• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Cồn Điệp một di chỉ đang trở thành nơi tập kết rác thải

HMO

Administrator
Staff member
Cỏ mọc um tùm, tập kết rác thải, vật liệu xây dựng, chăn thả trâu bò, di chỉ bị biến dạng... là thực trạng đang diễn ra tại di chỉ khảo cổ Cồn Điệp (Quỳnh Lưu).

Di chỉ khảo cổ bị biến dạng
Nằm ngay sát QL1A, khu di chỉ khảo cổ Cồn Điệp (hay còn gọi là Cồn Sò Điệp) thuộc địa bàn xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), được công nhận là di chỉ tiêu biểu cho thời đại đá mới.

Theo sử sách ghi lại, Cồn Điệp vừa từng là nơi cư trú vừa là khu mộ của người nguyên thủy. Đến nay, đã tìm thấy hàng chục ngôi mộ cổ và nhiều vật dụng bằng đá, gốm... Dựa vào vị trí của xương sọ và xương chân tay trong các ngôi mộ cho thấy rằng, người chết đã được chôn với tư thế ngồi xổm.



Các lớp vỏ sò, vỏ điệp trong khu di chỉ.

Ngay từ năm 1930, nhà khảo cổ M. Colani (người Pháp) đã đến đây khảo cứu và phát hiện đây là một di chỉ quý giá. Đến những năm 1960, một số cuộc khai quật khảo cổ nữa cũng được tiến hành và phát hiện thêm nhiều hiện vật quý thể hiện chứng tích về một nền văn hóa tồn tại cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm.




Nhiều nhà khoa học và du khách nước ngoài đã từng đến chợ Vân (được xây dựng trên nền di chỉ khảo cổ Cồn Điệp) để tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan. Ảnh chụp vào năm 2011 tại chợ Vân cũ.

Được biết, vào khoảng những năm 70 của thế kỷ XX, xuất hiện việc họp chợ của người dân địa phương trên nền di chỉ này. Từ xa xưa vốn chưa hiểu rõ hết giá trị của di chỉ nên người dân địa phương đã đào lấy sò, điệp để đóng gạch làm nhà khiến cho di chỉ bị biến dạng nhiều.

Tuy nhiên, nhận thấy giá trị quý báu mà di chỉ khảo cổ lịch sử này để lại, vào năm 1997, UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Văn hóa – Thông tin Nghệ An (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch - PV) và huyện Quỳnh Lưu có trách nhiệm bảo vệ khu di chỉ này.

Khu di chỉ Cồn Điệp, một di chỉ văn hóa được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy trong trường phổ thông, được “bất khả xâm phạm” bằng Luật Di sản. Thế nhưng, do nhu cầu họp chợ, thông thương của người dân, năm 2006 UBND xã Quỳnh Văn đã cho xây chợ kiên cố với hàng trăm ki-ốt ngay trên khu di chỉ.

Việc xây chợ đã xâm hại nặng nề đến di chỉ. Bởi, trong quá trình xây dựng, người ta đã cho đào bới, san ủi Cồn Điệp, một khối lượng lớn vỏ sò, điệp cũng bị đào lên. Mặc dù, UBND huyện đã yêu cầu đình chỉ việc xây dựng, nhưng chợ vẫn được hình thành, dẫn đến nguy cơ khu di chỉ bị xóa sổ. Đặc biệt, cảnh tượng người dân xung quanh di chỉ khảo cổ khi làm nhà vẫn tiếp diễn tình trạng đào trộm sò, điệp để về làm vật liệu.



Di chỉ khảo cổ Cồn Điệp rộng hơn 5.000m2.

Trước thực trạng di chỉ khảo cổ bị xâm hại và biến đổi do hoạt động mua bán của người dân, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho xã Quỳnh Văn xây dựng chợ Vân ở địa điểm mới tại xóm 9, xã Quỳnh Văn với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng, diện tích 1ha, là chợ nông thôn loại 2 (2 tầng). Đến năm 2011, xã tiến hành quy hoạch và xây dựng chợ. Tháng 2/2014, công trình chợ Vân mới được hoàn thành. Toàn bộ hoạt động kinh doanh buôn bán của tiểu thương được chuyển xuống khu chợ mới, trả lại mặt bằng và hiện trạng khu di chỉ khảo cổ với hơn 5.000m2.

"Cha chung không ai khóc"
Để bảo tồn và gìn giữ di chỉ khảo cổ Cồn Điệp, ngay khi chuyển chợ mới, công trình xây dựng đã được triển khai để bảo vệ, tôn tạo khu di chỉ và ngăn chặn người dân đào trộm vỏ sò, vỏ điệp. Công trình bao gồm các hạng mục: Tường bao, cổng chính, bia dẫn tích có trị giá hơn 1 tỉ đồng.




Sau 2 năm trả lại nguyên trạng khi di chỉ mới xây dựng được hàng bờ bao.

Tuy nhiên, theo quan sát thì hiện nay, sau 2 năm triển khai dự án công trình tường bao bảo vệ công trình vẫn còn dang dở, chưa có cổng chính che chắn. Bên trong di chỉ cỏ mọc um tùm. Người dân ngang nhiên tập kết vật liệu, đất thải, trồng chuối, trồng cỏ sữa... giống như đất vườn nhà mình.



Biến khu di chỉ trở thành nơi trồng chuối và cỏ sữa.

Xã cũng chưa cử người trông coi cho nên mặt tiền của di chỉ khảo cổ hiện nay bỗng nhiên biến thành nơi tập kết rác thải. Đặc biệt, một số hộ dân sống xung quanh còn lợi dụng trồng cây, rau màu và lấn chiếm hành lang để tập kết hàng hóa, bãi đỗ xe trên khu di chỉ khảo cổ, gây mất cảnh quan nơi đây. Qua quan sát, cảnh tượng khu di chỉ giống như bãi đất hoang, nhếch nhác, không người quản lý.



Mặt tiền khu di chỉ thành bãi đỗ xe.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Văn Ba Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho biết: “Dù được UBND tỉnh cho chủ trương và hỗ trợ kinh phí nhưng do nguồn vốn quá eo hẹp nên đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Xã đã có công văn gửi tỉnh và huyện để có phương án đầu tư xây dựng, bảo vệ di chỉ. Dù chính quyền xã đã tuyên truyền nhưng một số người dân vẫn thiếu ý thức đem rác đến đây đổ trộm, bỏ vật liệu, trồng cây tại Khu di chỉ khảo cổ”.

Trong khi đó, ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳnh Lưu lại cho rằng: “Thực trạng nhếch nhác tại di chỉ khảo cổ là có thật. Thời gian qua do chính quyền địa phương xã Quỳnh Văn chưa ổn định tổ chức bộ máy nên sự quan tâm, bảo vệ di chỉ khảo cổ này còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc đó đã phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư xây dựng các hạng mục bảo vệ di chỉ”.






Hình ảnh nhếch nhác tại khu di chỉ.

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích, di chỉ, chúng tôi đã tìm đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An. Tại đây, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Đã là di tích, di chỉ, danh thắng là phải bảo vệ và phát huy. Nhưng việc bảo vệ, bảo tồn di tích, di chỉ đòi hỏi một nguồn lực rất lớn, trong khi đó kinh phí của tỉnh thì khó khăn, còn huyện thì hạn chế”.

Khi PV đề cập việc di chỉ khảo cổ học Cồn Điệp – Quỳnh Văn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến cảnh tượng biến dạng, nhếch nhác thì bà Hoàng Thị Quỳnh Anh cho rằng: "Cái này thuộc quản lý trực tiếp của huyện Quỳnh Lưu?".



Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An chia sẻ với PV.

Theo tìm hiểu của chúng tôi được biết, dù là một di chỉ khảo cổ có giá trí văn hóa, lịch sử, là chứng tích của người Việt cổ thế nhưng đến thời điểm hiện tại di chỉ khảo cổ Cồn Điệp vẫn chưa được xếp hạng di chỉ khảo cổ học quốc gia.

Để phát huy giá trị theo đúng nghĩa của một khu di chỉ khảo cổ cần có sự chung tay, phối hợp của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay tìm phương án.

Theo ĐS & PL
 

Ads HMO

Ads HMO

Top