• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Chuyện “cả nhà làm quan” và “hổ phụ sinh hổ tử”

HMO

Administrator
Staff member
Cần quan niệm việc con lãnh đạo tham gia chính quyền hoặc các cơ quan tổ chức khác của Đảng, đoàn thể ngày nay cũng là để cống hiến trí tuệ, sức lực cho Tổ quốc, cho nhân dân mà thôi.

Thông tin 6/7 cán bộ chủ chốt của huyện đoàn Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đang làm nóng dư luận.

Tôi không ác cảm với chuyện “cả nhà làm quan” nếu như người của “nhà” đó thực tài, hơn người và xứng đáng trọng dụng.

Điều đó không phải không tốt cho quốc gia, dân tộc. Lịch sử cổ đại cũng như cận hiện đại của dân tộc ta cũng đã chứng minh chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” và thấy điều tốt cho giang sơn xã tắc chứ đâu có gì là không hay?

Trong lịch sử nước ta thời phong kiến, chuyện cha là tướng tài rồi đến con cũng làm tướng; cha làm quan văn xuất sắc, con cũng làm quan lĩnh vực đó đều là hết sức bình thường và đã được lưu danh sử sách.

Chẳng hạn như trường hợp Đức Thánh Trần Trần Hưng Đạo, tuy không làm vua nhưng vẫn được gọi là Hưng Đạo Đại Vương. Ông sinh Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, vị tướng tài cao, xuất chúng và nay được nhiều người dân tôn thờ.

Trong y học hiện đại, Giáo sư - Viện sĩ - Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Y học đợt đầu tiên là vị chuyên gia hàng đầu Việt Nam về phẫu thuật và cấy ghép gan.

Giáo sư Tôn Thất Tùng từng là Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức. Ông là thân phụ của PGS.TS.VS Tôn Thất Bách, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Giáo sư Tôn Thất Bách cũng là chuyên gia đầu ngành về tim mạch đặc biệt xuất sắc của nước ta, là người được ví có bàn tay vàng trong giới y học nước nhà.


Hai cha con cố Giáo sư Tôn Thất Tùng và Tôn Thất Bách đã làm rạng danh y học nước nhà. Ảnh tư liệu
Giáo sư Tôn Thất Bách là người ngoài Đảng nhưng chính nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần kể tôi nghe tại văn phòng của ông ở phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) vào đúng một ngày sau khi ông Bách đột ngột qua đời rằng ông đã có lúc đưa ra Bộ Chính trị bàn về việc sẽ đưa một vài người ngoài Đảng đảm nhiệm cương vị cao trong bộ máy Nhà nước và Giáo sư Tôn Thất Bách là một trong số những người đó.

Tong thế kỷ 20, ông Trường Chinh, vị lãnh tụ kiệt xuất của Đảng, người đã làm Tổng Bí thư Đảng trong nhiều giai đoạn với 3 tên gọi và 3 thời đoạn khác nhau (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941; Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam năm 1951 và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 7.1986).

Ông chính là vị “tổng công trình sư” của sự nghiệp Đổi mới 1986 đầy khó khăn những rất đỗi tự hào.

Ông cũng có người con kế tục con đường chính trị xuất sắc của mình, đó là Giáo sư Triết học Đặng Xuân Kỳ. Giáo sư Kỳ đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học chính trị, từng là Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam (tức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) và nhiều cơ quan khoa học lớn khác của Đảng.

Mặc dù sự nghiệp chính trị của GS Đặng Xuân Kỳ không cao bằng cha mình nhưng cái gen làm khoa học và lý luận chính trị của ông thì rất xuất sắc.

Rõ ràng cũng nhờ huyết thống người cha và truyền thống gia tộc mà ông mới có được như thế.

Chính ông Kỳ cũng là thành viên trong nhóm chuyên gia được cố Tổng Bí thư Trường Chinh trưng tập vào nhóm nghiên cứu để trợ giúp cho ông tìm tòi con đường Đổi mới năm xưa.

Cũng vì quan hệ cha con, cố Tổng Bí thư Trường Chinh ngày đó đã hết sức ý tứ, không cất nhắc con mình theo kiểu “siêu tốc”, vượt cấp như bây giờ của nhiều lãnh đạo mà chúng ta thường thấy.

Có thể đã tới mức không còn đếm xuể các ví dụ trong xã hội và nhiều khi thật trái khoáy, có người trượt cấp uỷ địa phương ấy vậy nhưng lại trúng ở cấp uỷ cao hơn thế.

Có người thì trượt cấp uỷ nhưng sau đại hội lại được chỉ định bổ sung tham gia cấp uỷ mà chính anh ta đã trượt khi đại hội trong khi thân phụ anh là người đứng đầu cấp uỷ đó.

Tôi cùng một số người khác đã từng dự một buổi giao ban thường kỳ tại Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương vào tháng 12.1997. Ông Hữu Thọ khi đó là Uỷ viên Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng đã công khai thông báo kết quả về Hội nghị Trung ương 4 khoá 8 của Đảng bầu Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị thay ông Đỗ Mười làm Tổng Bí thư.

Việc bầu ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thư ngày đó đã nằm trong quy hoạch của Đảng ta.

Ông Hữu Thọ kể rằng, một trong ba ứng viên cho vị trí này được Tổng Bí thư Đỗ Mười “ngắm” để tiếp tục thử thách là Giáo sư Đặng Xuân Kỳ.

Hai vị còn lại được “ngắm” đó là ông Đào Duy Tùng - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và ông Lê Khả Phiêu ngay từ những năm đầu của nhiệm kỳ khoá 8.

Riêng trường hợp Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, theo ông Hữu Thọ phổ biến ngày đó thì Giáo sư Kỳ đã từ chối, xin được ở lại làm khoa học.

Do ông Đào Duy Tùng lâm trọng bệnh nên việc quy hoạch này mới thôi và tiếp đó là ông Lê Khả Phiêu.

Tôi đem ngay câu chuyện này hỏi lại Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, ông Kỳ mỉm cười rồi thừa nhận rằng đúng là có chuyện này từ mấy năm trước đó. Chính nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã từng gặp để thông báo chủ trương này và có ý định đưa ông trước mắt về làm Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tây một thời gian (như bây giờ ta gọi là đi luân chuyển địa phương) rồi sau đó rút về trung ương để chuẩn bị nhân sự.

Ông nói với tôi rằng vì ông cảm thấy quỹ thời gian của mình cũng không còn bao nhiêu (năm ông Đỗ Mười đặt vấn đề thì ông Kỳ đã quãng 63 tuổi). Ông Kỳ e rằng khi quay về để giữ trọng trách lớn lao đó sẽ khó có thể làm được một điều gì đó như Đảng cũng như chính ông mong muốn nên cứ để ông làm khoa học thì sẽ tốt hơn.


Nhưng chúng ta lên án việc "nhồi chức" cho con cái...Ảnh minh họa: Dũng Cận
Nói chuyện cũ để thấy, đối với nhiều quốc gia, việc bổ nhiệm “con ông cháu cha” tham gia bộ máy chính trị cũng không có gì ghê gớm.

Chúng ta từng biết, nước Mỹ có Tổng thống Bush “cha” rồi lại tới Tổng thống Bush “con”. Quốc đảo Singapore có Thủ tướng “cha” Lý Quang Diệu và tới Thủ tướng “con” Lý Hiển Long. Thế mà xã hội chẳng ai ca cẩm, bất bình và nước Mỹ vẫn mạnh, Quốc đảo Singapore vẫn giàu.

Rõ ràng, chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” nếu thật sự “hổ tử” đó có tài thì quá tốt cho đất nước! Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, đó cũng là chuyện bình thường.

Cái mà chúng ta không đồng tình chính là hiện tượng “nhồi chức” cho con cháu mình đến mức quá sức, bỏ qua quy trình bắt buộc, sát hạch, thi cử công khai.

Điều đó khiến họ khi không còn phụ huynh đảm đương trọng trách, tự mình thấy chới với, thiếu chỗ dựa và khó hoàn thành cương vị mình được giao vì quá sức. Đó mới là chuyện rất đáng suy nghĩ.

Cần quan niệm việc con lãnh đạo tham gia chính quyền hoặc các cơ quan tổ chức khác của Đảng, đoàn thể ngày nay cũng là để cống hiến trí tuệ, sức lực cho Tổ quốc, cho nhân dân mà thôi, chứ không phải để mưu cầu vị trí quan tước, bổng lộc. Vì thế, cũng phải được thử thách và thi cử đàng hoàng, công khai như người khác.

Có một thực tế rất đáng buồn, đó là đang có một cơ số người không nhỏ trong xã hội coi việc phấn đấu vươn lên đảm nhiệm trọng trách lớn, vị trí lãnh đạo cao ở các bộ, ngành, địa phương chỉ vì mục đích tìm chỗ tốt để thu vén lợi lộc cho bản thân và gia đình chứ không vì cống hiến, không vì lý tưởng và khát vọng gì cả!

Như vậy, việc bồi dưỡng, đào tạo người thân của lãnh đạo vào những vị trí công tác khác nhau, theo tôi cũng không phải không cần thiết.

Đó là sự kế thừa rất nên đặt ra, nếu không chế độ mà cha anh họ đổ bao máu xương dựng nên cũng không thể trường tồn.

Song, xã hội hôm nay dứt khoát không thể chấp nhận chuyện cha anh họ tìm mọi cách bổ nhiệm người thân, ruột thịt theo hiểu hình thức, lấy lệ, kiểu “tôi bổ nhiệm con anh, anh bổ nhiệm con tôi cho khách quan”. Sau đó, các bên hợp sức nâng con cháu theo kiểu “siêu tốc” khi tài năng chỉ nhàng nhàng.

Nhất quyết, không ai chấp nhận điều đó. Nó sẽ tổn hại đến chất lượng công tác cán bộ và gián tiếp cản trở sự phát triển của đất nước.

Theo Dân Việt
 

Ads HMO

Ads HMO

Top