• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Di chỉ Rú Ta bị "Moi Ruột"

HMO

Administrator
Staff member
Rú Ta - Đồng Mõm là khu di chỉ quý giá ở xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu. GS.TS Hoàng Xuân Chinh - chủ tịch Hội Khảo cổ học VN - ví Rú Ta là “Diễn Châu trong lòng đất”. Thế nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, hàng trăm giếng khoan đua nhau đâm xuyên “ruột” di chỉ này.

Đã có cả trăm “lô cốt” nước như thế này mọc dày như nấm trên di chỉ Rú Ta - Ảnh: T.An
Bà Nguyễn Thị Nhung ở xóm 9, xã Diễn Thọ, người đang thuê thợ khoan giếng tại Rú Ta, nói: “Chúng tôi cũng biết Rú Ta là di tích quý, biết mình làm như vậy là phá vỡ cảnh quan, nhưng cả xã Diễn Thọ này không có một nguồn nước sinh hoạt nào ngoài nước mưa, mà nước mưa làm sao đủ dùng được. Năm kia thấy Công ty Gia Lộc về khoan giếng ở Rú Ta, chế biến nước tinh khiết, thế là bà con cũng khoan theo”. Ông Cao Đăng Giang, ở xóm 8, vừa nối ống nước vừa lớn tiếng: “Nóng tay thì bắt lỗ tai. Biết là di tích đó nhưng không có nước sinh hoạt nên phải làm liều”.
“Lô cốt” mọc như nấm
Bất kể ngày hay đêm, quanh Rú Ta luôn ầm ầm tiếng máy khoan giếng. Có tới sáu tổ thợ khoan, không kể nắng mưa làm việc liên tục. Ông Phạm Văn Quý - một chủ máy khoan - cho biết mỗi giếng phải khoan sâu từ 40-50m và mất 7-10 ngày mới hoàn thành, tiền công khoan giếng 15 triệu đồng. “Từ đầu tháng 6 đến nay tôi chưa có một ngày nghỉ, khoan liên tục mà vẫn không kịp” - ông Quý nói.
Tôi “thám hiểm” chưa tròn một vòng quanh chân Rú Ta mà đã thấy trên 40 giếng được hoàn thiện. Theo bà con, đến đầu tháng 7 đã có trên 100 giếng được khoan. Giếng khoan xong, người ta lắp máy bơm nước tại chỗ, xây bịt kín chống trộm y như một “lô cốt” nhỏ. Rồi kế đó là một “lô cốt” khác chừng 3-4 m3 được xây kiên cố để làm bể chứa trước khi nước theo đường ống chảy về nhà dân. Tôi hỏi một bác đứng tuổi khoan giếng ở đây có phải xin phép, làm thủ tục gì không, bác này trả lời: có chứ, phải sắm lễ vật cúng xin thần linh, trời đất cho được khoan giếng an toàn, nhiều nước.
Sườn phía nam của Rú Ta giống như một “công trường địa chất” sôi động. Khu vực này đã có sẵn ba ụ “lô cốt” của Công ty cổ phần Gia Lộc đã và đang khai thác nước ngầm để sản xuất “nước uống tinh khiết NASA”. Chỉ vài chục mét dọc tường bao của trường mầm non mà đã có trên 10 “lô cốt” nước và hàng chục đường ống như những chiếc vòi bạch tuộc đan nhau chạy về các khu dân cư. Ông Cao Danh Cảnh - tổ trưởng một cụm giếng Đông Thọ, đang chỉ huy công việc khoan giếng - hồ hởi nói: “Bấy lâu nay cả xã Diễn Thọ thiếu nước uống, thiếu nước sinh hoạt, nay có nước ngầm Rú Ta dùng xả láng... đúng là trời cho”.
Cần phải bảo vệ di chỉ Rú Ta
Theo GS.TS Hoàng Xuân Chinh, khu di tích Rú Ta rộng khoảng 1.500m2 với dấu tích cuộc sống của cư dân cổ để lại khá phong phú trong lớp đất văn hóa dày từ 0,2-1,4m.
Trao đổi với PV vào chiều 9-7, GS.TS Hoàng Xuân Chinh đề nghị chính quyền các cấp tỉnh cần có biện pháp bảo vệ khu di chỉ. Giáo sư nói: “Vùng ven biển của hai huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu thuộc tỉnh Nghệ An tồn tại văn hóa Bàu Tró. Di chỉ Rú Ta vô cùng quan trọng, vì qua khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật ở thời đỉnh cao của thời đại đồ đá để bước sang giai đoạn đồ đồng, cách nay 4.000-5.000 năm. Ở Diễn Châu chỉ có di chỉ Rú Ta mới có vật chất khảo cổ. Điều đặc biệt quan trọng đối với di chỉ Rú Ta là ở đó người ta đã phát hiện được quy trình chế tác công cụ bằng đá của người nguyên thủy. Bằng chứng là đã tìm thấy các hòn ghè, đá mài, lưỡi cưa đá, mũi khoan bằng đá thạch anh... mà người nguyên thủy dùng chế tạo các công cụ như rìu đá, chày giã bằng đá...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hà - bí thư Đảng ủy xã Diễn Thọ - cho biết xã không khuyến khích nhưng cũng không cấm người dân khoan giếng trên di tích Rú Ta. Xã chỉ yêu cầu bà con phải có phương án ngầm hóa đường ống dẫn nước, tránh gây cản trở giao thông.
Trong khi đó, bà Hoàng Thị Hương - phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu - khẳng định: “Huyện sẽ tạm đình chỉ việc khoan giếng trên di tích Rú Ta để kiểm tra, rà soát các thủ tục về khai thác nước ngầm, nhất là kiểm tra việc xâm phạm di tích Rú Ta. Cùng với đó là nắm bắt nhu cầu của bà con để có phương án về nước sạch cho dân, không thể để tình trạng mạnh ai nấy khoan như hiện nay”.

Nơi lưu giữ dấu tích cha ông
Ngọn núi Rú Ta có rất nhiều di tích lịch sử, đặc biệt có đền thờ Cao Lỗ, một vị tướng tài ba trong truyền thuyết An Dương Vương. Từ năm 1978 đến nay, các nhà khảo cổ học VN và Nhật Bản đã có nhiều lần khảo sát, thăm dò và có hai lần khai quật, thu được rất nhiều cổ vật quý. Ông Cao Văn Thành, chủ tịch UBND xã Diễn Thọ, cho biết hiện nay khu di chỉ đã được khoanh vùng quy hoạch phục vụ các cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ trong thời gian tới.
HMO nguồn Tuổi trẻ.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top