• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Chuyển hơn một triệu giáo viên sang hợp đồng, điều gì sẽ xảy ra?

HMO

Administrator
Staff member
Ý tưởng chuyển toàn bộ giáo viên từ biên chế sang hợp đồng, xóa bỏ công chức, viên chức trong giáo dục của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ xuất phát từ mong muốn tạo động lực để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, ý tưởng này có khả thi?

Cô giáo vùng cao. Ảnh: Báo Lào Cai
Phải thay đổi Luật Viên chức
Ngày 15.11.2010, Quốc hội ban hành Luật Viên chức, có hiệu lực từ ngày 1.1.2012; toàn bộ đội ngũ giáo viên (GV) trong các trường công lập trở thành viên chức.

Viên chức ký hợp đồng làm việc với đơn vị tuyển dụng. Nếu 2 năm liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ, viên chức sẽ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.

Tiến sỹ - Luật sư Nguyễn Trọng Hải – Trưởng VP Luật sư Trọng Hải và Cộng sự (Nghệ An) cho biết: “Với sự ra đời của Luật Viên chức năm 2010, có hiệu lực từ năm 2012, không còn chế độ biên chế đối với viên chức, trong đó có GV”.

Do đó, nội dung “xóa biên chế GV” là không có cơ sở.

Có thể, ý tưởng của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là muốn chuyển toàn bộ GV từ “Hợp đồng làm việc” sang “Hợp đồng lao động”?

Để thực hiện điều này, phải bãi bỏ, hoặc sửa đổi Luật Viên chức hiện hành bằng một luật mới và được Quốc hội thông qua.

Trong khi đó, Luật Viên chức được xây dựng trên cơ sở thực tiễn quản lý nhà nước Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế.

Để thay đổi Luật Viên chức, cần phải có lộ trình, thời gian, đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, được sự đồng thuận xã hội và sự thông qua của Quốc hội.

Có nâng cao được chất lượng đội ngũ?
Cứ cho là sẽ có một dự án Luật mới được thông qua; sửa đổi, thay thế Luật Viên chức. Lúc đó toàn bộ GV sẽ chuyển sang chế độ hợp đồng lao động (có thời hạn và không xác định thời hạn).

Về các điều kiện để chấm dứt hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, đều tương đương. Cho nên, khó có thể tạo ra bước đột phá.

Mặt khác, chất lượng GV phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, ngành sư phạm phải thu hút được học sinh giỏi. Nhiều năm gần đây, do dư thừa GV, ngành sư phạm ngày càng kém sức hấp dẫn, điểm tuyển sinh xấp xỉ điểm sàn. Đầu vào như vậy, quá khó để có nguồn GV giỏi.

Thứ hai, công tác đào tạo ở các trường sư phạm cần được đổi mới, nâng cao chất lượng.

Thứ ba, công tác tuyển dụng phải công bằng, minh bạch, không có tiêu cực.

Thứ tư, công tác quản lý, môi trường làm việc tại các trường phải tạo động lực, có điều kiện thuận lợi để GV phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Trong đó, có việc tạo ra động lực cạnh tranh, loại bỏ những người yếu kém, thay thế bằng người giỏi hơn.

Tất cả những yếu tố nói trên, đều liên quan đến đời sống, thu nhập của nghề giáo.

Một thực tế, lực lượng GV giỏi hiện nay tập trung vào các trường chuyên, trường trọng điểm, và trường tư thục chất lượng cao, những nơi có chế độ đãi ngộ tốt.

Không có nhiều GV giỏi, xuất sắc tại các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, ở các trường đóng trên địa bàn dân cư có mức sống thấp.

Nghề giáo vốn thu nhập không cao, nay lại khó xin việc, nên hầu như không thu hút được học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Trong khi đó, mấy năm gần đây, nghề Y trở thành nơi có sức hút rất lớn với các học sinh giỏi.

Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, thu nhập của GV là “món nợ” ông chưa trả được.

Chưa có giải pháp nâng cao thu nhập cho GV, mà Bộ trưởng đã tính phương án “chuyển GV sang hợp đồng lao động”, là chưa “bắt mạch” được vấn đề. Hơn nữa, đẩy cái khó, tạo thêm áp lực cho GV.

Nan giải bài toán nâng thu nhập GV
Việc quản lý GV theo chế độ viên chức hay hợp đồng lao động không liên quan đến thu nhập GV. Bởi số lượng GV không thay đổi.

Ngân sách nhà nước hiện đang gặp khó khăn, vì vậy, phương án dùng ngân sách, tạo cơ chế đặc thù để nâng lương cho GV là khó khả thi.

Nhà giáo, hiện đã có các chế độ ưu đãi như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên... Rất khó để “sáng tạo” ra khoản phụ cấp mới.

Tăng thu học phí, để trả lương cao hơn cho GV, cũng sẽ đụng chạm đến đời sống hàng triệu người dân, và khó nhận được sự đồng thuận xã hội.

Phương án xã hội hóa giáo dục (mở các trường tư thục chất lượng cao), chỉ thực hiện được ở các vùng dân cư có mức sống cao.

Và khi đã là trường tư thục, thì quyền trả lương thuộc về ông chủ, chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước.

Nên bắt đầu "thí điểm" từ Bộ GD&ĐT
Dư luận hết sức băn khoăn, là liệu bao giờ mới thay đổi được Luật Viên chức? Và khi đã chuyển tất cả GV sang chế độ hợp đồng lao động, liệu Bộ GD&ĐT có đảm bảo, chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng cao so với trước?

Về nguyên tắc, nhiều người đồng tình với ý kiến của thầy Trần Trung Hiếu, GV trường Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An), là hãy làm đồng bộ, từ trên xuống, và hãy bắt đầu “thí điểm” từ cơ quan Bộ GD&ĐT.

Theo Quang Đại/ Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top