• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Chồng chéo trong sáp nhập các trung tâm giáo dục dạy nghề

HMO

Administrator
Staff member
Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp được Nghệ An triển khai từ đầu năm 2015.

Sau 2 năm triển khai, việc sáp nhập đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, quá trình sáp nhập lại nảy sinh tình trạng chồng chéo giữa các cơ sở đào tạo nghề cần được giải quyết.

Chủ trương thiết thực
Những năm gần đây, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tại các huyện gặp khó trong công tác tuyển sinh. Tại Con Cuông, năm học 2016 – 2017, TT GDTX của huyện chỉ tuyển sinh được 3 HS lớp 10. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng hợp HS khối 10, 11, 12 của trung tâm là 21 em. Bà Nguyễn Thị Quế, Giám đốc Trung tâm cho biết: Việc tuyển sinh hệ GDTX càng ngày càng khó khăn do số HS “đầu vào” trên địa bàn giảm nhiều. Nếu không học lên THPT, các em thường lựa chọn học trường nghề vì sau 3 năm có cả bằng nghề lẫn bằng công nhận tốt nghiệp THPT.

Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều huyện khác. Trung tâm GDTX huyện Quỳ Châu, năm học 2016 – 2017 chỉ tuyển được 6 HS lớp 10, huyện Quế Phong: Tuyển được 8 HS, huyện Tương Dương, không tuyển được một trường hợp nào. Chất lượng giáo dục đào tạo ở các trung tâm GDTX cũng chưa cao. Tại Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tỷ lệ tốt nghiệp của Trung tâm GDTX Thái Hòa đạt là 64%, tiếp đó là Trung tâm GDTX Nghĩa Đàn: 70%, Trung tâm GDTX Nam Đàn: 71,05%, Trung tâm GDTX Kỳ Sơn: 85,19%.

Về phía các trung tâm dạy nghề cấp huyện, mặc dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng với cơ sở vật chất khang trang nhưng cũng rơi vào tình trạng thiếu học viên. Trung tâm dạy nghề huyện Anh Sơn có cơ sở vật chất kiên cố, đội ngũ cán bộ giáo viên 10 người nhưng nhiều năm nay chủ yếu đào tạo nghề ngắn hạn cho người dân trên địa bàn từ nguồn kinh phí của Đề án đào tạo nghề nông thôn 1956 và một vài lớp đào tạo dưới hình thức liên kết. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp khác ở Quế Phong, Quỳ Châu… cũng ở trong tình trạng tương tự.

Từ thực tế này, việc sáp nhập các trung tâm là một xu hướng tất yếu, nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của các đơn vị và sử dụng được tối đa năng lực hiện có. Qua hơn 1 năm, theo tổng hợp của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có 9/12 huyện có Quyết định phê duyệt Đề án sáp nhập và đang từng bước tiến hành sáp nhập gồm Kỳ Sơn, Diễn Châu, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Tương Dương, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nam Đàn.

Đối với 3 huyện còn lại là Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên, Anh Sơn việc sáp nhập chưa triển khai được một phần do làm đề án chậm, một phần đang nợ xây dựng cơ bản nên Sở Nội vụ chưa đồng ý sáp nhập.

Vẫn chồng chéo trong đào tạo
Chủ trương sáp nhập các trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV và Văn bản số 4156/UBND – TH của UBND tỉnh Nghệ An. Việc thực hiện cũng được các địa phương ủng hộ. Tại huyện Thanh Chương, sau khi sáp nhập các trung tâm sẽ chuyển về trụ sở của trung tâm dạy nghề. Huyện cũng sẽ giữ lại cơ sở của trung tâm GDTX để dạy học cho đối tượng phổ thông. Số cán bộ không tiếp tục làm quản lý sẽ được sắp xếp làm tổ trưởng.

Tuy nhiên, chủ trương trên thực tế đang gặp một số bất cập tại những địa phương đang có trường trung cấp nghề hoạt động. Cụ thể, ở huyện Nghi Lộc, hiện trung tâm GDTX được nâng cấp thành Trung tâm GD nghề nghiệp – GDTX Nghi Lộc và chuyển về cho huyện quản lý. Như vậy, chức năng của trung tâm mới vừa có thể giáo dục văn hóa, vừa liên kết đào tạo, mở rộng ngành nghề. Nhưng bên cạnh đó, địa phương này cũng có trường trung cấp nghề trực thuộc huyện. Việc trên địa bàn có hai đơn vị cùng làm một chức năng là một sự chồng chéo nhau trong đào tạo nghề.

Hiện toàn tỉnh đang có 7 địa phương gồm Yên Thành, Nghi Lộc, TP Vinh vừa có trung tâm GDTX vừa có trường trung cấp nghề trực thuộc huyện; còn huyện Con Cuông, thị xã Thái Hòa, Đô Lương, Quỳnh Lưu thì vừa có trung tâm GDTX trực thuộc cấp huyện còn trường Trung cấp dạy nghề lại trực thuộc tỉnh.

Trong khi đó, theo Thông tư 39, việc sáp nhập các đơn vị công lập chỉ thực hiện đối với các trung tâm GDTX, trung tâm dạy nghề hoặc các trung tâm hướng nghiệp trực thuộc cấp huyện (thành, thị) chứ không nói đến đối tượng trường trung cấp nghề. Bản thân các trường trung cấp cũng không đồng tình với việc sáp nhập với các trung tâm. Ông Trần Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công - nông nghiệp Yên Thành lo lắng: Khi sáp nhập thì trường phải gánh thêm một bộ máy khá lớn, trong khi đó thời gian tới trường tiến hành tự chủ sẽ không chi trả đủ lương cho cán bộ công nhân viên. Mặt khác, lâu nay các trung tâm đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, còn trường chúng tôi đang đào tạo nghề ở trình độ trung cấp.

Để việc giải quyết vấn đề có hiệu quả, Sở Nội vụ cũng đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ để giải quyết các trường hợp đặc thù theo hướng “sáp nhập”. Khi sáp nhập với trường trung cấp nghề, vấn đề nhân sự là điều gây băn khoăn nhất và Sở Nội vụ cũng đã tính tới. Quan điểm của Sở đó là có thể điều chuyển những giáo viên văn hóa về các trường trong huyện để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên và chỉ giữ lại những người có thể đảm đương được chức năng, nhiệm vụ. Sở cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh xin ý kiến với chủ trương để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong thời gian tới.

Ông Ngô Xuân Vinh, Phó Phòng tổ chức biên chế Sở Nội vụ phân tích: Nếu để riêng các trung tâm GDTX để làm nhiệm vụ hướng nghiệp và đào tạo nghề là không hợp lý vì CSVC, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên không đáp ứng đủ yêu cầu. Mặt khác, để cả 2 đơn vị cùng giáo dục, đào tạo nghề nghiệp trên một địa bàn không phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường nghề.

Theo Hồ Lài (GD & TĐ)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top