• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Anh Sơn Chuyện người thương binh nặng dùng tiền lương làm từ thiện

HMO

Administrator
Staff member
Bị bom mìn cướp đi đôi chân, rồi lại sa vào nghiện ngập do thời gian dài phải sử dụng thuốc giảm đau morphine, để rồi sau 15 năm sống trong khói thuốc, ông nhận ra giá trị cuộc sống và chuộc lại lỗi lầm bằng việc làm từ thiện. Người được nói đến là thương binh hạng ¼ Nguyễn Hồng Yên.

Thương binh Nguyễn Hồng Yên và đồng đội cũ chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ảnh: VGP/Thủy Lợi
Xương máu thời chiến và lầm lỡ thời bình
Được người đồng đội dẫn đường, chúng tôi tìm về nhà người thương binh có lý lịch khá đặc biệt này tại Xóm 1, xã Lạng Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Ngược về quá khứ, ông Yên nhớ lại, vốn sinh ra trong thời bom lửa, lại được chứng kiến những đau thương mất mát do chiến tranh gây nên, nên dù còn 2 tháng mới đủ 18 tuổi, ông vẫn viết đơn xin nhập ngũ, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia.

Ông được phân về phục vụ tại Trung đoàn 2, Sư đoàn 8, Quân khu 9, Mặt trận 479, chiến đấu trên chiến trường Tây Nam Campuchia. Tại chiến trường, địch cho gài bom khắp nơi với những mưu mẹo khó lường. “Đó có thể là những quả bom treo trên cây nhờ lợi dụng các loài cây thân cuốn hay mìn cài chìm dưới đất có độ sâu chừng 1 m, phía trên úp miếng ván nhỏ có thể tránh được máy rà mìn hay có thể giấu trong những đám lá ven đường...”, ông Yên kể.

Vì thế hơn 3 lần, ông trúng mìn bị thương. Nhưng phải đến lần thứ ba, trong một đợt trinh sát vào tháng 7/1982, một quả bom phá cài sâu dưới đất phát nổ đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của ông.

Sau lần trúng bom đó, Nguyễn Hồng Yên được đưa về sơ cứu ở Cần Thơ rồi chuyển ra Vĩnh Phú, Sơn Tây điều trị và cuối cùng về huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Sau gần 5 năm điều trị, dưỡng thương, với nguyện vọng trở về với vợ con, cuối năm 1987, ông chính thức được đơn vị cho ra quân.

Điều đáng buồn là do thời gian điều trị kéo dài trong khi ngày ấy, các trạm quân y sử dụng morphine như một loại thuốc giảm đau, gây mê nên ông mắc nghiện vì morphine chính là thuốc phiện, chỉ cần sử dụng liên tục trong khoảng hơn 1 tuần là chắc chắn sẽ nghiện.

Trở về cùng gia đình, cơn nghiện hành hạ ông và gia đình bởi mỗi lần lên cơn là mỗi lần ông quậy phá. Mọi thứ tài sản trong nhà có thể quy đổi ra thuốc phiện đều được ông đem đi cầm cố. Quãng thời gian đen tối ấy ròng rã suốt 15 năm cho đến lúc trong nhà không còn thứ gì để bán và trọng lượng cơ thể chỉ còn 29 kg, không đủ sức để trốn gia đình đi mua thuốc, ông mới chấp nhận lên trại cai nghiện.

Chiến thắng bản thân, tri ân đồng đội, trả nghĩa cuộc đời
Sau những tháng ngày được chữa trị cùng sự động viên của vợ con, Nguyễn Hồng Yên dần cắt được cơn nghiện và lấy lại con người đã bị thứ thuốc độc kia cướp đi. Những ký ức về tháng ngày cùng vào sinh ra tử bên đồng đội ùa về khiến ông ra những giá trị cuộc sống và có những ý định hết sức nhân văn.

Bắt đầu cho những biến chuyển trong cuộc đời ông là chuyến đi tìm mộ những đồng đội hy sinh tại chiến trường năm xưa: “Đã 3 lần tôi tìm về chiến trường cũ để tìm kiếm mộ của các đồng đội trong đơn vị và mộ của anh em trong xóm cùng nhập ngũ đợt đó. Mới đây nhất là chuyến đi tại 3 tỉnh là Hà Tiên, An Giang, Hậu Giang vào hồi cuối năm 2013”.

Cũng vì lo lắng thời gian còn lại không nhiều và không đủ để chuộc lại những lỗi lầm trong 15 năm nghiện ngập, ông còn tranh thủ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. Đó không chỉ là những món quà vào ngày lễ, tết được trích ra từ phần lương thương binh ít ỏi dành tặng các những gia đình khó khăn mà còn quan tâm, động viên tinh thần để mọi người có thêm động lực vượt khó.

Ông đã trích một phần tiền lương hỗ trợ liên tục suốt 5 năm liền từ 2009-2013 cho gia đình ông bà Phạm Văn Hoá cùng xóm, đều hơn 80 tuổi, cả cuộc đời sống trên thuyền bằng nghề đánh cá, mò hến với hai người con đều bị tật nguyền, phải nương nhờ cha mẹ và chỉ mới lên làng định cư từ năm 2009 sau khi được chính quyền vận động.

Được người thân ủng hộ, ông Yên lại tiếp tục sẻ chia cùng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khác trong vùng. Gần đây nhất, ông Yên nhận bảo trợ một bé gái mồ côi trong xóm. Chia sẻ về câu chuyện này, ông tâm sự: Nhà cháu tuy nghèo nhưng cháu rất chăm chỉ và học giỏi, năm nào cũng được giấy khen của trường. Không may mắn cho cháu là cách đây 2 năm, mẹ cháu mất vì tai nạn giao thông, mới đây thì phát hiện bố cháu bị bệnh gan. Vừa rồi thi xong lớp 9, bố cháu muốn cháu thôi học đi kiếm tiền. Thương cháu nên tôi quyết định làm thủ tục nhận cháu về làm con nuôi để chăm lo cho cháu được ăn học đến khi trưởng thành, coi như là mình trả ơn cuộc đời”.

Chia sẻ về những việc làm đầy ý nghĩa của thươn binh Nguyễn Hồng Yên, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Lạng Sơn, cho biết: Mặc dù chịu thương tật đến 81% và phải sống dựa vào tiền trợ cấp nhưng ông Yên vẫn chia sẻ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Những việc làm của ông Yên được địa phương ghi nhận, biểu dương và khuyến khích nhân rộng.

Theo Thủy Lợi (Baochinhphu.vn)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top