• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Yên Thành Chuyện về tiểu đội trưởng TNXP bắt sống phi công Mỹ

HMO

Administrator
Staff member
Những ngày cuối năm 2016, đến vùng quê lúa Yên Thành (Nghệ An), tôi được nghe kể chuyện về một cựu TNXP ở thôn Trường Thịnh, xã Thịnh Thành, từng tham gia bắt sống giặc lái Mỹ cách đây 48 năm. Ông là Phan Văn Tỷ (1941), thương binh 4/4, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, C317. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Cảnh (1939, quê xã Minh Thành), gia nhập TNXP năm 1965. Trước khi nên duyên với ông Tỷ, bà Cảnh ở đơn vị C318, phục vụ bến phà Hoàng Mai, năm 1967 được bổ sung về C317. Tại đây, 2 người quen và tìm hiểu nhau. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị tổ chức cho 2 người xây dựng gia đình và trở về địa phương. Khi được gợi nhắc đến chuyện bắt "giặc lái" năm nào, mắt ông rực sáng, tự hào khi kể lại câu chuyện xưa...

Vợ chồng cựu TNXP Phan Văn Tỷ và Nguyễn Thị Cảnh.
Hôm đó, ngày 17- 5- 1968, cả Tiểu đội vừa ăn cơm trưa xong thì nghe tiếng máy bay địch gầm rú; tiếng pháo cao xạ của một đơn vị bộ đội đóng ở cầu Om nã đạn như xé toang cả bầu trời. Ngay sau đó là tiếng còi hụ, tiếng kẻng dồn dập báo động. Nhận định bộ đội đã bắn trúng máy bay Mỹ, Tỷ vội xách khẩu súng Ak rồi chạy lên đài quan sát. Một chiếc máy bay bốc cháy lao về phía biển; phía sau, một chiếc dù đỏ đang lơ lửng bay về phía đồi Mỹ Sơn. Không biết sợ hãi là gì, Tỷ xuống khỏi đài quan sát và cắm đầu chạy thục mạng hướng theo chiếc dù. Đuổi theo được khoảng 1km thì kịp lúc chiếc dù đáp xuống đỉnh đồi. Lúc này, có rất nhiều máy bay trực thăng, AD6, F105... quần thảo, lượn quanh bắn phá để cứu phi công bị nạn. Mỗi lần máy bay bổ nhào xuống, Tỷ cùng một số dân quân Mỹ Sơn lại nổ súng, khiến chúng hoảng hốt bay lên rồi mất hút. "Khi chạy tới nơi, tên giặc lái chĩa súng về phía tôi. Nã một loạt chỉ thiên để uy hiếp tinh thần, tôi hô to "stop", rồi xông tới tước súng. Tên giặc lái ngỡ ngàng giơ tay đầu hàng. Nghe súng nổ, 2 đồng chí Nguyễn Hữu Hoát và Phạm Thị Thuần-Tiểu đội trưởng tiểu đội 2 cũng có mặt, cùng tôi dẫn giải tên phi công về bàn giao cho chính quyền địa phương xã Mỹ Sơn"- ông Tỷ nhớ lại. Thời điểm bị bắt giữ, trên ve áo của tên phi công Mỹ có ghi rõ: Trung tá Rô-măng ở bang Texas, nhập ngũ năm 1965. Lúc này, hàng trăm người dân Mỹ Sơn tay lăm lăm gậy gộc định xông vào "nện" cho mấy gậy. Rô- măng hoảng sợ, quỳ mọp xuống đất vái lạy rồi nói một tràng 3 thứ tiếng Việt- Lào- Campuchia với nội dung: "Tôi là người Mỹ, gặp bước không may, xin quý ông cho tôi ăn, che chở cho tôi, tìm cách gửi tôi về nước Mỹ, Chính phủ Mỹ sẽ hậu tạ các ông đích đáng". Dù căm hận kẻ thù ác tâm ném bom sát hại đồng bào, song người dân không nỡ đánh hắn thêm. Tạm giữ Rô- măng một thời gian ngắn thì cán bộ huyện đội và tỉnh đội về dẫn đi...

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở làng Trường Kiều, nay thuộc thôn Trường Thịnh, xã Thịnh Thành, Phan Văn Tỷ học hết lớp 7 trường làng thì bỏ ngang viết đơn xin đi dân công hỏa tuyến vào đầu năm 1964. Khi kết thúc 2 đợt đi dân công hỏa tuyến, Tỷ trở về địa phương rồi làm thư ký cho HTX Nam Thịnh. Thời điểm này, giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt các tuyến đường huyết mạch ở Nghệ An hòng chặn đứng sự chi viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Thực hiện lời kêu gọi của tỉnh đoàn Nghệ An, ngày 18-5-1965, Phan Văn Tỷ viết đơn tình nguyện tham gia lực lượng TNXP, được phiên chế về Tiểu đội 1 thuộc C317, TNXP Nghệ An. Sau thời gian tham gia mở đường tại Nghĩa Bình (Nghĩa Đàn), rồi Cầu Cấm, Nghi Phương (Nghi Lộc), Cầu Gang (Thanh Chương)..., đầu năm 1967, đại đội TNXP 317 được điều động về Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương). Tại đây, Phan Văn Tỷ được giao nhiệm vụ Tiểu đội trưởng Tiểu đội 1, C317. Truông Bồn là huyết mạch giao thông chi viện nhân tài, vật lực cho chiến trường miền Nam nên là điểm bị địch đánh phá ác liệt. "Ngày chúng tôi được lệnh lên đây mở đường, con đường huyết mạch giao thông chỉ là một đường chật hẹp, ô-tô chạy như "lướt trên ngọn cây". Lực lượng TNXP chúng tôi có nhiệm vụ mở rộng đường, san lấp hố bom, đảm bảo cho con đường huyết mạch được thông suốt dưới sự quần đảo suốt ngày đêm của máy bay Mỹ", tiểu đội trưởng Phan Văn Tỷ nhớ lại. Cũng tại mảnh đất "hoa lửa" này, 3 cột mốc đáng nhớ đã theo ông đi suốt cuộc đời. Đó là, tham gia bắt giặc lái vào giữa năm 1968; cuối năm bị thương trong khi làm nhiệm vụ và sau đó là nên duyên chồng vợ với nữ TNXP Nguyễn Thị Cảnh. 48 năm trôi qua, nhưng khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với ông là thời điểm tước khẩu súng trên tay tên phi công Mỹ vẫn còn vẹn nguyên, vẫn sống mãi trong ký ức cựu binh Phan Văn Tỷ.

Xuân Sơn (CAĐN)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top