• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quế Phong Đổi thay từ “thủ phủ” cây thuốc phiện

HMO

Administrator
Staff member
Một thời vùng đất miền biên viễn Tri Lễ, huyện Quế Phong được xem là “thủ phủ” của loài hoa anh túc, nơi khói thuốc phiện nhiều hơn mây núi. Nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, vùng đất phía sau dãy núi Bù Chồng Cha đang thay da đổi thịt từng ngày. Bây giờ từ trung tâm huyện về Tri Lễ đường nhựa phẳng lỳ, những mái nhà sàn đỏ au, vững chãi, đời sống người dân no ấm, trẻ em được đến trường. Và loài hoa độc anh túc chỉ còn trong ký ức...

“THỦ PHỦ” THUỐC PHIỆN
Từ TP.Vinh, chúng tôi vượt hàng trăm ki-lô-mét đường rừng ngược Quốc lộ 48 tìm về miền biên viễn Quế Phong. Những ngày giữa tháng 4-2014, đất trời miền Tây xứ Nghệ dịu mát, thoáng đãng, có lẽ đây là thời điểm khí hậu đẹp nhất trong năm. Đến thị trấn Kim Sơn, qua thêm vài chục ki-lô-mét đường quanh co gấp khúc, vượt qua đỉnh dốc Bù Chồng Cha, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Tri Lễ. Vừa đến nơi, anh bạn tôi đã trầm trồ: “Xã miền núi mà buôn bán, kinh doanh tấp nập như huyện lỵ dưới xuôi. Những ngôi nhà mới chắc chắn và chạm khắc đẹp quá!”. Vâng, đó là diện mạo khởi sắc, sầm uất của Tri Lễ hôm nay. Nhưng cách đây chưa lâu, ít ai biết vùng đất này được xem là “thủ phủ” thuốc phiện lớn nhất Nghệ An với các đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia có hàng trăm con nghiện, đời sống người dân đói rét quanh năm.

Những thửa ruộng lúa nước tươi tốt ở xã Tri Lễ
Những thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, đồng bào Mông, Thái ở Tri Lễ sống chủ yếu dựa vào nương rẫy với phương thức canh tác lạc hậu, du canh du cư. Nghèo khổ, đói ăn quanh năm, một số người Mông đã di cư qua Lào làm thuê, phát rẫy kiếm sống qua ngày. Theo nhiều người già ở đây, chính thời điểm này cây thuốc phiện đã theo người Mông “vượt biên” vào mảnh đất Tri Lễ. Những thập kỷ sau đó, cây anh túc với vẻ đẹp hoang dại đã quyến rũ, mê muội bao thế hệ đồng bào người Mông, Thái nơi đây. Họ xem loài cây này như “thuốc tiên”, ốm đau, bệnh tật gì cũng dùng nên hộ nào cũng trồng và trữ trong nhà. Cây thuốc phiện được đồng bào gieo trồng bạt ngàn trên nương rẫy mù sương. Bố Thò Giông Xia (ở bản Huồi Mới 1) năm nay gần 80 tuổi nhớ lại: “Hồi đó người Mông ta chỉ lấy lá ăn, làm thuốc chữa ốm đau, rắn rít cắn. Nhưng rồi không biết học từ đâu, đồng bào chuyển sang chiết nhựa quả anh túc để hút hít. Bản nào, nhà nào cũng có người nghiện, xem việc hút thuốc phiện như một tập tục của người Mông. Loài cây này ma quái lắm, đã dùng thì không tài nào dứt ra được”.

Huyện đội Quế Phong giúp dân làm đường vào bản
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, tại xã Tri Lễ đã hình thành những đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia. Một số bản làng người Mông, Thái trở thành điểm trung chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam và phân phối khắp các vùng miền cả nước. Trước những vấn nạn, hệ lụy của ma túy, chính quyền xã Tri Lễ phối hợp với cơ quan chức năng, đặc biệt là Đồn Biên phòng 519, ra quân truy quét, bắt giữ nhiều trùm buôn bán “cái chết trắng”, chặt đứt những “vòi bạch tuộc”, đường dây trung chuyển dọc biên giới.

KHỞI SẮC ĐI LÊN
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trung tâm xã, qua các bản làng người Thái, Mông, Chủ tịch xã Tri Lễ - Lô Xuân Thu không giấu được niềm vui khi kể về sự hồi sinh, thay da đổi thịt từng ngày của vùng đất phía sau ngọn núi Bù Chồng Cha. Gần trung tâm xã, tận mắt thấy cảnh buôn bán tấp nập, nhộn nhịp của bà con, nhiều người cứ nghĩ nơi đây như một thị trấn dưới xuôi. Chị Lê Thị Năm, tiểu thương ở chợ Tri Lễ, vui vẻ cho chúng tôi hay: “Ở đây dù xa xôi về đường sá nhưng hàng hóa đa dạng lắm, muốn mua cái gì cũng có, khỏi phải xuống thị trấn mất hàng chục cây số như trước. Cuộc sống của bà con nơi miền biên viễn này những năm trở lại đây thay đổi rất nhiều, đời sống được nâng lên rõ rệt”.


Việc học của con em người Mông, Thái ngày càng được quan tâm
Cách mặt nước biển khoảng 800 mét nhưng ngoài hàng chục héc-ta lúa rẫy, hiện tại xã Tri Lễ có đến 645.680ha lúa nước, chia thành hai vụ Đông - Xuân và vụ Mùa; năng suất bình quân đạt 47 tạ/ha. Đây là con số ấn tượng mà nhiều năm qua, người dân xã Tri Lễ ra sức khai phá đất hoang, dẫn nước về nương rẫy để cho ra những hạt lúa vàng óng, tốt tươi. Ngoài cây lúa, ngô, sắn đảm bảo về lương thực thì thời gian qua xã Tri Lễ đã mạnh dạn cơ cấu các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như chanh leo, đào Mông, mía...

Là vùng có tiềm năng phát triển chăn nuôi nên những năm qua, cùng với sự hỗ trợ con giống của chính quyền, người dân xã Tri Lễ không ngừng gia tăng đàn gia súc, gia cầm của mình. Là một trong những hộ có đàn bò đông nhất bản Huồi Mới 1, anh Thò Xia Lỳ vui vẻ cho biết: “Ở đây đồi núi đất đai rộng mênh mông, chăn nuôi cũng khá thuận lợi. Nhà mình có 30 con bò, vài chục con lợn, dê, ngựa... mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Có tiền mình mới nuôi con cái ăn học nên người được”.

Trò chơi của trẻ em người Mông ở Tri Lễ
Ngày trước, việc học với con em ở Tri Lễ xa vời, mông lung như mây mù trên núi, nhưng giờ đây có về vùng đất này mới thấy được tinh thần ham học của các em. Dù đường sá xa xôi hay mưa lũ, giá rét thế nào, các em vẫn chăm chỉ đến trường, không còn tình trạng bỏ học hay giáo viên phải vào tận bản, đến từng nhà vận động như ngày xưa. Những thầy, cô giáo đã “vác” con chữ vượt qua ngọn núi Bù Chồng Cha về vùng đất này để xóa mù chữ, đói nghèo, lạc hậu. Hiện tại cấp tiểu học và trung học cơ sở của xã có 120 lớp với 1.937 học sinh, mầm non 18 lớp với 408 cháu. Năm học 2013 - 2014, xã Tri Lễ có 14 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng.

Xã Tri Lễ còn chỉ đạo cán bộ trí thức trẻ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế như trồng lúa Japonika, rau sạch, chanh leo, mía, đào tại các bản Mông, Thái. UBND xã phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con áp dụng vào sản xuất. Năm 2013, tỉ lệ hộ nghèo trong toàn xã đã giảm từ 63% xuống còn 57,75%. “Mặc dù kết quả đạt được còn khiêm tốn nhưng cũng phản ánh được sự cố gắng không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tri Lễ. Từ “thủ phủ” cây thuốc phiện, cuộc sống nghèo đói lạc hậu, vùng đất này đang dần hồi sinh, đổi thay và phát triển từng ngày. Đảng bộ, nhân dân xã Tri Lễ sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để đưa quê hương ngày một giàu mạnh, kéo gần khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi”, đồng chí Lô Xuân Phòng - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ - cho biết.
Theo Congan.com.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top