• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Dân ca ví dặm được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể

HMO

Administrator
Staff member
Tại kỳ họp ngày 27.11, UNESCO đã chính thức vinh danh “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh” của Việt Nam là “Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”. Niềm vui, niềm tự hào về với xứ Nghệ...

Niềm tự hào của vùng
Sáng 28.11, gặp phóng viên NTNN, nghệ nhân ví, giặm Phan Thế Phiệt (64 tuổi) ở huyện Yên Thành tâm sự: “Lúc đêm đọc báo mạng, biết được dân ca ví, giặm được thế giới vinh danh, tôi vui sướng đến trào nước mắt. Hơn 40 năm qua tôi đã đi khắp nơi để truyền lại cho thế hệ trẻ những lời ca, điệu ví với mong muốn những người dân của xứ Nghệ bây giờ và sau này không quên những làn điệu dân ca ví giặm. Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì mình cũng có đóng góp một phần nhỏ bé cho Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại”.


Các nghệ sĩ Trung tâm bảo tồn và phát triển di sản dân ca xứ Nghệ thể hiện tác phẩm “Khúc hát giao duyên”. Ảnh: Hải Trần
Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu- Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản văn hóa dân ca xứ Nghệ phấn khởi: Những nghệ sĩ, những người làm quản lý như chúng tôi rất hạnh phúc và nhân dân trên mảnh đất xứ Nghệ này cũng rất vui mừng với sự kiện trọng đại này. Gần 20 năm qua, chúng tôi đã có nhiều hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn và phát huy các làn điệu dân ca như: Tổ chức các buổi hội thảo khoa học về dân ca, phối hợp Sở GDĐT để đưa dạy học dân ca ví, giặm vào các nhà trường... Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã đưa ra được nhiều giải pháp và có kế hoạch cụ thể nhằm quảng bá giới thiệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.

Theo bà Lựu, các cuộc liên hoan dân ca ví, giặm được tổ chức hàng năm đã thực sự tạo động lực thúc đẩy nhiều hoạt động ở cơ sở nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật của dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Chỉ tính riêng tỉnh Nghệ An hiện nay đã có gần 80 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên đang duy trì sinh hoạt. Điều đó cho thấy, dân ca ví giặm đang lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Sau bao nhiêu năm cố gắng, giấc mơ được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại nay đã trở thành hiện thực”.

Không chỉ các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người lớn tuổi mà thế hệ trẻ khi nhận được tin vui cũng như được tiếp thêm men say tình yêu đối với dân ca ví, giặm. Em Nguyễn Hùng – học sinh lớp 11 Trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tâm sự: “Từ thuở ấu thơ, những làn điệu dân ca của bà ru đã thấm vào con người em. Em cũng biết hát thể loại này từ nhỏ và còn tự sáng tác lời mới nữa. Em cảm thấy rất tự hào khi dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Bảo tồn thách thức
Trao đổi về vấn đề bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nhân loại sau khi được vinh danh, Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Lựu cho biết: “Được vinh danh, đây là niềm vui , niềm tự hào của người dân Nghệ- Tĩnh nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung, nhưng cũng là trọng trách rất là lớn. Tôi mong UBND hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm hơn nữa với các hành động cụ thể như phục hồi không gian diễn xướng cho dân ca ví, giặm, trợ giúp nghệ nhân dân gian truyền nghề. Bên cạnh đó là tuyên truyền, quảng bá dân ca ví, giặm; gắn kết dân ca với hoạt động du lịch…”. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Đắc – người chuyên nghiên cứu và sáng tác về loại hình nghệ thuật dân gian ví, giặm tâm sự: “Để dân ca ví, giặm lan tỏa, chúng ta nên xây dựng nhiều hơn nữa các câu lạc bộ dân ca đến tận cơ sở như thôn, xóm, xã phường… Khi nhân rộng được mô hình này thì tôi tin là chúng ta sẽ có những kết quả tốt”.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Chúng tôi sẽ có chiến lược và các kế hoạch cụ thể để phát huy thế mạnh của di sản, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về giá trị của di sản và tổ chức sưu tầm nghiên cứu, truyền dạy qua các sinh hoạt cộng đồng, đồng thời tổ chức các liên hoan ví, giặm các cấp”.

Theo Dân Việt.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top