• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Các địa phương gấp rút ứng phó bão số 2

HMO

Administrator
Staff member
Các địa phương trong cả nước đang khẩn trương, tích cực áp dụng mọi biện pháp để phòng, chống bão số 2.

Đê điều tại Hải Phòng còn nhiều điểm yếu
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hải Phòng đã có công điện chỉ đạo các địa phương, ngành, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão số 2, thông báo hướng dẫn tàu thuyền về nơi trú tránh; chủ động thực hiện các biện pháp tưới tiêu nước, chống ngập úng đề phòng ngập lụt khu vực đô thị, bảo vệ sản xuất nông nghiệp thủy sản; sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ để ứng cứu khi có yêu cầu.

Lực lượng Biên phòng đã kiểm đếm thông báo cho hơn 2.600 phương tiện, gần 500 lồng bè, 250 chòi đang hoạt động trên biển về nơi trú bão an toàn. Điều đáng chú ý là hiện nay hệ thống đê điều nhiều khu vực tại Hải Phòng đã xuống cấp mà chưa được đầu tư tu sửa, gia cố sẽ trở thành điểm yếu trong mùa mưa bão năm nay.

Quảng Ninh ngừng cấp phép tàu du lịch từ chiều 16/7
UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Cơ quan Cảng vụ đường thủy nội địa ngừng cấp phép đối với 481 tàu du lịch từ 13h ngày 16/7, đồng thời yêu cầu các tàu đang trên vịnh quay về đất liền trả khách, di chuyển về nơi tránh trú đã được thông báo.

Trong sáng 16/7, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng cháy chữa cháy của tỉnh đã họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 2. Từ 6h ngày 16/7, tàu từ các tuyến đảo về đất liền đã ngừng hoạt động do biển động; trên các đảo hiện còn 5.126 khách du lịch, trong đó có 30 khách quốc tế.

Riêng tại đảo Cô Tô có 3.500 du khách, trong đó có 14 khách quốc tế. Huyện Cô Tô đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ bố trí chỗ ở ổn định, an toàn cho du khách, thông báo cho tàu thuyền hoạt động về nơi tránh trú an toàn.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, ngành than cũng đã nạo vét hệ thống thoát nước, gia cố bãi thải, có giải pháp di dân kịp thời tại các khu vực liền kề bãi thải... Chi cục Thủy sản đã thông báo diễn biến bão cho các nghiệp đoàn nghề cá và các chủ tàu hoạt động xa bờ, hiện các tàu đang di chuyển về nơi tránh trú.

Thanh Hóa hoàn tất chuẩn bị phòng, chống bão trước 17h ngày 16/7
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, đến 14h ngày 16/7, toàn tỉnh Thanh Hóa có 5.021 phương tiện tàu, thuyền với 19.420 lao động hoạt động trong tỉnh đã vào các nơi tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, 724 phương tiện với 5.034 lao động đang hoạt động ở các vùng biển khác cũng đã nhận được thông tin về cơn bão và đang tìm về nơi tránh trú bão.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã có công điện yêu cầu Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm đếm, thường xuyên giữ thông tin liên lạc, thông báo, hướng dẫn cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của bão để thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão số 2, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương đã lập phương án sẵn sàng sơ tán 57.801 hộ dân (247.867 người) khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, sẵn sàng triển khai các phương án bảo đảm an toàn các công trình đê điều, hồ đập, đặc biệt các trọng điểm xung yếu về đê điều, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công dở dang...

Ninh Bình triển khai phương án di dân
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có công điện gửi các địa phương triển khai các phương án ứng phó với bão; trong đó tập trung theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngăn không cho tàu thuyền ra khơi và thông báo thường xuyên cho các phương tiện, tàu thuyền vào nơi trú ẩn.

Đồng thời, triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê Bình Minh III và di dân ra khỏi vùng thấp trũng, các điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi tránh trú bão an toàn trước 17 giờ ngày 16/7. Bên cạnh đó, tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi diễn biến thời tiết; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố cũng phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình chủ động triển khai phương án chống úng, tiêu kiệt nước đệm bảo đảm an toàn cho lúa mùa mới gieo cấy và kiểm tra bảo đảm an toàn hồ đập. Khu vực vùng đồi, núi triển khai phương án phòng chống sạt lở đất, đá bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Đến sáng 16/7, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo vận hành 109 máy bơm/46 trạm bơm và mở 20 cống dưới đê để sẵn sàng cho công tác chống úng, tiêu kiệt nước đệm.

Nghệ An cấp bách triển khai phòng, chống bão
UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản bằng mọi biện pháp kêu gọi tất cả tàu thuyền đang hoạt động ngoài khơi tìm nơi trú ẩn an toàn và neo đậu về bờ trước 17h ngày 16/7, kiên quyết không để người ở lại trên tàu thuyền khi có bão.

Chiều 16/7, tỉnh Nghệ An tổ chức các đoàn đi kiểm tra các phương án di dời dân tại các vùng ven biển, cửa sông, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; yêu cầu các địa phương và các ngành chức năng kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp không chịu chấp hành lệnh di dời.

Ngoài ra, tỉnh Nghệ An cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập; kiểm tra an toàn và vận hành công trình trong các hệ thống thủy nông; chuẩn bị thuốc men, nhu yếu phẩm, phương tiện để ứng cứu khi xảy ra ngập lụt, chia cắt. Hiện các cơ quan thường trực cứu hộ cứu nạn (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh...) đã sẵn sàng phương tiện, lực lượng để làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống phức tạp do bão lũ gây ra.

Tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 2, trên một số tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, hư hỏng. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão số 2 được tỉnh Nghệ An xác định là các huyện, thị xã ven biển và các huyện miền núi nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mưa lũ lớn, nước dâng cao.

Quảng Trị rà soát các hồ chứa nước
Tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống bão số 2; kêu gọi tàu thuyền vào bờ neo đậu để bảo đảm an toàn; đề phòng sạt lở đất ở miền núi, sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Tính đến 6h ngày 16/7, đã có 2.263 tàu với 6.497 người trên tổng số 2.305 tàu với 6.997 người của tỉnh Quảng Trị đã được neo đậu, vào tránh trú tại các bến an toàn. Hiện Quảng Trị còn có 42 tàu, thuyền với 500 người đang hoạt động trên khu vực các vùng biển xung quanh đảo Cồn Cỏ và vùng biển của tỉnh Thừa-Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, hiện đang có 83 tàu, thuyền ngoại tỉnh với 588 người đang neo đậu tại các bến của tỉnh.

Sở NN&PTNT Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa trên địa bàn; đồng thời, có phương án khắc phục kịp thời các hư hỏng nhỏ; đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao sẽ không tích nước để bảo đảm an toàn hạ du công trình trong mùa mưa bão.

Chủ tịch Hậu Giang yêu cầu dừng các cuộc họp
Sau khi khảo sát và lắng nghe ý kiến người dân thuộc khu vực sạt lở tại ấp Phú Thạnh, thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành) và chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng nhấn mạnh: Việc bảo đảm an toàn tính mạng người dân là trên hết.

Do đó, các sở, ngành, địa phương không tổ chức họp mà phải triển khai ngay việc vận động, hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các địa phương nhanh chóng khảo sát lại các khu dân cư vượt lũ để tạo điều kiện cho người dân di dời đến nơi ở mới. Sau khi có báo cáo khảo sát, tỉnh sẽ thông qua chủ trương ngay, không để tình trạng người dân sống trong khu vực nguy hiểm không chịu di dời vì không còn nơi ở khác.

Ngoài ra, ngay trong tuần tới, tại các địa phương có nguy cơ sạt lở cao phải tiến hành khảo sát, triển khai các công trình kè tạm tại các điểm nguy cơ cao nhằm hạn chế xảy ra sạt lở. Đặc biệt, tại điểm sạt lở ấp Phú Thạnh, đã có nguy cơ sạt lở thêm, do đó địa phương phải triển khai kè tạm càng sớm càng tốt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao.

Theo​
T. Minh (baochinhphu.vn)​
 

Ads HMO

Ads HMO

Top