• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Cô giáo dạy học sinh hát ví dặm bằng tiếng Anh

HMO

Administrator
Staff member
Để học sinh có hứng thú học tiếng Anh và mong muốn dân ca ví dặm sẽ lan tỏa ra thế giới, cô Đặng Thị Anh Phương đã tự sáng tác và chuyển lời tiếng Anh bằng các điệu ví dặm tập cho các em hát.

Cô Phương đã tự mình sáng tác bài hát bằng tiếng Anh trên nền làn điệu ví, dặm dạy cho học sinh hát.
Nữ thạc sĩ Đặng Thị Anh Phương hiện là giáo viên bộ môn tiếng Anh của trường THPT Nghi Xuân (xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và là nghệ nhân hát dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.

Thẩm thấu từ lời ru của bà, của mẹ
Sinh ra ở vùng đất Tiên Điền, huyện Nghi Xuân là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du nên từ nhỏ cô Phương được nghe hát lẩy Kiều, xẩm Kiều và các làn điệu dân cá ví dặm thông qua lời ru của bà, của mẹ. Nhờ thế, âm nhạc dân gian thấm vào người cô bé Phương và trở thành niềm đam mê theo đuổi đến tận sau này.

Cô Phương là giáo viên dạy môn tiếng Anh vừa là nghệ nhân hát dân ca ví, dặmẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
“Lời ru của bà, của mẹ đã thấm nhuần vào tâm hồn và cả tuổi thơ của tôi. Vì thế, thời còn học cấp 2, tôi thường đến Nhà hát dân ca Nghệ An để nghe nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu hát dân ca ví dặm. Lên cấp 3, tôi được nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn dạy hát các điệu ví, điệu dặm nên niềm đam mê ấy càng ngấm sâu hơn”, cô Phương nói về cơ duyên đến với Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Xong đại học, cô Phương về quê hương dạy học ở trường cấp 3 gần nhà và tham gia vào CLB dân ca ví dặm xã Xuân Giang (huyện Nghi Xuân). Về chuyên môn, cô luôn sáng tạo cách nhớ từ vựng thông qua các bài hát hay liên tưởng đến những hình ảnh gần gũi trong cuộc sống để giúp học sinh nhớ từ vựng nhanh và lâu hơn. Còn về xã hội, cô là “hạt nhân” văn nghệ nơi cô đang ở và là người tiên phong giới thiệu quảng bá ví, dặm cho học sinh trong các hoạt động ngoại khóa.
Ngày dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng thôi thúc cô giáo trẻ tâm huyết hơn với đam mê mà mình đang theo đuổi. Cô luôn trăn trở làm thế nào để dân ca ví, dặm vào trường học có chiều sâu.


Dạy cho học sinh hát ví, dặm bằng tiếng Anh giúp các em nhớ từ vựng lâu hơnẢNH PHẠM ĐỨC
Cuối năm 2014, được nhà trường chấp thuận, cô Phương thành lập CLB dân ca ví, dặm trường THPT Nghi Xuân. Mỗi tháng sinh hoạt một lần, mọi người được cô dạy hát và học các lời mới của các bài ví dặm do nữ giáo viên tự sáng tác. Cùng nhau tìm ra hướng phát triển và cách thu hút nhiều người tham gia để bảo vệ di sản mà ông cha để lại. Đến nay, CLB đã có 60 thành viên bao gồm học sinh và các thầy cô giáo của trường.
Tháng 1.2016, CLB ví, dặm do cô Phương thành lập dành giải nhì hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức với đề tài “Bảo tồn và phát huy dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh bằng các hoạt động trải nghiệm ở CLB dân ca ví dặm trường THPT Nghi Xuân”.

Hát tiếng Anh trên nền điệu ví, dặm
Cô Phương nói rằng những câu ví, dặm chính là hồn quê hương, hồn dân tộc, bởi vậy cô luôn mong rằng nền âm nhạc này sẽ lan tỏa ra cộng đồng quốc tế, tăng cường đối thoại và phát triển du lịch.
Vì vậy, năm học 2015 - 2016, cô chủ trương đưa các bài dân ca ví dặm bằng tiếng Anh do chính mình sáng tác hát cho học sinh nghe vào các buổi học, sinh hoạt 15 phút đầu giờ hoặc ngoại khóa. Ngoài ra, cô và học sinh còn chuyển lời các bài thơ trong sách giáo khoa tiếng Anh thành bài hát dựa trên nền điệu ví, dặm.

Theo cô Phương, áp dụng phương pháp này giúp môn tiếng Anh không bị khô khan, tạo không khí mới, học sinh hứng thú hơn. Mỗi học sinh cũng thấy được ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, dặm. Hơn nữa, khi hát ví, dặm bằng tiếng Anh, sức lan tỏa ra quốc tế ngày càng nhanh hơn, giúp người ngoại quốc có thể hát và hiểu được hồn của bài hát.

CLB do cô Phương thành lập tham gia biểu diễn hát dân ca ví, dặm trong và ngoài tỉnhẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
“Nhờ thuộc lời bài hát nên học sinh sẽ nhớ từng câu chữ tiếng Anh lâu hơn, hứng thú hơn khi học bộ môn này. Đến nay, cả cô và trò đã tự sáng được 10 bài hát bằng tiếng Anh dựa trên nền làn điệu dặm Đức Sơn. Những bài hát này chủ yếu xoay quanh chủ đề thầy cô, tình bạn như: You are got a friend, My teacher is the best…”, cô Phương tự hào.
Cũng theo cô giáo 33 tuổi, sáng tác dân ca bằng tiếng Việt thì dễ, vì chỉ cần dựa vào làn điệu gốc. Song chuyển lời bằng tiếng Anh thì rất khó, ít người làm được. Bởi khi chuyển lời cần phải đảm bảo nội dung, ngữ nghĩa, vừa phải đúng làn điệu, khúc thức, tiết tấu âm nhạc. Năng lực tiếng Anh, thủ thuật chuyển ngữ sang tiếng Anh trong giới học đường còn hạn chế.
Vừa qua, hai em học sinh lớp 11 dưới sự hướng dẫn của cô Phương giành giải 3 cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh tổ chức với đề tài “Nghiên cứu về việc chuyển dân ca ví dặm sang tiếng Anh góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh áp dụng trong phạm vi trường THPT”.


Đề tài giành giải 3 cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở giáo dục Hà Tĩnh tổ chức ẢNH PHẠM ĐỨC
Em Đinh Thị Thùy Dung, học sinh lớp 11 A3 cho biết, được cô Phương dạy hát bài hát tiếng Anh bằng làn điệu dân ca ví dặm vừa giúp em nhớ được từ vựng lâu hơn và yêu thích âm nhạc của địa phương.
Ông Trần Ngọc Đô, Phó hiệu trưởng trường THPT Nghi Xuân cho hay, cô Phương là giáo viên có năng lực tốt, nhiệt tình. Việc cô dạy học sinh hát dân ca ví dặm bằng tiếng Anh đã giúp học sinh đam mê học môn tiếng Anh hơn rất nhiều.
“Cô Phương cùng CLB của mình tổ chức cho các học sinh trong trường các giờ ngoại khóa tìm hiểu về dân ca ví, dặm và tham gia biểu diễn giao lưu văn nghệ với các tỉnh lân cận. Việc làm của cô Phương nhà trường rất đồng tình ủng hộ”, ông Đô nói.

Theo TNO
 

Ads HMO

Ads HMO

Top