• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Cam Xã Đoài, thiên hạ đệ nhất Cam

HMO

Administrator
Staff member
Tôi về với Xã Đoài (xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) trong làn gió Xuân đến sớm. Hít thật căng lồng ngực, đã nghe hanh hao vị ngọt bùi của hương cam mọng vào mùa. Về Xã Đoài những ngày này để được thưởng thức thứ cam “tiến vua” một thời đệ nhất thiên hạ; để nghe cả những ưu thời của các vị cao niên làng cam về một thương hiệu cam Xã Đoài đang dần mai một…


Cam Xã Đoài vào xuân.
Cam tiến vua
Châm thêm tách trà cho khách, cụ Trần Văn Khoát nhìn xa xăm ra mảnh vườn trước sân… Lớn lên đã thấy màu xanh cây cam trước cổng nhà, nay đã ngoài 80 tuổi, cả đời cụ gắn bó vui buồn với cây cam Xã Đoài. Theo cha ông xưa kể lại, gần 200 năm trước cây cam đã theo chân một vị linh mục người Pháp mà có mặt trên đất này. Như một kỳ duyên, cây đã bén đất lành và cho ra một thứ quả hương vị không ở đâu có được. Quả cam Xã Đoài vỏ mịn, mỏng đều và có mùi hương (tinh dầu) thơm dịu, ruột cam vàng óng, ngọt bùi giòn tan trong miệng.

Từ đó, theo thời gian, cam Xã Đoài đã trở thành một thứ đặc sản nức tiếng. Tương truyền năm đó triều đình Huế mở hội thi hoa quả. Những người nông dân vùng Xã Đoài nhận được trát vua, bèn bàn nhau cử người mang cam vào tận kinh thành ứng thí. Tại kinh đô, giữa muôn ngàn sản vật, cam Xã Đoài đã đoạt giải và trở thành thứ cam tiến vua độc nhất vô nhị.

Vào thời điểm những năm 1980, xã Nghi Diên có hơn 60 ha cam, trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế lớn từng được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Lão nông Trần Văn Khoát cho biết, vào độ tháng 10 nông lịch, thương lái các nơi đã tìm về Xã Đoài để đặt mua cam. Những cây cam mới bói quả xem như đã có chủ, chỉ chờ những cơn gió hanh hao đầu Xuân thổi vàng sậm vỏ, những quả cam được cẩn thận cắt cành, giữ cuống lá màu xanh đậm để làm hàng Tết. Cũng vào dịp gần tết Nguyên đán, khách hàng ở trong và ngoài tỉnh rủ nhau tìm về xã Nghi Diên để xem và mua cam. Làng cam vui như vào hội, hương cam quấn quýt từng ngõ xóm. Cam Xã Đoài được dùng làm quà biếu hoặc để thờ cúng trong dịp Tết.

Theo lý giải của lão nông đã gắn bó gần hết cuộc đời với cây cam Xã Đoài, thì cam ở đây ngon trước hết là do có giống cam tốt, lại được trồng trên nền đất thịt nặng có tầng canh tác sâu và hàng năm được bồi đắp một lớp phù sa lắng đọng của kênh nhà Lê. Phía dưới tầng đất canh tác nếu đào sâu xuống khoảng trên dưới một mét sẽ thấy một lớp vỏ sò, hến, ốc biển đã và đang phân hủy. Đặc điểm của loại đất này cùng với giống cam tốt đã tạo nên hương vị thơm ngon nổi tiếng của cam Xã Đoài.

Thế nhưng đáng buồn thay, cây cam Xã Đoài có hiện tượng thoái hóa, nhiều vườn cam vàng rộm ngày xưa đã dần bị xóa bỏ để thay thế các loại cây trồng khác. Cây cam có biểu hiện sinh trưởng, phát triển kém dần, đặc biệt là quả cam từ chỗ không hoặc ít hạt nay ngày càng nhiều hạt, quả nhỏ dần và vỏ dày. Từ đó chất lượng cũng giảm dần về độ ngọt và hương vị. Do tốc độ thoái hóa nhanh dẫn đến hiệu quả kinh tế đối với cam Xã Đoài ngày càng giảm dần. Nhiều vườn cam đã bị xóa bỏ để thay thế vào đó các cây trồng khác. Nếu như năm 1980 cả xã Nghi Diên có gần 70ha cam, đến nay chỉ còn lại 6 - 7 ha được trồng rải rác.

Cuộc chiến giữ… cam

Sớm nhận thấy nguy cơ mai một giống cam quý, nhiều dự án “phục tráng” cây cam Xã Đoài đã được thực hiện.

Còn nhớ cách đây 15 năm trước, tỉnh Nghệ An mời một vị giáo sư ở Hà Nội về làm dự án “bảo tồn, nhân rộng giống cam Xã Đoài”. Với số tiền hơn 2 tỷ đồng, dự án đã được triển khai rầm rộ. Tuy nhiên, một trong những yếu tố khiến cho dự án này đổ bể, tiền tỷ theo gió xa bay, đó là đem “thiên hạ đệ nhất cam” Xã Đoài sang trồng ở vùng đất xã Nghi Ân (Nghi Lộc), không hiểu vì sao những người thực hiện dự án quên mất loại hoa quả được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất cam” chỉ đậm hương vị khi trồng ngay trên chính đất Xã Đoài.

Sau dự án tốn kém và sai lầm nói trên, người dân Xã Đoài đã không ngồi chờ chính quyền mà tự bắt tay nhau vào cuộc. Với tâm huyết khôi phục lại được giống cam tiến vua của ông cha để lại, nhiều người con Nghi Diên đã tiên phong lập trang trại, đầu tư vốn liếng và khoa học kỹ thuật để trồng cam.

Nguyễn Quốc Tuấn là người con của xã Nghi Diên đang sinh sống tại Hà Nội đã mạnh dạn lập dự án xây dựng và phát triển vùng cam Xã Đoài trên diện tích khoảng 12ha. Một “Trung tâm phục tráng cam Xã Đoài, xóm 5, xã Nghi Diên, Nghi Lộc” được hình thành với hơn 4.000 gốc cam trải dài ngút tầm mắt, cây nào cây nấy xanh mướt, trĩu quả. Tuấn cho biết, phục tráng giống cam Xã Đoài là mơ ước của anh, nhằm “góp phần bảo tồn giống cam quý đang có nguy cơ tuyệt chủng”. Hàng nghìn gốc cam được trồng, chăm sóc từ năm 2009, đến nay đã cho thu hoạch bình quân mỗi cây 100 quả/vụ. Để bảo đảm cho vườn cam sinh trưởng tốt, ông chủ Trung tâm phục tráng cam Xã Đoài thuê hàng chục công nhân bảo vệ, chăm sóc từng gốc cây. Ngoài ra, còn có một cán bộ Cục BVTV thường xuyên vào Nghệ An kiểm tra “sức khỏe” vườn cam, “kê đơn”, “bốc thuốc” diệt trừ sâu bệnh.

Được biết hiện nay Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung bộ cũng đang thực hiện đề tài "Nghiên cứu phục hồi và phát triển cam Xã Đoài ở vùng nguyên sản". Bằng các biện pháp nhân nhánh ở vùng bản địa, xây dựng quy trình thâm canh tại vùng nguyên sản; tiến hành bình tuyển tại các vườn của nông hộ còn lưu giữ được gốc có thâm niên cao… Sau 5 năm nghiên cứu, từ 82 cây chọn ban đầu, Viện đã tuyển chọn ra 5 cây đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng, được Hội đồng khoa học tỉnh Nghệ An đánh giá và công nhận. Những cây đầu dòng đều sinh trưởng và cho quả chất lượng tốt, ít sâu bệnh, được đưa vào sử dụng chồi ghép để nhân giống cây so phục vụ nhu cầu sản xuất ở địa phương và một số vùng trồng cam khác trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, Viện đã xác định và lưu giữ được 100 cây so; xây dựng được mô hình sản xuất giống cam Xã Đoài sạch bệnh trên diện tích 2 ha tại vùng nguyên sản và ghép được trên 40.000 cây con cung cấp cho khoảng trên 80 ha sản xuất đại trà.

Chúng tôi chia tay lão nông Trần Văn Khoát, chia tay xứ cam tiến vua với nhiều buồn vui lẫn lộn. Những câu thơ viết về cam Xã Đoài của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật như vẫn còn vang lên đâu đó. "Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong...".
Theo Báo Xây Dựng
 

Ads HMO

Ads HMO

Top