• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Quế Phong Cây "chanh" xóa nghèo trên vùng biên giới

HMO

Administrator
Staff member
Cây chanh leo đang mang lại niềm hy vọng thoát nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa bàn biên giới xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Điều đó càng được củng cố khi Công ty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An (Nafoods) đã đầu tư vườn ươm, cung cấp cây giống chất lượng, giá rẻ cho người dân, cùng với cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định sau khi thu hoạch.

Gia đình chị Già Y Xỳ, dân tộc Mông, mong muốn mở rộng diện tích cây xóa nghèo.
Bén duyên với mảnh đất biên giới
Đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh sinh sống bao đời trên địa bàn biên giới xã Tri Lễ luôn đoàn kết thương yêu nhau. Nhân dân chăm chỉ lao động, sản xuất. Thế nhưng, ở dải đất biên cương, do điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nên tình hình phát triển sản xuất của địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vì thế, đời sống của nhân dân luôn phải chịu cảnh nghèo đói.

Trăn trở, hiểu thấu ước mơ thoát nghèo của bà con, Đồn BP Tri Lễ phối hợp với chính quyền địa phương xã Tri Lễ, huyện Quế Phong tìm nhiều mô hình kinh tế để làm thí điểm mong đạt được kết quả, nhân rộng trong nhân dân. Ban đầu là mô hình trồng lạc trên diện tích đất đồi có độ dốc thấp. "Cây lạc có vẻ phù hợp với loại đất ở đây nên thân cây phát triển xanh, tốt, nhưng nó lại không ra củ vì khí hậu ở đây khá lạnh. Tiếp đến là mô hình trồng khoai sọ cũng không thể nhân rộng vì năng suất quá thấp" - Thượng tá Nguyễn Viết Thà, Chính trị viên Đồn BP Tri Lễ cho biết.

Câu chuyện tìm hướng phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc ở Tri Lễ gặp rất nhiều khó khăn và cũng là một vấn đề "nóng" được đưa ra bàn luận trong những lần gặp gỡ giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với những người lính Biên phòng đóng quân ở đây. Ý tưởng trồng cây chanh leo ở Tri Lễ xuất phát từ năm 2010. Thượng tá Nguyễn Viết Thà nhớ lại: "Năm đó, trong bữa cơm thân mật với cán bộ, chỉ huy đơn vị, anh Trần Quốc Thành, Bí thư Huyện ủy Quế Phong lúc đó, nói rằng, khí hậu ở đây khá giống Đà Lạt. Rồi đặt ra một câu hỏi, chẳng lẽ Đà Lạt trồng được nhiều loại hoa quả, mà Tri Lễ lại không trồng được loại cây nào? Rồi Bí thư huyện Quế Phong đưa ra ý tưởng thử trồng loại cây chanh leo xem sao? Lúc đó nghe lãnh đạo địa phương gợi ý, chúng tôi cũng mạnh dạn hứa sẵn sàng nhận làm thử mô hình trồng loại cây này trong khuôn viên của đơn vị".

Chỉ một thời gian ngắn, lãnh đạo huyện Quế Phong đã liên hệ để mang về Tri Lễ 1.000 gốc chanh leo, giống Đài Loan. Trong đó, giao cho Đồn BP Tri Lễ 50 gốc, số còn lại được phân bổ cho các hộ gia đình có kinh nghiệm làm kinh tế tại địa phương cùng trồng thử nghiệm. Để hỗ trợ Đồn BP Tri Lễ triển khai mô hình trồng cây chanh leo, Công ty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An đã cử kỹ sư lên giúp đơn vị áp dụng kỹ thuật chăm sóc loại cây mới. Như cái duyên, do phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng mà cây chanh leo ở Tri Lễ đã phát triển nhanh, sinh trưởng tốt, cho quả sai và chất lượng tốt. "Chỉ khoảng 50 gốc chanh leo, nếu tính theo giá thị trường của năm 2010 thì chúng tôi có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Cây chanh leo do BĐBP trồng thí điểm thành công, cùng với việc các hộ dân khác cũng trồng được cho thu hoạch đã thực sự mở ra niềm hy vọng về loại cây giúp bà con thoát nghèo" - Thượng tá Nguyễn Viết Thà tâm sự.

Củng cố thêm niềm tin thoát nghèo
Sau khi mô hình trồng cây chanh leo tại Đồn BP Tri Lễ thu được kết quả tốt, đông đảo nhân dân các dân tộc Thái, Mông ở các bản làng gần trung tâm xã đã chủ động tìm cây giống để trồng trong vườn nhà. Điều khiến cho người dân ở đây tỏ ra hết sức hào hứng với loại cây này, đó là, đến thời điểm thu hoạch, Công ty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm nên họ không phải lo đầu ra và chuyện bị ép giá. Chị Già Y Xỳ, dân tộc Mông, bản Minh Châu 1, xã Tri Lễ tâm sự: "Nhà tôi trồng 5 gốc chanh leo trong vườn đã được 2 năm rồi, quả nhiều lắm. Đến mùa, trẻ con ăn thoải mái vẫn bán được 3-4 triệu đồng. Vợ chồng tôi đang tính thời gian tới sẽ mở rộng diện tích trồng cây chanh leo ở trên rẫy để có thêm thu nhập".

Với quyết tâm "biến" cây chanh leo thành loại cây xóa nghèo bền vững trên địa bàn biên giới xã Tri Lễ nói chung và huyện Quế Phong nói riêng, năm 2013, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng phát triển chanh leo nguyên liệu trên diện tích 900ha ở địa bàn 3 xã Tri Lễ, Nậm Giải và Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong. Dự kiến, khi triển khai đề án, vùng nguyên liệu chanh leo sẽ tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng gần 3.000 người dân địa phương. Sau khi UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đề án phát triển cây chanh leo nguyên liệu, thì Công ty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An sẽ triển khai những công việc cụ thể để giúp người dân xã Tri Lễ phát triển bền vững loại cây này.

Theo đó, một trung tâm ươm cây giống hiện đại được xây dựng đưa vào hoạt động tại trung tâm xã Tri Lễ, các kỹ sư của công ty trực tiếp xuống địa bàn bám dân để hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây. Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Văn Thành, phụ trách vườn ươm ở Tri Lễ cho biết: "Nếu nhập giống cây chanh leo từ Đài Loan thì giá thành sẽ rất cao, khoảng 50 nghìn đồng/cây. Nhưng khi có vườn ươm thì công ty dự kiến sẽ bán cho bà con khoảng 12 nghìn đồng/cây. Đi cùng với đó, chúng tôi sẽ có trách nhiệm hỗ trợ nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, người dân không còn phải lo lắng về vấn đề bệnh tật của cây".

Kỹ sư Thành còn cho biết thêm, cây chanh leo từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 5-6 tháng. Vật liệu làm giàn ở đây rất sẵn, có thể tận dụng được, nếu chăm sóc tốt, cây có thể cho thu hoạch 4-5 năm sau mới phải trồng lại. Để đảm bảo đầu ra, Công ty Cổ phần Thực phẩm Nghệ An cũng đã ký hợp đồng thu mua sản phẩm lâu dài cho nhân dân với giá thành hợp lý, ổn định.

Như vậy, với quyết tâm của UBND tỉnh Nghệ An, bà con nhân dân trên địa bàn biên giới huyện Quế Phong đang có thêm hy vọng thoát nghèo bền vững nhờ cây chanh leo.
Theo Bienphong.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top