên giữa lòng đường bị cày sâu như một con suối. Liên tục những con dốc thử thách sức người cùng những cỗ xe máy đã được “cải tiến”. Cả quãng đường dài 17 km nhưng gần như chúng tôi phải đi bộ hơn nửa chặng đường.


Khi đoàn xe đi đến Dốc Nứa, mặc dù mọi người ngồi sau đã xuống xe đi bộ để lên dốc. Nhưng xe của một thầy giáo trong đoàn vẫn bị lật ngửa về phía sau khi leo lên dốc bởi dốc cao, đất trơn, giữa lòng đường những tảng đá đã bị nước bào mòn đất xung quanh nên rất gồ ghề. Sau khi chiếc xe ngã ra và một biếng cộc lớn vang lên, cả đoàn vội xúm lại để đỡ thầy giáo cùng chiếc xe dậy. Cú ngã choáng váng không làm thầy giáo bị thương nhưng người dính đầy bùn đất, chiếc mũ bảo hiểm bị đập vào những viên đá giữa đưởng nên móp mất một bên.


Giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 gặp lại nhau sau kỳ nghỉ tết Nguyên Đán (ảnh Xuân Hòa)

Theo các giáo viên hầu hết khi lưu thông trên đoạn đường này đều phải mặc áo mưa bởi sương mù gần như quanh năm. Còn những khi trời đổ mưa việc đi vào đây gần như là việc bất khả kháng. Còn ai cũng như ai đều phải đội mũ bảo hiểm loại thật tốt để khi đầu va vào đá hạn chế bị chấn thương nặng. Chỉ mới cuối năm 2014 trong một chuyến vào trường thầy hiệu phó Trưởng Tiểu học Tri Lễ 4, vì đường trơn trượt nên xe bị ngã làm thầy bị đứt dây chằng gối. Việc bị thương do ngã xe trên con đường này với các thầy giáo là chuyện quá đỗi bình thường. Phải những tay lái thiện nghệ mới dám lưu thông trên tuyến đường này.


Khi qua một khe suối sâu do người dân tự chặt gỗ làm cầu nên mọi người qua đây đều phải đóng lệ phí cầu, mỗi xe/5000 đồng/lượt. Rồi tiếp tục xe băng qua những con đường mù sương, lau lách phủ kín xuống cả đầu người đi đường. Đến lúc này nhiều người trong đoàn đã thấm mệt gần như muốn bỏ cuộc. Nhưng được sự động viên của giáo viên các thành viên trong đoàn tiếp tục chuyến hành trình sau ít phút nghỉ ngơi lấy lại sức.


Trong khi nghỉ có một điều tối kị được các thầy giáo căn dặn các thành viên trong đoàn là dù mệt mấy cũng không được uống sữa. Bởi uống sữa khi đi đường rừng giữa nước sương dày đặc dễ bị đau bụng, kiệt sức. Vì vậy cả đoàn có người đói lả cũng chỉ dám nhấm nháp ít bánh mì và uống nước khoáng cầm hơi.


Sau gần 3 tiếng đồng hồ những chiếc xe đầu tiên bắt đầu đến được trạm kiểm soát Biên phòng, Đồn 559 đóng ngay đầu bản Mường Lống. Lúc này những thành viên trong đoàn mới thở phào được nhẹ nhõm sau những gần 3 tiếng đồng hồ đấu vật với con đường đầy gian nan mà hàng ngày các giáo viên nơi đây vẫn phải đi dạy học. Do đặc thù địa hình và đường sá đi lại khó khăn như vậy nên vào mùa mưa có khi phải đến 2,3 tháng liền các giáo viên mới ra được khỏi bản để về nhà. Đó là sự thiệt thòi lớn nhưng vì nhiệm vụ đưa con chữ đến cho con em đồng bào H’Mông nên họ chấp nhận hy sinh tất cả.


Vào đến trung tâm bản Mường Lống nơi điểm chính Trưởng Tiểu học Tri Lễ 4 đóng cũng chỉ mới hơn 2 giờ chiều. Nhưng do nằm trên đỉnh núi cao nên những đợt sương mù đã đến bủa vây cả ngôi trường đang còn hoang sơ được dựng bằng gỗ với mái lợp bằng những phiến gỗ Sa - Mu.


Khi thấy bóng dáng của các thầy giáo, các em học sinh trong bản cũng nhanh chóng ùa đến trường. Các em đến bởi nhớ thầy, nhớ trường, khao khát được học chữ sau một kỳ nghỉ tết dài. Sau khi tranh thủ vào nơi ở nội trú cũng được dựng tạm bằng gỗ để ăn vội gói mì tôm, các giáo viên Trường Tiểu học Tri Lễ 4 cũng đã mang những gói kẹo mà họ chuẩn bị sẵn từ ở nhà để phát cho học sinh. Lúc này nghe câu nói của một giáo viên khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng: “Trong này các em được ăn cho no đã khó nên khi giáo viên hay có đoàn công tác nào vào phát kẹo cho các em quý như một bảo bối đó các anh ạ!”.


Sau chuyến hành trình gian truân đó chúng tôi mới thấy được cuộc sống nơi đây còn khốn khó đến đâu. Các giáo viên tại đây có lòng yêu nghề như thế nào mới vượt qua được những khó khăn, hy sinh đó để thực hiện trọn nhiệm vụ đưa “con chữ” đến cho con em đồng bào dân tộc H’Mông nơi đây.

Theo GDVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top