• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Gần 50 năm rồi bài báo phê bình và sửa chữa vẫn còn nguyên giá trị

HMO

Administrator
Staff member
Bài báo “Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở chi bộ Phú Thành (Nghệ An)” của nhà báo Phạm Thanh, đăng trên báo Nhân dân ngày 03/08/1969, là một trong những bài báo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trước lúc Người đi xa, Người dùng bút đỏ đóng khung toàn bài và đề bên cạnh: Cắt dán lưu về Đảng. Bài báo không chỉ là một hiện vật được lưu giữ trong hộp kính đặt tại Nhà sàn Bác Hồ mà còn giữ nguyên giá trị tư tưởng của Người về tự phê bình, phê bình và sửa chữa khuyết điểm.



Nghề báo như một chữ duyên
Nhà báo Phạm Thanh tên thật là Phạm Thanh Nguyệt, sinh ngày 12/08/1932, quê ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Phạm Thanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo miền biển. Thuở nhỏ, Phạm Thanh là một cậu bé chăm học, ham hiểu biết và giỏi văn. Lớn lên Phạm Thanh tham gia cách mạng và được kết nạp Đảng năm 1949.

Giải phóng Thủ đô năm 1954, Phạm Thanh đi bộ từ Thanh Hóa ra Hà Nội dự thi và đỗ vào khóa 1, khoa Văn, trường Đại học Sư phạm (niên khóa 1954-1957). Đây cũng là khóa đầu tiên của Đại học Sư phạm đào tạo các lớp cán bộ giảng viên cho các trường đại học mới mở như: Đại học tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Nông – Lâm, Đại học Sư phạm 1.

Ra trường, Phạm Thanh công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội phụ trách giảng dạy, phụ trách giáo vụ của trường đồng thời phụ trách khóa đầu tiên của lưu học sinh nước ngoài học tiếng Việt tại Đại học Tổng hợp.

Thời điểm năm 1959, Phạm Thanh đã viết nhiều bài báo về các công trình nghiên cứu khoa học, về các lớp sinh viên mới ra trường đăng trên báo Nhân dân. Ông là một cộng tác viên tích cực của báo Nhân dân.

Sau đó, Phạm Thanh được cử sang Liên Xô làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam với trọng trách đàm phán để đưa lưu học sinh và nghiên cứu sinh của Việt Nam sang Liên Xô học tập với số lượng khoảng 5.000 học sinh mỗi năm.

Trong một lần Phạm Thanh cùng đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô ra sân bay đón Bác Hồ sang dự Đại hội Đảng Liên Xô lần thứ 21 (năm 1961), vào buổi chiều khi Bác đi qua Quảng trường Đỏ nhưng không thấy nhân dân vào viếng Lăng mộ Stalin, Bác hỏi, vì sao nhân dịp Đại hội Đảng mà quảng trường không mở cửa cho nhân dân vào viếng Lenin và Stalin? Phạm Thanh suy nghĩ và có ý cho rằng, có lẽ thi hài Stalin sẽ được đưa ra ngoài, vì thời gian này nhiều báo chí Liên Xô lên án Stalin là độc tài. Cái giàn giáo cao đó dùng để cạo chữ Stalin đi. Ngày hôm sau, đúng như vậy, Đại hội Đảng Liên Xô thông qua nghị quyết đưa thi hài Stalin ra ngoài.

Sau này, Bác Hồ có nhiều dịp đến thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô, một lần trước khi về nước, Bác chụp ảnh cùng với cán bộ nhân viên đang công tác tại Đại sứ quán, nói chuyện với một số cán bộ nhân viên của Đại sứ quán, Bác nói, cháu nào phát hiện trước việc đưa thi hài Stalin ra ngoài là có năng khiếu làm báo, nên đi làm báo, vì làm báo cần biết phát hiện vấn đề thì viết mới tốt.

Giữa năm 1962, sau khi xong nhiệm vụ ở Liên Xô, Phạm Thanh về nước bất ngờ nhận được quyết định của Tổng biên tập báo Nhân Dân Hoàng Tùng điều Phạm Thanh về công tác ở báo Nhân Dân.

Học làm báo theo tư tưởng Bác Hồ
Sau này, trong vai trò là nhà báo của báo Nhân dân, Phạm Thanh có dịp được trải nghiệm qua từng thời kỳ chuyển mình của đất nước, khi là phóng viên chiến trường (quân khu IV), khi là phóng viên điều tra. Sự nghiệp làm báo của ông gần 40 năm với hàng nghìn tác phẩm đủ các thể loại (phóng sự, điều tra, ghi nhanh, tường thuật, xã luận, bình luận, tiểu phẩm…), với các bút danh như: Phạm Thanh, Hà Giao, Hải Phong, Hà Thanh Xuyên, Phạm Vũ Nguyên… Dù ở cương vị nào, Phạm Thanh cũng luôn nhớ lời Bác Hồ dặn, học tập cách làm báo của Bác Hồ, là tìm cách phát hiện sự kiện để viết, gắn bó với nhân dân, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hi sinh vì nhân dân để có được những bài báo bám sát thực tiễn đời sống.

Bài viết “Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở chi bộ Phú Thành (Nghệ An)” ra đời khi Phạm Thanh đang thường trú ở Nghệ An. Nội dung bài viết đề cập rất sát sườn tình hình thực tế ở các chi bộ đảng cơ sở, với nhiều khiếm khuyết: xa dân, tham ô, nhũng nhiễu, quan liêu mà ít ai dám phê bình, quần chúng cũng không dám phê bình.

Bài báo viết: Từ lâu, quần chúng biết chi ủy và ban quản trị hợp tác xã có những việc làm chưa đúng, vi phạm quyền làm chủ của xã viên, nhưng nói ra sợ có người không vừa lòng hoặc hành kiến. Vì lợi ích xây dựng Đảng và củng cố hợp tác xã, bà con thẳng thắn phê bình việc chi bộ và hợp tác xã quyết định bán cơ sở khai hoang mà không đưa ra bàn ở hội nghĩ xã viên, việc dùng lương thực không hợp lý vào những dịp họp hành, liên hoan, việc chia đất 5% cho xã viên chưa hợp lý, phụ nữ còn phê bình chi bộ chưa thật quan tâm đến đời sống chị em, nhà gửi trẻ, mẫu giáo chưa được tổ chức chu đáo, chấm công, chăm bón chưa công bằng.

Trước tình hình như vậy, trong phong trào “xây dựng chi bộ bốn tốt”, Tỉnh ủy Nghệ An thực hiện thí điểm tại chi bộ Phú Thành, tổ chức cho quần chúng phê bình xây dựng Đảng, từ đó giúp Đảng ra nghị quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm với các nội dung như: Đảng viên gắn với đội sản xuất, Đảng viên phải lội đồng, Đảng viên không được dùng công quỹ liên hoan, Đảng viên không được vay công nợ.

Tiếp nhận ý kiến phê bình của quần chúng, chi bộ đề ra nhiều biện pháp sửa chữa hành động, làm cho Phú Thành gặt hái được những két quả đáng khích lệ. Chi bộ lãnh đạo hợp tác xã mở rộng diện tích lúa xuân từ 22 mẫu lên 46 mẫu và coi trọng các biện pháp kỹ thuật trong vụ đông – xuân 1968 – 1969, đạt được vụ chiêm thắng lợi, với năng suất lúa bình quân 28 tạ một hét-ta.

Như vậy, việc Bác Hồ đóng khung lưu giữ bài báo là có nhiều lý do. Bởi, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người cũng như trong giai đoạn xây dựng đất nước sau này, Người luôn coi trọng việc giáo dục cán bộ, đảng viên chú ý sử dụng vũ khí tự phê bình, phê bình để xây dựng và chỉnh đốn Đảng, củng cố chính quyền trong sạch, vững mạnh. Người nêu rõ: Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn...

Đất nước đang đứng trước những vận hội mới, thách thức mới, đòi hỏi mỗi đảng viên, mỗi công dân phải biết tự phê bình, phê bình và sửa chữa để cùng xây dựng nước Việt Nam vững bền, ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và toàn thế giới. Những bài học về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cũng như những bài học về cách làm báo của Người vẫn còn nguyên giá trị để những thế hệ nhà báo trẻ tiếp nối, học tập và làm theo.

Theo báo Xây Dựng
 

Ads HMO

Ads HMO

Top