• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Kỳ Sơn Cha Nga - một bản làng 4 không

HMO

Administrator
Staff member
Bản Cha Nga thuộc xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) là một trong những bản xa xôi nhất của tỉnh Xứ Nghệ. Bởi lẽ, tính theo đường chim bay, bản cách trung tâm xã tới hơn 20km, lại đang trong tình trạng “4 không”: không đường bộ, không điện lưới, không chợ và không sóng điện thoại.

Nơi nghe chung tiếng gà gáy
Chúng tôi theo chân tổ công tác của Đồn Biên phòng Mỹ Lý và chính quyền địa phương ngược dòng Nậm Nơn tuần tra tuyến biên giới đường sông. Từ bản Xiềng Tắm (trung tâm xã), 2 chiếc thuyền máy chở đoàn công tác qua các bản Yên Hòa, Xằng Trên, vượt hàng chục con thác, qua bản Xốp Dương và dừng chân ở bản Cha Nga sau gần 5 giờ “đánh vật” với dòng nước xiết. Tổ tuần tra dừng chân ở Cha Nga gần một ngày đêm nên chúng tôi có điều kiện để tìm hiểu nhiều thông tin về bản làng xa xôi, cách trở này.

Cha Nga là bản của người Thái nằm ở đầu nguồn sông Nậm Nơn, giáp với địa bàn xã Keng Đu. Địa hình nơi đây vừa dốc, vừa hẹp nên 90 nóc nhà đứng sát cạnh nhau. Bản hướng mặt ra sông, dòng sông là ranh giới phân chia lãnh thổ hai nước Việt - Lào. Tính từ giữa dòng chảy, phía hữu ngạn là của nước ta, phía tả ngạn là của nước bạn. Nói cách khác, từ phía hữu ngạn, chỉ cần mấy sải chèo quẫy mạnh là đến đường biên, và thêm vài sải chèo nữa là sang nước bạn. Từ bản Cha Nga, nhìn sang cánh rừng phía bên kia biên giới, chúng tôi thấy rõ con đường tuần tra và thi thoảng có tổ công tác của Công an vũ trang Lào đang làm nhiệm vụ. Và từng tốp người dân Lào trên đường đi rẫy, đi chợ hoặc đi thăm thân trở về làng.

Bến đò Cha Nga

Cha Nga có 90 hộ với trên 430 khẩu nằm chênh vênh bên sườn núi dọc sông Nậm Nơn. Xét về mặt đời sống, so với các bản khác thì Cha Nga không đến nỗi khó khăn về kinh tế. Vì đồng bào Thái nơi đây hết mực cần cù, chịu khó nên nương rất luôn tốt tươi, năm nào cũng no đủ. Ở gần sông nên người dân Cha Nga có thêm nghề đánh cá. Cá Nậm Nơn đang ở thời điểm sinh sôi, phát triển nên bà con có thêm một nguồn thu đáng kể. Nhưng Cha Nga lại thiệt thòi vì chưa có đường bộ, tuyến đường sông trở thành độc đạo. Con sông Nậm Nơn lại lắm thác nhiều ghềnh, việc đi lai vô cùng khó khăn, vất vả, tốn kém lẫn hiểm nguy. Mỗi khi có việc cần ra trung tâm xã, bà con phải mất hàng trăm nghìn tiền thuê xuồng máy đi về. Thương nhất là con trẻ đến trường. Với bậc mầm non và tiểu học, ngành giáo dục đã bố trí giáo viên về cắm bản. Đến cấp THCS, các em phải vượt hơn 20km đường sông ra trung tâm xã học trường bán trú. Và em nào học lên THPT, phải cộng thêm chặng đường 60km nữa để ra Thị trấn Mường Xén trọ học.

Có thể nói, hành trình đi tìm nguồn tri thức của học sinh bản Cha Nga hết sức gian nan. Trò chuyện với chúng tôi, Trưởng bản Lô Văn Ngọc cho hay, vào mùa mưa lũ, con đường đến trường của con em Cha Nga thật sự nguy hiểm. Vì có năm đã xẩy ra việc chìm thuyền làm trôi hết sách vở và đồ đạc, rất may là sinh ra và lớn lên trên miền sông nước nên tất cả các em đều biết bơi, không ảnh hưởng đến tính mạng. Nhưng ở đó ít nhiều có sự may mắn, vì thượng nguồn sông Nậm Nơn có vô số thác dữ, mùa mưa lũ không thể đùa được với thủy thần. Vì xa xôi cách trở nên không mấy khi người dân Cha Nga rời khỏi địa bàn nếu không có việc cần thiết. Thời điểm hiện tại, đường dây và “cánh sóng” của các vẫn chưa phủ đến địa bàn Cha Nga nên việc thông tin liên lạc còn gặp rất nhiều trắc trở. Cách liên lạc phổ biến nhất với bên ngoài là viết thư tay hoặc nhắn bằng lời mỗi khi có thuyền khách qua lại.

Chuyện những người “gieo chữ”
Men theo con đường nhỏ dẫn về cuối bản, chúng tôi tìm đến điểm trường Cha Nga, là dãy nhà lợp tôn, thưng vách đã xuống cấp trông khá xập xệ. Phía trong, bàn ghế và bảng viết cũng rất đơn sơ. Đây là điểm lẻ của Trường Tiểu học Mỹ Lý 2 và 1 lớp Mầm non (thuộc Trường Mầm non Mỹ Lý 2). Thầy Kha Văn Năm, người phụ trách điểm trường cho biết: “Cũng như bà con nơi đây, giáo viên cắm bản chịu rất nhiều thiệt thòi. Đường xa cách trở, mỗi chuyến đi về hoặc có việc ra điểm chính mất mấy trăm nghìn. Xa nhà, không thể liên lạc được bằng điện thoại nên có khi hàng tháng không biết được tin tức của gia đình”. Tại đây, chúng tôi gặp cô giáo Lê Thị Mai Anh (sinh 1986), quê tận xã Đức Sơn (Anh Sơn), lên Mỹ Lý “gieo chữ” đã 6-7 năm nhưng đến nay vẫn “chăn đơn, gối chiếc”. Vì lẽ, ở chốn thâm sơn cùng cốc này, cô chưa có cơ hội... Còn cô giáo mầm non Trần Thị Tâm đến từ huyện Con Cuông. Lên Cha Nga công tác, Tâm để 2 con ở nhà cho chồng chăm, nhiều lúc nhớ chồng, thương con nhưng vì công việc nên phải cố gắng gác lại chuyện riêng tư.

Nằm cách xa trung tâm xã, việc đi lại gặp nhiều cách trở, thông tin liên lạc còn khó khăn là một thiệt thòi lớn của người dân Cha Nga. Nhưng bù lại, điều đó đã giúp bà con dân tộc Thái nơi đây bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống mang đậm giá trị bản sắc. Đến Cha Nga, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đang đặt chân đến một bản làng thuần Thái. Bởi lẽ, nơi đây đang lưu giữ gần như nguyên bản những giá trị văn hóa Thái, từ kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, tiếng nói, trang phục đến nghề truyền thống. Nhất là những ngày giáp tết này, cả bản luôn rộn ràng tiếng thoi. Các bà, các chị và các em gái Cha Nga đang tranh thủ dệt cho các thành viên trong gia đình chiếc váy, chiếc áo và chiếc khăn mới để “diện” vào dịp tết. Để ngày đoàn tụ thêm phần ý nghĩa, để khi tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí vang lên sẽ nhịp nhàng bước vào điệu múa xòe...

Xay sát lúa bằng động cơ diesel

Tiếng đồn “đất mỹ nhân”
Từ lâu, Mỹ Lý thường được biết đến là vùng “đất mỹ nhân”, vì con gái Mỹ Lý nổi tiếng xinh đẹp với dáng người thon thả, nước da trắng hồng, bước đi uyển chuyển. Có lẽ, được tắm nước đầu nguồn dòng Nậm Nơn, lại chăm chỉ trèo đèo vượt suối, cần cù bên khung cửi đã cho con gái Mỹ Lý vẻ xinh đẹp, dịu dàng. Con gái Cha Nga cũng vậy, ai cũng xinh đẹp, một vẻ đẹp mang tính nguyên sơ của phụ nữ dân tộc Thái. Vì lẽ đó, vừa mới lớn lên, con gái Cha Nga đã có người khắp nơi tìm đến. Có những cô sang tận Viêng Chăn - thủ đô nước bạn Lào để làm ăn và lấy chồng bên đó, bây giờ nghe nói rất giàu.

Chúng tôi ghé thăm nhà Ngân Thị Ngót, cô gái năm nay 21 tuổi đã có con đầu lòng 2 tuổi. Dù đã trở thành bà mẹ nhưng ngót vẫn giữ được vẻ đẹp của một thiếu nữ, khách từ nơi khác đến rất dễ nhầm tưởng. Ngót là con út trong gia đình có tới 8 anh chị em (7 gái và 1 trai), bố mẹ đã mất, mọi người đều đã có gia đình riêng. Chồng của Ngót là Lữ Văn Thon, một chàng trai ở huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn (nước bạn Lào), cách Cha Nga khoảng 2 giờ đi thuyền máy. Hai nười gặp nhau ở một đám cưới ở bản Xốp Cắng (Lào) rồi cảm mến, yêu thương nhau và quyết định nên duyên vợ chồng. Lấy nhau, Thon theo Ngót về Cha Nga sinh sống và giờ đây Thon đã nhập quốc tịch Việt Nam.

Tại nhà Thon, chúng tôi gặp Ngân Thị Nghết - chị gái của Thon lấy chồng về bản Xốp Tụ (gần trung tâm xã). Sinh năm 1988, Nghết đã có 2 con, cuộc sống khó khăn nên cô phải lấy hàng may mặc lên Cha Nga bán kiếm lời. Bán hết hàng, cô lại tìm mua những thứ đặc sản nơi đây như gà đen, cá lăng, măng khô về bán ở trung tâm xã bán. Tất tả ngược xuôi dòng Nậm Nơn để tìm kế sinh nhai nhưng trông Nghết vẫn xinh đẹp, một vẻ đẹp phúc hậu và đằm thắm.

Lúc lên thuyền xuôi dòng Nậm Nơn, chúng tôi cảm nhận được Cha Nga đang vươn dậy, dẫu phía trước còn khó khăn...
Theo Petrotimes​
 

Ads HMO

Ads HMO

Top