• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nam Đàn Cụ bà hơn 40 năm “sống” cùng di ảnh người yêu

HMO

Administrator
Staff member
Dù “chưa một lần cầm tay chớ đừng nói là hun”, nhưng bà Hoàng Thị Trinh (ảnh) ở xã Nam Cát (Nam Đàn) vẫn nhận một người đàn ông đã thành liệt sĩ là chồng và hơn 40 năm nay, bà thủ tiết, chấp nhận một mình thui thủi “sống” cùng di ảnh trên bàn thờ. Một chuyện tình đẹp và sương khói...

Lần đầu tiên trong đời làm nghề, chúng tôi rơi vào một tình huống trớ trêu. Ấy là khi nhân vật của mình - bà Trinh - hỏi “răng mấy chú không xin số điện thoại của tui mà gọi trước, để tui nói không gặp, cho mấy chú khỏi mất công tìm về đây?”. Bà bảo “báo viết nhiều rồi, viết nữa cũng rứa thôi...”. Nói xong bà khóc. Cụ Nguyễn Khuyến bảo “Tuổi già giọt lệ như sương”, vậy mà bà Trinh, một người vừa tròn tuổi 70 bắt đầu và trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi cứ ràn rụa nước mắt, nghe chất chứa tủi hờn, uất nghẹn... Mãi, bà mới tạm nín, ngập ngừng kể cho chúng tôi nghe vài chuyện, bắt đầu từ cái chân trái bước thấp bước cao của mình...

Chưa một lần cầm tay
Bà kể, mình sinh ra vốn bình thường như mọi người. Năm lên 7 tuổi, bà có một nhọt lớn ở bắp vế chân trái và năm thầy bảy thuốc chữa mãi không khỏi, đến khi chữa khỏi thì “trâu lành thành trâu què”, chân trái bà bỗng dưng tập tễnh mà không hiểu vì sao. Tuy bị dị tật ở chân, nhưng bù lại bà Trinh có nhan sắc, lại thêm được đi học hơn chúng bạn, trở thành cô giáo ở Trường tiểu học Nam Cát, nên lọt vào tầm ngắm của nhiều chàng trai trong làng, trong số đó có anh Hồ Đức Tín. “Hồi nớ tui dại lắm, có biết chi mô. Tui nhớ mãi lần ra cửa hàng bán áo hoa nhập từ Trung Quốc cho một người chị. Đang lúi húi thì nghe một giọng đàn ông nói “Trinh ơi để dành cho anh 2 cái mua về tặng người yêu”. Tui bán một hồi hết sạch áo, ngước lên thì hóa ra người dặn hồi nãy là anh Tín ở xóm bên. Anh hỏi “áo của anh đâu?” nhưng mắt lại nhìn tui lạ lắm. Không biết răng tui lại nghe tim mình đập thình thịch, má tui đỏ phừng phừng vì xấu hổ. Không kịp chào anh, tui chạy một mạch về nhà không ngoái lại. Sau này mới biết là anh đã để ý tui từ lâu lắm rồi, nhưng không nói”.


“Tình yêu” - lời bà Trinh, cứ thế nhen nhóm dần trong hai trái tim dù chưa một lần nói ra. Rồi một ngày tháng 2.1965, anh lên đường nhập ngũ, trở thành người lính báo vụ, phụ trách Đài vô tuyến 15W ở Khu trung tâm tiền phương chiến trường Hướng Hóa (Quảng Trị). Và cũng như bao mối tình thời chiến khác lúc đó, khoảng cách địa lý giữa hai người được nối gần qua những cánh thư. “Anh Tín viết thư hay lắm, lại chăm viết, cứ cách một hai ngày là tui nhận được một lá thư. Mỗi lần gửi thư, anh đều gửi kèm theo vài ba cái tem và đôi tờ giấy trắng vì nghĩ tui ở nhà không có tiền”, bà Trinh kể. “Nhưng chị tui viết thư còn hay hơn, không chỉ anh Tín mà bạn bè anh sau khi đọc ké thư từ anh Tín, nhiều người đã tìm về đây gặp chị tui bằng được”, lời bà Hường - em gái bà Trinh.


Đến năm 1969, trong một chuyến công tác qua vùng Nghệ An của đơn vị, ông Tín được cho phép về thăm nhà 3 ngày. “Nhưng lúc đó tui bận đi dạy, bận kết nạp Đảng... nên tui và anh chỉ có một ngày chủ nhật cùng nhau đi chơi quanh xóm. Trưa đó, anh rủ tui qua nhà chơi và giữ lại ăn cùng gia đình bữa cơm. Sáng hôm sau, tui trở lên trường, anh lại vào đơn vị”, bà Trinh nhớ lại. Chúng tôi trêu: “Hỏi thiệt bà chứ lần đó, bà với anh Tính đã hun nhau hay làm chi khác chưa?”. Bà Trinh cười: “Chưa một lần dám cầm tay chứ đừng nói là hun”. Bà Hường ngồi bên phụ họa: “Thời tui yêu nhau trong sáng lắm, mô có trợn bà trạc như thời các chú chừ”. Bà Trinh bảo không biết linh tính ra răng mà lá thư sau đó gởi ông Tín, bà lại viết đại ý “đây là bữa cơm chung đầu tiên của hai đứa, nhưng em có cảm giác đây cũng là bữa cơm cuối cùng”. Ông Tín hồi âm mắng bà Trinh nói linh tinh. Thư viết: “Tháng 5 hoặc tháng 6 anh được nghỉ phép. Nếu về được chúng ta cưới nhé? Anh cũng xin phép được bỏ qua những thủ tục dạm ngõ, bỏ trầu, ăn hỏi vì thời gian của người lính rất gấp gáp, ngắn ngủi. Hiểu và thông cảm cho anh em nhé! Lúc đó anh sẽ tiếp tục ăn chung với em không chỉ hết thế kỷ 20 mà còn xuyên qua thế kỷ 21...”.


“Cả đời ni tui là vợ anh Tín”
Nhưng đó lại là bữa cơm chung cuối cùng của hai người... Đúng ngày 30.4.1971, ông Tín báo cáo với chỉ huy xin cắt phép để về quê cưới vợ. Nhưng tối 1.5, sau bữa cơm chiều chia tay đồng đội, ông Tín bất ngờ bị bom Mỹ dội trúng và hi sinh cùng 2 đồng đội trong khi đi dạo. Tuy nhiên, tin vẫn chưa được báo về quê nhà...


Ở hậu phương, bà Trinh vẫn lâng lâng trong niềm hạnh phúc sắp được làm vợ, làm mẹ. Nhưng hết tháng 5 rồi tháng 6 trôi qua, ông Tín vẫn chưa thấy về để làm đám cưới như đã hứa, thư đi không biết bao nhiêu lá cũng chưa thấy hồi âm. “Linh tính cho tui biết có chi đó chẳng lành xảy ra, lòng tui nóng như lửa đốt nhưng không biết làm răng để có thông tin” - lời bà Trinh. Mãi đến đầu tháng 9 năm đó, một đồng đội của ông Tín mới viết thư báo về Nam Cát cho bà Trinh và gia đình. “Tui nhận được thư khi đang đứng lớp, mở ra đọc được mấy dòng thì ngất luôn không còn biết chi nữa”, bà Trinh khóc, nước mắt không lăn xuống má mà xoắn lại trên hai hốc mắt trũng sâu đầy vết chân chim.


Những ngày tháng sau đó, bà Trinh quên ăn, bỏ ngủ, rảnh ra là lục thư ông Tín đọc lại từng chữ và khóc. Hết khóc và quay sang viết nhật ký kể cho ông Tín nghe về thảm cảnh của mình. Viết chán, quay về đọc thư, và khóc. “Tui khóc đến mức cơ thể gầy lép như con mắm mòi. Ban đầu bố tui chỉ đi vô đi ra im lặng không nói chi. Nhưng sau đó thấy tui cứ ôm đống thư và nhật ký mà khóc ngày ni qua ngày khác, ông sợ tui chết nên bắt tui phải đoạn tuyệt với anh Tín bằng cách phải đốt hết thư và nhật ký. Tui nói “dạ”, nhưng sau đó lén bố bỏ tất cả vào cái rương rồi gác lên trần nhà. Nhưng chỉ quên được mấy hôm. Sau đó đi dạy về là tui lại ngước mắt lên trần nhà và khóc. Có lần bố tui phát hiện, nói “con không đốt được thì để bố đốt”. Rứa là ông ôm cái rương ra sân, thắp hương van vái chi đó tui nghe không rõ rồi hóa vàng hết cả”, bà Trinh vừa kể vừa gạt nước mắt. Sau đận đó, bà Trinh thôi khóc, bắt đầu trở lại với cuộc sống bình thường nhưng bà lại có một quyết định gây sốc cho nhiều người: Bà chính thức xem ông Tín là chồng mình, đồng thời sang xin phép bố mẹ, người thân của ông nhận bà làm con dâu, cũng như xin đưa ảnh ông về lập bàn thờ ở nhà mình để hằng ngày lo hương khói! Bà nhớ lại: “Lúc đầu bố tui, các em tui phản đối dữ lắm, nhưng lúc đó tui kiên quyết với ý nguyện của mình nên dần dà mọi người chấp nhận”.


Năm tháng chồng chất năm tháng, cô giáo Trinh trẻ trung ngày nào bây giờ đã là một bà lão 70 tuổi đầu hai màu tóc, nhưng vẫn ngày đêm thui thủi như cái bóng với quầy hàng tạp hóa áp tường nhà người em trai. Vậy là bà đã có hơn 40 năm “sống” với di ảnh của “người chồng” chưa một lần nắm tay! Chúng tôi hỏi vì sao lúc đó bà không “đi bước nữa”? Bà Trinh cười - nụ cười hiếm hoi trong suốt cuộc trò chuyện: “Con người, đặc biệt là phụ nữ ai chẳng có nhu cầu sẻ chia, ai chẳng mơ một tổ ấm. Thật ra lúc đó cũng có 2 - 3 người trong làng đến tán tỉnh, nhưng không hiểu sao tui lại không ưa. Không hiểu sao lúc đó tui lại nghĩ sau khi anh Tín hi sinh, tui không còn khả năng mang lại hạnh phúc cho ai, cũng như không có ai có thể mang đến cho tui hạnh phúc, chỗ dựa...”.


Chúng tôi xin phép vào thắp hương cho ông Tín, lần này bà Trinh khóc thành tiếng, nói “kỷ vật duy nhất của anh mà tui còn giữ được là di ảnh thì năm ngoái cháy nhà, cháy luôn bàn thờ nên cũng hóa vàng mất rồi. Giờ chỉ còn mỗi bát nhang trơ trọi trên bàn thờ chung”. Bỗng dưng bà ngưng khóc, quay sang nói “mà tui đã nói là không kể chuyện cho mấy chú nghe rồi, răng chừ chuyện chi mấy chú cũng biết hết ri?”. Đến đây thì nguồn cơn của sự “báo viết nhiều rồi, viết nữa cũng rứa thôi, có được chi mô...” mới được hé lộ. Bà kể, nhiều năm nay, lần nào nhà báo tìm về Nam Cát, bà cũng chỉ xin với họ một chuyện: Nói làm sao để chính quyền công nhận bà là vợ chính thức của liệt sĩ Hồ Đức Tín để bà có được chút danh phận ở đời. “Có mấy lần chính quyền, rồi các cơ quan chi đó ngoài Hà Nội, rồi luật sư, rồi đồng đội... của anh về tìm hiểu, nhưng ai cũng nói, không được mô em ơi, chị ơi, vì chuyện ni luật không có quy định. Lại nhiều người ác mồm nói tui đòi quyền lợi, ý nói tiền tuất liệt sĩ của anh ấy. Tui buồn lắm mà không biết thanh minh với ai...”.

Theo Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top