• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đời Sống: Tết buồn bên làng biển

HMO

Administrator
Staff member
Xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu không biết từ bao giờ người ta gọi với cái tên “làng vọng phu”. Trai trẻ làng này nhiều người cứ ra với biển rồi không trở về. Vết thương này vừa liền sẹo thì vết thương khác lại xuất hiện. Tháng 12 vừa qua, 8 chàng trai của xóm đã một đi không trở về. Lại thêm một cái Tết buồn với làng biển. Xót lòng vợ goá con côi. Ngày 3/12/2013, tàu cá NA 93240 TS của thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp vươn khơi với 8 thuyền viên. 4h sáng 10/12 khi đang trên đường trở về đến vùng biển Hà Tĩnh, thuyền trưởng Bùi Hoàng Hiệp đã gọi điện báo về cho gia đình mình cùng các bạn thuyền, hẹn sáng sớm cùng ngày ra cảng biển Lạch Quèn lấy cá đi chợ.
slide.jpg
Anh Hoài ra đi để lại người vợ trẻ với 3 đứa con thơ. Ảnh: Q.T
Cũng sau cuộc điện thoại cuối cùng đó, người nhà các thuyền viên không nhận được thêm bất kỳ thông tin nào về con tàu NA 93240 TS cũng như 8 thuyền viên trên tàu. Ai ngờ đâu, họ đã mãi ra đi không trở về.

Hơn một tháng nay, căn nhà chị Bùi Thị Lý lúc nào cũng ngập trong không khí tang tóc, đau buồn. Tết Nguyên đán đến gần, chị Lý không còn bụng dạ nào để nghĩ đến chuyện mua sắm nữa. Đang có một gia đình hạnh phúc, vui vẻ… bỗng chốc người phụ nữ trẻ này trở thành góa phụ.
Anh Bùi Thanh Hoài, chồng chị trong chuyến đi biển định mệnh ấy đã không trở về, để lại 3 đứa con thơ. Gặp chúng tôi, mắt hoen lệ, chị Lý cứ thế nhìn lên di ảnh người chồng vừa ra đi, mãi chẳng nói được câu gì. Xót lòng hơn, đứa con gái thứ hai đang học mầm non khi thấy chúng tôi hỏi chuyện anh Hoài, đã trả lời hộ mẹ bằng một câu buồn da diết: “Bố đi biển một trăm năm mới về”. Trên tay chị Lý, đứa con út mới 11 tháng tuổi thỉnh thoảng lại khóc đòi sữa làm cho không khí trong căn nhà thêm u ám, thê lương.

Anh Hoài sinh năm 1977, mồ côi cha từ lúc mới 6 tuổi, lớn lên bằng nghề đi biển. Trước đây anh đi biển chủ yếu làm thuê, vì không có tiền để đóng cổ phần nên mỗi chuyến thuyền về thu nhập chẳng được là bao. Vợ chồng anh tính toán vay nợ chung cổ phần để tăng thêm thu nhập, món nợ đang còn 200 triệu đồng thì tàu đã gặp nạn.

“Có hai thi thể trôi dạt vào vùng biển Hà Tĩnh, gia đình nhận ra Hoài vì răng đen do hút thuốc nhiều và có 2 vết mổ ở bụng. Lúc đó tôi mới tin anh ấy đã bỏ mẹ con tôi thật…”, chị Lý nói trong nước mắt.

Cùng chung ngõ với nhà chị Lý là gia đình thuyền viên Vũ Văn Biên, giờ chỉ còn người vợ trẻ ngồi vò võ trong căn nhà trống vắng bóng người đàn ông. Cũng như chị Lý, chị Bùi Thị Vân (vợ anh Biên) cũng nghẹn lời khi nghĩ tới cái Tết vắng bóng chồng. Năm trước, thời điểm này cũng là lúc anh Biên kết thúc chuyến đi biển trong năm để trở về chuẩn bị Tết cùng gia đình. “Nào là mua nếp nào dẻo và ngon, nào là lá dong gói bánh, rồi sửa sang dọn dẹp nhà cửa… Giờ thì những thứ đó còn ý nghĩa gì”, chị Vân nói.

“Sinh nghề, tử nghiệp”, có lẽ câu nói đó đúng nhất đối với nghề đi biển. Có thể người ta thấu hiểu đời ngư phủ trọn kiếp lênh đênh trên sóng nước với bao hiểm nguy rình rập nhưng phận đời của những người vợ góa, những đứa con côi ở lại thì mấy ai hay?

Hoang lạnh ngày cuối năm
Cụ bà Nguyễn Thị Đào, ngồi nhẩm tính những con số buồn: “Năm 1997, cái năm biển hung dữ nhất trong mấy chục năm gần đây. Đợt đó cả vùng biển Quỳnh Lưu chết nhiều lắm, xóm Thành Công chết 7 người, trong đó 5 người không vớt được xác. Trước đó năm 1996 chết 3 người; Trận lốc năm 1983 cũng lấy đi hơn chục mạng. Xóm ni nhiều gia đình có 2 - 3 người chết vì lốc và bão biển như gia đình bà Ngạn, bà Lòn, ông Do, chị Tám, chị Lê… Năm vừa rồi lại thêm 8 chàng trai”.

Vùng biển đoạn từ huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra đến Tĩnh Gia (Thanh Hóa) chỉ khoảng vài chục kilomet nhưng đâu đâu người ta cũng bắt gặp những ngôi đền. Những ngày cuối tháng Chạp này, nơi nào cũng hương khói nghi ngút. Những ngày cuối năm, người “làng vọng phu” thành tâm hương khói cho người đã khuất với chỉ một nguyện ước: “Cầu trời cho sóng yên, biển lặng”. Họ không chỉ cầu cho họ mà còn cho cả những người khác nữa. Nhưng, có phải “cầu được ước thấy” đâu, năm nào cũng vậy, có người đi, đi mãi không về!

Người dân Minh Thành không ai không thuộc lòng câu ca não ruột khắc sâu trong tâm khảm truyền từ đời nay qua đời khác: “Đi thì chết một mình cha/Không đi thì chết cả bà lẫn con”, hoặc “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm...”.

Chiều muộn, sóng vẫn rì rầm, biển mù mờ... Mặc cho giá rét hanh khô, làng biển Minh Thành vẫn thấp thoáng bóng những người phụ nữ ngồi ven bờ mặt hướng về Đông ngóng chồng. Đó là người thân của 6 ngư phủ vẫn chưa tìm thấy thi thể.

Tiếng khóc nỉ non, vợ gọi tên chồng, con gọi cha, mẹ gọi con nghe não nùng. Hàng trăm con người ngồi tựa vào nhau suốt đêm, chong mắt ra biển xa. “Ngồi cầu khấn chồng trở về, khi một thi thể trôi dạt vào bờ hoặc người ta trục vớt được tất cả đều nín thở cầu nguyện không phải người nhà mình. Họ hy vọng chồng mình còn đang sống trôi dạt đâu đó trên biển, để một ngày họ trở về”, cụ Đào – một cư dân làng biển bộc bạch.

Gần 300 hộ dân ở làng vọng phu ấy ngày ngày cần mẫn mưu sinh và sống chết bằng nghề biển. Năm nào làng cũng có người ra đi mãi không về. Thế mới thấu được nỗi đau người ở lại.

Thấp thoáng vườn nhà ai đào đã nở, nhìn mà se sắt lòng...

Theo Giadinh.net.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top