• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích đền ông Hoàng Mười

HMO

Administrator
Staff member
Đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An là hệ thống di tích - danh thắng gắn với lễ hội, chứa đựng và lưu giữ những giá trị lịch sử - văn hóa quan trọng.

Những giá trị lịch sử
Theo ThS Phan Thị Anh, Phó phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, di tích đền ông Hoàng Mười, hay còn gọi là Mỏ Hạc Linh Từ (làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), là một trong những di tích nổi tiếng, linh thiêng của xứ Nghệ, được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2002. Theo các tài liệu lịch sử để lại, đền được xây dựng từ năm 1634.


Di tích đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Đây là một công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế, với nhiều công trình kiến trúc có giá trị, đúng với quy mô truyền thống, gồm có tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, khu vực miếu mộ... Trong đền còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý, đặc biệt là 21 đạo sắc, bản thần tích chữ Hán và hệ thống tượng pháp có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.

Cũng theo ThS Phan Thị Anh, nét đặc sắc của di tích đền ông Hoàng Mười, là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Đền là nơi thờ chính quan Hoàng Mười, một vị “quan” được nhân dân thờ phụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Trong quá trình thờ phụng, nhân vật này đã được người dân lịch sử hóa, địa phương hóa, gắn quan Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam như: Uy Minh vương Lý Nhật Quang, Chiêu Trưng vương Lê Khôi, Cương Quốc công Nguyễn Xí hay Phụ quốc Thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc... như một xu thế tất yếu của sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Nhưng hơn hết, đây là một công trình văn hóa tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu ấy cũng đã tạo nên cho di tích một di sản văn hóa phi vật thể - lễ hội truyền thống đặc sắc vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm - ngày giỗ của quan Hoàng Mười. Với những nghi lễ tâm linh truyền thống, đậm màu sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống, mà đặc sắc nhất là nghi thức hầu đồng, lễ hội đã vượt phạm vi một làng, một vùng, thu hút nhiều du khách trong Nam, ngoài Bắc về tham dự.

Theo TS. Nguyễn Danh Ngà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thông văn hóa dân tộc, toàn bộ kiến trúc của đền ông Hoàng Mười mang dáng dấp kiến trúc thời Nguyễn. Hệ thống gỗ trong di tích được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ.

Bảo tồn di tích gắn với lễ hội

Theo ThS Phan Thị Anh, Phó phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao Nghệ An, di tích đền ông Hoàng Mười là gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu. Đây là nơi thờ chính vị thần linh thiêng Hoàng Mười - một “Đức Thánh Minh” trong hàng các ông quan Hoàng của tín ngưỡng đạo Mẫu nên tự thân nó đã có sức thu hút tâm linh mạnh mẽ đối với nhân dân, du khách. Đặc điểm tâm linh này là một sự thuận lợi rất lớn cho di tích đền ông Hoàng Mười so với các di tích khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong những năm qua, di tích đền ông Hoàng Mười đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong cả nước đến tham quan, chiêm bái. Nhờ vậy, di tích đã huy động được một nguồn công đức lớn (lên đến chục tỉ đồng mỗi năm), nguồn lực xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy di tích hàng năm. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều hạn chế như hiện trạng di tích vẫn còn rất chật hẹp, các khu chức năng bố trí chưa hợp lý, khu vực dịch vụ còn lấn át di tích, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, du khách, nhất là vào mùa lễ hội.

Để phát huy được những tiềm năng, lợi thế, khai thác tốt hơn nữa giá trị của di tích và lễ hội đền ông Hoàng Mười, ThS Phan Thị Anh cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như quy hoạch, bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích, nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh tại di tích. Bảo tồn giá trị và các nghi lễ trong lễ hội ông Hoàng Mười, đưa lễ hội đền ông Hoàng Mười vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phát huy giá trị di tích và lễ hội gắn với phát triển du lịch...

PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười ở Nghệ An được bảo tồn và phát huy giá trị một cách hiệu quả, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp với thực trạng di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười - Nghệ An hiện nay.

Trước hết, cần nhanh chóng triển khai chương trình bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu sau khi được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; sớm đưa di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười - Nghệ An vào chuỗi hoạt động, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cũng như các hoạt động của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu làm sâu sắc hơn tính đại diện của lễ hội, nghi lễ hầu quan Hoàng Mười tại đền Mỏ Hạc so với lễ hội và nghi lễ hầu quan Hoàng Mười ở các nơi khác trên cả nước. Nghiên cứu so sánh để làm nổi bật những nét riêng, đại diện của di tích và lễ hội đền quan Hoàng Mười - Nghệ An trong hệ thống di tích và lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở nước ta... bởi đây là những thành tố quan trọng để di tích này trở thành điểm đến có ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân xứ Nghệ.

Theo Lan Phương/Báo Tin Tức
 

Ads HMO

Ads HMO

Top