• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TX Cửa Lò Đảo tự nhiên Lan Châu biến thành "bê tông hóa" để làm dịch vụ

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Đảo Lan Châu (TX Cửa Lò) có thể coi là hòn đảo tự nhiên duy nhất tại bãi tắm Cửa Lò. Vài năm trở lại đây, khu vực đảo đã biến thành một đại công trường khổng lồ: Lấp biển, kè đá để kinh doanh dịch vụ du lịch, nhà hàng ăn uống... khiến người dân bản địa vô cùng bức xúc.

Phần lớn diện tích đảo Lan Châu đã bị Cty Song Ngư Sơn san lấp, bê tông hóa để xây dựng nhà hàng, quán ăn. Ảnh: P.B
Đảo hoang sơ bị “bê tông hóa”
Đảo Lan Châu là một hòn đảo tự nhiên, nằm ngay sát bờ biển, Được biết, đảo Lan Châu từng là nơi vua Bảo Đại đến thăm và cho xây dựng lầu Nghênh phong để ngắm biển và toàn bộ thị xã Cửa Lò. Hàng trăm năm qua, đảo Lan Châu còn là nơi để ngư dân tránh gió bão, neo đậu thuyền bè. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định cho Công ty Cổ phần Song Ngư Sơn xây dựng một tổ hợp nhà hàng, khu ăn uống đồ sộ, phá vỡ cấu trúc sinh thái của đảo khiến người dân địa phương bất bình.

Bà Nguyễn Thị Hải, một người dân đã có 81 năm sinh sống gần khu đảo Lan Châu bức xúc: “Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Hòn đảo Lan Châu này gắn bó với của biết bao thế hệ, nay bỗng dưng nhìn thấy nó bị xẻ thịt, bê tông hóa để làm nhà hàng, khu ăn uống khiến chúng tôi buồn vô cùng. Họ san phẳng những mỏm đá tự nhiên xung quanh đảo, đổ bê tông xây cầu thang máy, làm nhà hàng, san lấp không gian biển xung quanh và phía trên đỉnh khiến cho hòn đảo trở nên nham nhở, mất đi vẻ hoang sơ vốn có. Những năm kháng chiến, đảo Lan Châu từng là một căn cứ của dân quân Cửa Lò, nơi đây còn những đường hầm xuyên núi, nhưng nay đã bị phá bỏ. Nhìn cảnh này, chúng tôi đau xót vô cùng”.

Anh Nguyễn Quang Chiến, một khách du lịch từ Hà Nội tỏ ra tiếc nuối: “Chẳng biết công ty này đầu tư bao nhiêu tiền vào đó, nhưng chúng tôi thấy buồn vì một địa điểm du lịch đẹp như thế này bị thương mại hóa và bê tông hóa. Tôi thấy họ chả đầu tư gì ngoài quán ăn, nhà hàng mà khách lên đó ngắm cảnh cũng mất 20.000 đồng người/lượt”.

Để tìm hiểu thực hư về việc “tận diệt” đảo Lan Châu từ phía Công ty Song Ngư Sơn, chúng tôi tìm đường lên phía đỉnh hòn đảo. Tuy nhiên, khi đi được vài chục mét, chúng tôi bị chặn lại bởi một cán bộ mặc sắc phục công an tên là Mai Công Luân. Người này yêu cầu chúng tôi di chuyển vào phía bộ phận mua vé thì mới tiếp tục được… tham quan. Chúng tôi thắc mắc thì cán bộ này giải thích: “Do đây thuộc địa phận quản lý của Song Ngư Sơn nên khách muốn vào tham quan chụp ảnh phải mất phí do công ty này quy định”. Khi chúng tôi có đề cập về vấn đề chức năng, nhiệm vụ của cán bộ công an này tại khu vực trên thì anh ta cho hay: “Tôi có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực này” (?!).

Dạo một vòng xung quanh đảo, điều mà chúng tôi thấy là, công ty này đã đổ cát, bê tông lấn ra biển để xây dựng nhà hàng, phá những mỏm đá tự nhiên để mở rộng mặt bằng. Trên đỉnh đảo, một nhà hàng rộng cả trăm mét vuông nằm ôm gọn phần ngọn, che khuất cả cột báo hiệu luồng tuyến tàu bè vào cảng Cửa Lò. Nhìn vào việc xây dựng bất chấp cảnh quan tự nhiên này, nhiều người lo ngại, trong tương lai không xa, đảo Lan Châu sẽ biến thành đảo… bê tông.

Phá tài nguyên làm dịch vụ sinh lời?

Một người mặc sắc phục công an ở khu vực kinh doanh của Cty Song Ngư Sơn đuổi khách chụp ảnh cưới.
Để rõ thực hư về câu chuyện có hay không việc nếu muốn tham quan đảo Lan Châu thì du khách phải bỏ ra một số tiền nhất định thay vì miễn phí như trước đây PV đã phỏng vấn những người dân bản địa khu vực này. Anh Phan Văn Chung, một người dân làm nghề chài lưới cho biết: “Tôi sinh ra và lớn nên ở đây nên biển đối với tôi như một phần của cuộc sống. Trước đây, chúng tôi thường đi theo đường mòn lên đảo, nhưng từ ngày phía Công ty Song Ngư Sơn đi vào cải tạo, khai thác hòn đảo thì muốn lên ngắm biển từ trên đó phải mất phí là 20.000 đồng/lượt. Từ đó đến nay, người dân địa phương chúng tôi ít lui tới, còn du khách đến thăm quan cũng phải bỏ ra số tiền như trên. Được biết, rất nhiều người bất bình vì sự thu phí vô lý này”.

Để kiểm chứng thông tin trên, trong vai là du khách đến tham quan muốn ngắm biển Cửa Lò từ phía đỉnh hòn đảo, PV Báo GĐ&XH đã tìm hiểu thì được biết, muốn lên tham quan sẽ mất phí là 20.000 đồng/người. Tuy nhiên, số tiền này nhân viên bảo vệ thu trực tiếp và hoàn toàn bằng miệng mà không có vé (?!). Khi lên đến đỉnh hòn đảo, theo quan sát của PV, hầu hết khu vực bao quanh chân đảo đã bị xẻ đá san mặt bằng nhằm xây dựng các hạng mục phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty Song Ngư Sơn. Không chỉ vậy, trong quá trình tìm hiểu nơi đây, chúng tôi gặp một số cá nhân muốn chụp ảnh cưới xung quanh đó cũng bị xua đuổi. “Giá một lần chụp ảnh cưới là 300.000 đồng”, cán bộ mặc sắc phục công an tên Luân cho biết.

Không bằng lòng với mức giá trên, anh Tâm, chị Mai, một cặp đôi đi chụp ảnh cưới bức xúc: “Nếu đi các phim trường để chụp ảnh thì việc bỏ ra mức phí là 300.000 đồng, thậm chí 3 triệu chúng tôi vẫn đồng ý. Nhưng vì Cửa Lò là nơi vợ chưa cưới của tôi sinh ra ở đó nên chúng tôi mong muốn có bức ảnh kỉ niệm. đến đây mới ngớ người ra là họ thu tiền dịch vụ”. Tiếp lời anh Tâm, chị Mai cho biết: “Hồi xưa khi hòn đảo này chưa có công ty này (Song Ngư Sơn-PV) về khai thác nó còn đẹp hơn bây giờ rất nhiều. Giờ đây, nhìn hòn đảo Lan Châu bị nham nhở và toàn bê tông với cây cối đã chết khô mà đau lòng”.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Kế Thọ, ở phường Nghi Thu, một thợ chụp ảnh có thâm niên 15 năm tại khu vực đảo Lan Châu cho biết, trước đây thì mọi người vào chụp ảnh tự do, nhưng vài năm nay thì phải mất phí. “Doanh nghiệp này không đầu tư gì nhiều, chủ yếu là nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bến cảng tàu thuyền đi ra đảo Ngư. Nhưng bất kỳ ai đi lên đảo đều bị các nhân viên bảo vệ ở đây thu phí. Ngày xưa đảo Lan Châu lúc nào cũng đông kín khách, nhưng nay thì chả thấy ai”, anh Thọ cho biết.

Nói về việc hủy hoại không gian tự nhiên cũng như thu tiền tham quan không có vé trên đảo Lan Châu, ông Doãn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, phê duyệt quy hoạch và cấp thẩm quyền cho phép xây dựng là UBND tỉnh Nghệ An. “Quyết định cho doanh nghiệp thu vé là của tỉnh hết chứ UBND TX Cửa Lò có thu đâu”, ông Dũng trả lời.

Theo Gia Đình & Xã Hội
 

Ads HMO

Ads HMO

Top