• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Đường sắt tốn tiền tỷ 10 năm không một chuyến tàu

HMO

Administrator
Staff member
10 năm qua tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn không có một chuyến tàu khách và 2 năm không một chuyến tàu hàng. Đường đang xuống cấp dù 30 nhân viên vẫn làm việc duy tu bảo dưỡng với chi phí hơn 6 tỷ đồng mỗi năm.

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn được xây dựng từ năm 1966, dài hơn 30 km, đi qua khu vực có bình diện phức tạp, nhiều đoạn độ dốc lớn và nhiều đường cong bán kính nhỏ.

Toàn tuyến có 3 ga, chia 4 cung và 6 gác chắn, km số 0 là tại ga Cầu Giát. Tuyến đường này từng được xem là cầu nối giao thông quan trọng để vận chuyển hàng hóa, hành khách giữa miền tây Nghệ An đi cả nước và ngược lại. Những năm cuối thế kỷ 20, trung bình mỗi ngày có 2 chuyến tàu khách và một vài chuyến tàu hàng hoạt động đều đặn.


Ông Cao Tiến Hùng, Phó giám đốc công ty TNHH một thành viên quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, chính xác là tàu hàng đã ngừng chạy trên tuyến đường này từ năm 2012, còn tàu khách thì đến 10 năm. Tuy tàu không chạy, nhưng hiện tại vẫn chưa có quyết định nào ngừng hẳn. Nhiều đoạn đường bị rác thải đổ lên, cây cối vươn ra che khuất tầm nhìn.


Tà vẹt bằng gỗ, đinh ốc mất và được dùng dây thép để băng bó, nhưng cũng bung đứt. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh và xí nghiệp vận tải luôn khẳng định trạng thái kỹ thuật trên tuyến đường sắt luôn được đảm bảo an toàn và có thể chạy tàu bất cứ lúc nào.


Ông Long, cán bộ công tác đã 20 năm tại cung đường Nghĩa Thuận, cho biết, theo quy định thì hành lang an toàn đường sắt là 15 m tính từ chân đường. Tuy nhiên, tại xã Nghĩa Thuận (Nghĩa Đàn), hàng chục hộ dân xây nhà chỉ cách đường ray 3-4 m. "Việc người dân lấn chiếm rất khó xử lý. Chúng tôi cũng chỉ biết lập báo cáo để gửi chính quyền địa phương và ngành, nhưng xem ra không có kết quả", ông Long nói.


Phòng trực của nhân viên gác chắn xuống cấp.


Trụ sở của đơn vị quản lý đường sắt thuộc cung Quỳnh Châu vào giờ hành chính khóa cửa, không một bóng người.

Không chỉ cung Quỳnh Châu, các cung và nhà ga khác dọc tuyến đường hầu như không có người.

Ga Nghĩa Đàn là ga cuối của tuyến xuống cấp trầm trọng.

Phòng chỉ huy chạy tàu tại các nhà ga ổ khóa đã hoen gỉ.

Các bảng lịch phân công công tác vẫn nguyên năm 2010 chưa được xóa. Theo ông Cao Tiến Hùng, mỗi năm ngành giao thông đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng cho việc duy tu bảo dưỡng tuyến đường này. Còn riêng năm 2014 đã bị cắt xuống còn gần 1,7 tỷ. "Công ty vẫn luôn thực hiện duy tu bảo trì theo đúng yêu cầu kế hoạch để đảm bảo chạy tàu bất cứ lúc nào", ông Hùng nói và cho biết toàn bộ tuyến đường có hơn 30 cán bộ công nhân làm việc tại 4 cung đường và 6 gác chắn với lương trung bình 4 triệu đồng/tháng. Đầu tháng 8, công ty đã cắt giảm số nhân lực này, điều về làm trên tuyến Bắc - Nam chỉ để mỗi cung 2 cán bộ.


Km cuối cùng của tuyến đường sắt này cỏ cây um tùm, đường hoen gỉ. Người dân địa phương cho biết, đây chỉ là bãi chăn trâu bò nhiều năm qua. Lý giải về việc ngừng chạy tàu, ông Phạm Hồng Nam, Giám đốc Xí nghiệp đường sắt Nghệ Tĩnh, cho rằng do các chủ hàng phàn nàn cước phí vận tải đường sắt cao hơn đường bộ. Thứ nữa là do công đoạn vận chuyển hàng hóa đường sắt tốn thời gian, cồng kềnh hơn so với đường bộ.


"Sắp tới chúng tôi được Tổng công ty đường sắt Việt Nam giao làm việc với các chủ hàng tại Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai để khuyến khích chủ hàng đi bằng đường sắt với giá cước phổ thông nguyên toa, vì vậy tuyến đường sắt này sẽ hoạt động trở lại", ông Nam nói.

Theo VNExpress.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top