• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TX Hoàng Mai Đánh cá trên biển giỏi, ngư dân Nghệ An được nhận kỷ niệm chương

HMO

Administrator
Staff member
Từ đầu năm đến nay, các tàu cá của ngư dân Nghệ An đánh bắt ngoài khơi Vịnh Bắc bộ thường “trúng đậm”. Chuyến đi biển khoảng chục ngày là có thể thu về vài, ba trăm triệu đồng/tàu; thuyền viên thu nhập cỡ chục triệu đồng/người. Đó là động lực góp phần để ngư dân quyết tâm bám biển. Nhiều người còn được tặng huy chương 'Vì chủ quyền an ninh biên giới'.

Ngày thứ 6 trên biển, tàu chúng tôi đang cách Bạch Long Vĩ khoảng 40 hải lý về phía Đông Bắc. Đây là khu vực đánh bắt cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc, tập trung chủ yếu là các tàu cá của ngư dân Nghệ An. “Đó là tàu của xã Quỳnh Lập, kia là của xã Quỳnh Phương. Còn ở nữa ở kia là tàu của xã Quỳnh Tiến...”, thuyền viên Nguyễn Phú chỉ những chiếc tàu xung quanh nói.

Thi thoảng chúng tôi bắt gặp một vài tàu câu của ngư dân Trung Quốc. “Từ sau khi Trung Quốc cấm biển, tàu của ngư dân mình đánh bắt bình thường nhưng tàu họ thì giảm hẳn. Chỉ còn những chiếc tàu câu cá nhỏ”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Diện cho biết.


Các thuyền viên phân loại cá trước khi cho vào khoang. Ảnh: Tiến Hùng
Tàu của ngư dân Nguyễn Phúc Sơn (36 tuổi, phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai) đánh bắt ngày đêm trên biển, thu được hơn 8 tấn cá. Hôm nay là ngày đánh bắt cuối cùng, anh Sơn cho hay là nếu đánh thêm được trên 1 tấn cá tàu sẽ không còn chỗ chứa.

Hơn 300 cây đá đã dùng gần hết; đang phải liên hệ với tàu anh Diện xin thêm đá ướp rồi chạy về đất liền. Cũng như anh Diện, anh Sơn vừa là thuyền trưởng, vừa là chủ tàu. 8 ngày trên biển nhưng họ chỉ đánh bắt ngoài này được 5 ngày, mỗi ngày được tấn rưỡi cá. Những ngày còn lại là thời gian di chuyển và đánh bắt ở vùng biển gần bờ không được nhiều.

Tôi quyết định xin chuyển qua tàu của thuyền trưởng Sơn. “Ở ngoài này anh em đoàn kết lắm, mặc dù đá rất quan trọng nhưng anh em sẵn sàng giúp nhau nếu quá cần thiết. Có khi đến giờ kéo lưới mà tàu bị hỏng hóc không chạy được, anh em đánh bắt cách đó gần chục hải lý nhưng vẫn sẵn sàng chạy đến hỗ trợ nhau” - anh Sơn bắt đầu câu chuyện với tôi.

Nhỏ hơn tàu anh Diện khá nhiều, nhưng tàu anh Sơn vẫn có đến 11 thuyền viên, đều là anh em họ hàng với thuyền trưởng. Khoang tàu đã gần đầy cá, trong khi hành trình trở về cảng mất gần 30 tiếng, nếu đánh bắt thêm trúng mẻ lưới lớn sẽ thiếu đá lạnh để ướp. Ấy nhưng, mẻ lưới cuối tàu anh Sơn đánh bắt được gần một tấn cá, vừa đủ để chất đầy 3 khoang.


Các thuyền viên vận chuyển cá lên bờ, kết thúc một chuyến đi biển. Ảnh: Tiến Hùng
Trong khi anh Sơn nổ máy cho tàu chạy thẳng hướng về cảng cá Lạch Cờn, các thuyền viên phấn khởi chất cá vào khoang, dọn dẹp ngư lưới cụ kết thúc một chuyến đi biển thành công.

“Từ đầu năm đến nay tàu nào cũng đánh bắt được. Ít nhất thì cũng được 6 tấn cá một chuyến biển”, anh Sơn nói.

Trong bữa cơm, các thuyền viên hát hò rôm rả. Thuyền trưởng Sơn quyết định đưa 10 con sam biển để “chiêu đãi” thuyền viên. Khi tàu chạy gần với Bạch Long Vĩ, bắt được sóng điện thoại, các thuyền viên lập tức gọi điện về thăm hỏi gia đình. Họ hồ hởi khoe thành quả của chuyến biển.

“Hàng chục năm nay tôi đều đánh bắt ở vùng biển này. Đánh cá nhìn đơn giản vậy nhưng rất cần thuyền trưởng có kinh nghiệm. Ở xã Quỳnh Phương, tàu tôi là một trong số những tàu mà thuyền viên có thu nhập cao nhất, vì hầu như chuyến nào cũng đánh bắt được trên 7 tấn cá”, anh Sơn nói.

Theo anh Sơn, muốn đánh được nhiều cá, trước tiên phải hiểu rõ tập tính của từng loài hải sản cũng như phải rành rõi vùng biển.

Đối với loài cá rìu, những lúc dòng nước chảy mạnh, chúng thường chui xuống những hang hốc để trú ngụ. Lúc này là thời điểm các ngư dân thả lưới, dòng nước chảy mạnh cũng giúp cho những đường lưới được cuốn trôi, khiến nó bung ra, cá dễ bị vướng.

Lưới được thả vuông góc với dòng nước. Đến khi biển đã êm, cá mới chui từ hang hốc, những rặng san hô lên để đi kiếm thức ăn. Lúc này, các thuyền trưởng sẽ quyết định kéo lưới. “Ở trên tàu giờ ai cũng có máy dò cá. Những máy này cho ta biết được độ sâu bao nhiêu, đáy biển có nhiều hang hốc hay không. Mình sẽ dựa vào đó để quyết định thả lưới chỗ nào”, anh Sơn chia sẻ thêm.

Về việc Trung Quốc vừa đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc bộ và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, anh Sơn cho rằng các ngư dân của ta không quan tâm lệnh này.

“Vùng biển của mình thì mình đánh bắt. Nếu như Việt Nam cấm thì chúng tôi sẽ không ra khơi, còn Trung Quốc cấm thì kệ họ. Họ chỉ có quyền cấm tàu của ngư dân họ. Ở đây, anh em vẫn đánh bắt bình thường”, thuyền trưởng Sơn nói.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có văn bản khẳng định, việc phía Trung Quốc áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là không có giá trị. Bộ đề nghị các tỉnh động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển Việt Nam, hướng dẫn tổ chức thành đoàn đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau.

Đối với những tàu có giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ năm 2016 - 2017, không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định, trừ tàu hoạt động nghề câu...


Thuyền trưởng Nguyễn Phúc Sơn từng được Biên phòng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”. Ảnh. Tiến Hùng.
Sau hành trình gần 30 tiếng, tàu cá anh Sơn trở về đến cảng Lạch Cờn. Lúc này đã 2h sáng, các thương lái đang đứng chờ trên cảng. Trước đó, khi chỉ cách bờ 10 hải lý, thuyền trưởng đã gọi điện cho họ chuẩn bị thu mua.

Tàu cập cảng, các thuyền viên lại hối hả phân loại cá, sau đó vận chuyển lên bờ. 9 tấn cá được thương lái mua với giá 270 triệu đồng. “Trên tàu này chia theo tỷ lệ chủ tàu 6 phần, các thuyền viên mỗi người một phần. Chi phí cho chuyến đi biển lần này hết khoảng 60 triệu đồng. Như vậy, mỗi thuyền viên sẽ được chia khoảng 12 triệu đồng”, anh Sơn cho hay.

Đến 5h sáng, việc thu mua mới được hoàn tất. Các thuyền viên chia tay nhau mỗi người một hướng, trên khuôn mặt nở những nụ cười đầy vẻ phấn khởi. Họ sẽ có 3 ngày để sum vầy với gia đình, sau đó lại tiếp tục lên đường vươn khơi nơi họ gọi là “ngôi nhà” thứ hai của mình; và như thế, các thuyền viên trên mỗi con tàu chính là anh em một gia đình.

Ông Hồ Xuân Hường - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) cho biết, hiện nay Quỳnh Phương có 600 tàu cá. Trong đó khoảng 200 chiếc có công suất từ 90CV trở lên để đánh bắt xa bờ. Các tàu của ngư dân ở đây thường hành nghề lưới ba màn tại vùng biển Vịnh Bắc bộ. Đối với ngư dân Nguyễn Phúc Sơn, sau nhiều năm tham gia đánh bắt ở vùng biển biên cương, cùng với một số ngư dân ở Hoàng Mai, anh vinh dự được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”.

Theo Tiến Hùng (báo Nghệ An)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top