• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Các xã trên địa bàn Nghệ An-Hà Tĩnh sẽ có câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm

HMO

Administrator
Staff member
Nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An và đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đưa ra trong cuộc gặp gỡ báo chí diễn ra sáng nay (25/12) tại Hà Nội.

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh: TTXVN)

Giảng dạy trên sóng phát thanh, truyền hình
“Theo kế hoạch, 30-40% tổng số xã trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm trong năm 2015,” ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho biết.

Cũng theo ông Nông Quốc Thành, hiện nay, dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 26 huyện, thị xã, thành phố thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trên đại bàn hai tỉnh hiện có khoảng 100 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm cùng 803 nghệ nhân.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ mở rộng và phát triển chương trình giảng dạy loại hình di sản này trong trường phổ thông và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cụ thể, các đơn vị liên quan sẽ duy trì và phát triển chương trình “15 phút với dân ca” vào sáng thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hàng tuần trên truyền hình và chuyên mục “30 phút với dân ca” vào sáng thứ Ba hàng tuần trên sóng phát thanh ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Những biện pháp trên để dân ca Ví, Giặm tiếp tục gắn bó và phát huy sức mạnh trong cộng đồng dân cư bởi chủ nhân đích thực của di sản là nhân dân. Trong khi đó, muốn người dân chủ động, tích cực tham gia vào việc bảo tồn di sản thì trước hết phải để họ hiểu được giá trị của di sản,” ông Thành nói.

Biểu diễn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ (Ảnh: TTXVN)
Tư liệu hóa
Ở một góc độ khác, bà Đinh Thị Lệ Thanh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, trong chiến lược bảo tồn dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ, vấn đề cấp thiết, cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là kiểm kê, tư liệu hóa các làn điệu Ví, Giặm.

“Dân ca Ví, Giặm xuất hiện trong quá trình lao động và có sự biến đổi qua các thời kỳ. Từ lâu nay, nó được trao truyền theo kiểu truyền miệng. Chúng ta chưa chú trọng việc ghi chép lại bài bản các làn điệu,” bà Đinh Thị Lệ Thanh nhìn nhận.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cũng bày tỏ: dân ca Ví, Giặm đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc thay đổi không gian diễn xướng trong đời sống đương đại.

Hiện nay, không gian diễn xướng của loại hình dân ca này không chỉ “đóng khung” ở các làng quê mà đã mở rộng ra các sân khấu hiện đại (với âm thanh, ánh sáng hỗ trợ).

Chia sẻ sâu hơn về vấn đề này, bà Đinh Thị Lệ Thanh nói: “Chúng ta rất khó để bảo tồn nguyên vẹn không gian sinh hoạt của Ví, Giặm (không gian phường vải, phường củi…) bởi thực tế, những không gian này hiện nay không còn.”

Theo bà Đinh Thị Lệ Thanh, nhân dân Nghệ Tĩnh đã chuyển đổi dân ca Ví, Giặm từ nghệ thuật thực hành lao động sang nghệ thuật giải trí cộng đồng từ khoảng một thế kỷ trở lại đây. Loại hình dân ca này tồn tại trong cộng đồng như hình thức sinh hoạt, giải trí chứ không còn là không gian sinh hoạt văn hóa như thuở xưa.

“Việc thay đổi không gian diễn xướng này đặt ra yêu cầu phải sáng tác những lời ca mới phù hợp với hoàn cảnh đương đại cũng như đòi hỏi về sự kết hợp hài hòa giữa người hát xướng, người chơi nhạc cụ,” bà Thanh cho hay.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, những việc này sẽ được giám sát chặt chẽ để việc sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản.

Trước đó, vào lúc 17 giờ 10 ngày 27/11 theo giờ Paris (tức 23 giờ 10 cùng ngày theo giờ Hà Nội), dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Quyết định được ra trong khuôn khổ kỳ họp thứ chín của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (gọi tắt là Công ước 2003) diễn ra từ ngày 24-28/11 tại Paris (Pháp)./.

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, do cộng đồng hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo, lưu truyền trong quá trình lao động sản xuất và gắn bó chặt chẽ với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư xứ Nghệ.

Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ thường được thực hành trong cuộc sống: lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa…

Bởi vậy, những lối hát này được gọi tên theo các hình thức lao động và sinh hoạt như: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên,
Theo TTXVN
 

Ads HMO

Ads HMO

Top