• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Chôm Lôm gác lại nỗi đau cũ

Admin

HoangMaiOnline
Staff member
Vụ chìm đò trên bến Chôm Lôm (bản Chôm Lôm, xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) khiến 14 học sinh Trường THCS Lạng Khê chết, năm học sinh mất tích mới đó đã hơn bảy năm. Dân bản và những người sống sót bây giờ vẫn thường xếp những chiếc thuyền giấy để nhớ người xưa.

HMO theo Vũ Toàn.


slide.jpg
Học sinh bản Chôm Lôm không còn phải lụy đò đi học - Ảnh: Vũ Toàn
Năm đó, học sinh Trường THCS Lạng Khê đã xếp những chiếc thuyền giấy để mỗi khi qua đò về bản Chôm Lôm lại thả xuống sông. Trước khi xếp thuyền, các em chụm đầu ghi vào trang giấy học trò lời nhắn gửi: “Mong chiếc thuyền đưa các bạn tôi về đến bên kia. Mong các bạn hãy yên lòng. Chúng mình không bao giờ quên dù các bạn không ở trên cõi đời này nữa. Không bao giờ phụ lòng các bạn. Mãi nhớ...”.

Chiếc đò chở 81 người bị lật tại bến đò Chôm Lôm lúc 6g30 ngày 7-10-2006. 14 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 thiệt mạng, 5 em mất tích, 12 em được cứu sống. Chủ tịch UBND xã Vi Đình Phòng bị xử phạt 30 tháng tù treo, hiện ông là phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lạng Khê. Cha con ông lái đò sau khi mãn hạn tù đã chuyển về ở bản Cây Gạo, cuối xã Lạng Khê. Cầu treo Chôm Lôm được xây dựng năm 2007, trị giá 4,7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách UBND tỉnh Nghệ An và một số doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp.
Từ quốc lộ 7, đường xuống bến sông Chôm Lôm nay đã lát bêtông. Chiếc cầu treo Chôm Lôm nối hai bờ sông Cả có từ sau vụ tai nạn một năm, nhưng nay khi nhắc đến bà con dân bản cứ gọi đó là “cầu tình thương”.

Trưởng bản Lộc Minh Tý vẫn là trưởng bản lão cựu của bà con dân tộc Thái ở Chôm Lôm từ trước vụ lật đò đến nay. Đến giữa cầu, ông và tôi không ai bảo ai đều quay nhìn xuống bến đò cũ. Dưới bến đò, chiếc thuyền đuôi én của hai vợ chồng ngư dân đang thả lưới như bị khoảng cách hàng chục mét hút nhỏ lại. Ông Tý khẽ nói: “Hầu như mỗi khi bước chân qua cầu từ người dân đến các em học sinh không ai quên vụ đắm đò tang tóc. Người ta gọi cầu tình thương nghĩ cũng có lý”.

Tôi lại đọc cho ông Tý nghe đoạn thư gói ghém trong những chiếc thuyền giấy, ông ngậm ngùi: “Sau khi chôn cất 14 học sinh, rồi không tìm thấy năm thi thể khác, nỗi đau ngày đó dai dẳng mãi. Dân bản vắng con thì khóc lóc, còn học trò vắng bạn mới có những lá thư biến thành những chiếc thuyền lững lờ trên sông”.

Phía đầu cầu bên kia là bản Chôm Lôm. Đường vào bản nay cũng đã lát bêtông. Cổng chào vào bản có hàng chữ “Bản văn hóa Chôm Lôm”, mặt phía bản đi ra sông là “Vạn sự như ý”. Ông Tý giải thích: “Chôm Lôm là bản văn hóa đầu tiên của huyện Con Cuông nên chúng tôi đưa lên như một lời chào khách đến bản. Còn “Vạn sự như ý” là mong muốn của dân bản đừng gặp chuyện đau lòng như vụ đắm đò khủng khiếp. Trước ngày bản để tang các em là đêm Tết Trung thu diễn ra bên bờ sông Chôm Lôm. Toàn bộ học sinh của bản ra bờ sông vui chơi với trăng sao, sông nước. Ai ngờ sáng hôm sau trên đường sang trường, 19 em mãi mãi ra đi”.

Thăm lại một số gia đình có con tử nạn, ông Lộc Minh Tý dẫn tôi ra nghĩa trang của các em. Nhìn 19 ngôi mộ được xây cất cẩn thận, ông nói: “May có tấm lòng hảo tâm của bà con cả nước nên ngoài 14 ngôi mộ có thi hài, năm ngôi mộ trống vẫn được xây cất như nhau. 19 gia đình có con tử nạn nay nhà cửa cũng được tu sửa khá hơn trước là nhờ thế. Hằng năm, mỗi dịp nghỉ hè, nghỉ tết, 12 em được cứu sống đều đến thăm các gia đình rồi ra nghĩa trang này thắp hương cho các bạn. Buồn nhưng thấy con em mình hiếu lễ nên bà con cũng nguôi đi”.

Trong số 12 học sinh được cứu sống, ông Tý cho biết: “Ba cô đi lấy chồng. Một cậu trở thành lao động giỏi của bản là Lô Văn Khang. Tám cô cậu còn lại đang học tại các trường đại học và cao đẳng, trong đó có Lộc Thị Thục Oanh - con gái của tôi. Chính anh trai nó cứu chứ ai. Anh nó là Lộc Đình Thêu, giờ đang làm phó bí thư xã đoàn”.


Lộc Đình Thêu bây giờ là phó bí thư xã đoàn - Ảnh: Vũ Toàn
Hóa ra Lộc Đình Thêu - chàng sinh viên khoa bơi lội Trường cao đẳng Thể dục thể thao Đà Nẵng, người đã cứu sống năm học sinh trong vụ chìm đò - là trai bản Chôm Lôm năm ấy mới 23 tuổi. Chàng trai nay đã 30 tuổi có dáng người vạm vỡ và bảnh trai nhớ lại: “Hôm ấy do cơn bão số 6 đổ bộ vào Đà Nẵng, sinh viên được nghỉ một tuần nên tôi tranh thủ về thăm nhà. 6g30 ngày 7-10, nghe tin đò chở học sinh bị lật, tôi chạy một mạch ra bến đò, thấy cảnh nháo nhác trên sông. Giữa vùng xoáy có mấy cánh tay giơ lên trên mặt nước. Thế là tôi ào ra, may cứu được năm em”. Cứu sống năm học sinh thoát cảnh chết đuối, Thêu được Trung ương Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Hiệp hội Thể thao dưới nước, Ủy ban Thể dục thể thao và UBND tỉnh Nghệ An đều tặng bằng khen.

Gác lại nỗi đau cũ, Thêu dẫn tôi đi tìm Lô Văn Khang. Năm ấy Khang mới 11 tuổi, đang học lớp 6, nay là thanh niên lao động giỏi của chi đoàn Chôm Lôm. Không theo đuổi được với bạn bè về sự học nhưng năm ngoái Khang đã góp tiền cùng cha mẹ mua máy kéo hơn 150 triệu đồng để cày ruộng và chở đất đá. Đang lái máy kéo chất đầy gỗ keo đi qua “cầu tình thương”, Khang nhảy xuống, kể: “Năm ấy có sáu bạn lớp 6 gặp nạn, riêng cháu may mắn thoát chết. Giờ mỗi lần gặp các bạn được cứu sống đi học xa về cháu nói vui: Thi đại học thì mình thua các bạn nhưng thi lái máy cày, máy kéo thì các bạn sẽ thua nhé. Các bạn về rồi đi, mình cháu ở nhà nên thường ra thăm viếng nghĩa trang”.

Cô giáo dạy sử của Trường THCS Lạng Khê Đặng Thị Hoa cho biết: “Bản Chôm Lôm có truyền thống hiếu học. Học sinh của bản dẫn đầu về chất lượng so với các khối của trường. Lứa học sinh gặp nạn năm ấy học rất khá. Ngay trong 12 em được cứu sống có tám em thi đậu đại học, cao đẳng”. Còn thầy Trần Duy Quang - hiệu trưởng nhà trường - nói đây là những “vốn quý của bản”.

Tôi xin số điện thoại từ thầy Quang, cô Hoa liên lạc với hai “vốn quý của bản” là Lương Thanh Huyền - sinh viên khoa tài chính ngân hàng Trường đại học Ngoại thương Hà Nội - và Lộc Thị Thục Oanh - sinh viên khoa giáo dục tiểu học Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An - hỏi về những ký ức sau vụ lật đò. Một ở Hà Nội, một ở Nghệ An nhưng hai sinh viên này đều có chung tâm sự: “Chúng em không bao giờ nguôi quên các bạn. Trong nỗi nhớ quê có nỗi nhớ về các bạn, nếu không xảy ra vụ lật đò thì bây giờ các bạn cũng có những ước mơ như mình. Những bạn ở gần như em thì ngày giỗ đúng vào thứ bảy, chủ nhật thường về dự giỗ. Mỗi lần về quê, chúng em luôn mang theo những bông hoa trắng, ngồi trên xe gấp sẵn những chiếc thuyền giấy để đến bến đò Chôm Lôm thả xuống. Nghĩ gì thì ghi vào thuyền giấy như thế, nhưng riêng câu “Chúc bạn yên nghỉ ở phía bên kia, mọi người không bao giờ phụ lòng các bạn” thì ai cũng viết như nhau”.

Có về lại bến đò Chôm Lôm mới thấu hiểu những tình cảm trong bức thư thuyền giấy này. Chính những tình cảm, lời hứa của tuổi học trò hồn nhiên ấy đã giúp các em đi xa hơn rất nhiều trong khát vọng của tuổi trẻ sau vụ tai nạn kinh hoàng mà các em may mắn thoát chết.

HMO theo Vũ Toàn
 
Last edited by a moderator:

Ads HMO

Ads HMO

Top