• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Ai chịu trách nhiệm?

HMO

Administrator
Staff member
Trao đổi với pv ông Đồng Văn Tự - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lí công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho rằng, việc người dân không được thông tin khi xả lũ hồ thủy lợi Vực Mấu (TX Hoàng Mai), dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản một phần do chính quyền địa phương... có vấn đề!
slide.jpg
Thưa ông, hồ thủy lợi Vực Mấu bất ngờ xả lũ đã gây thiệt hại hết sức nặng nề. Vậy cơ quan nào là đơn vị quản lí vận hành hồ và chịu trách nhiệm khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này?
Hiện nay, Bộ NN-PTNT chỉ quản lí trực tiếp đối với hồ thủy lợi Dầu Tiếng, còn lại toàn bộ các hồ thủy lợi trên cả nước đều được giao cho các địa phương quản lí.
Cụ thể: UBND các tỉnh giao cho các Cty quản lí khai thác công trình thủy lợi cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lí vận hành các hồ thủy lợi có dung tích trên 500 nghìn m3 đối với vùng miền núi và hồ có dung tích trên 1 triệu m3 đối với vùng đồng bằng.
Các hồ thủy lợi có dung tích dưới hai mức như đã nêu, được UBND tỉnh giao cho UBND các huyện, các xã hoặc các HTX chịu trách nhiệm quản lí vận hành. Cụ thể ở đây, trách nhiệm vận hành hồ Vực Mấu thuộc về Xí nghiệp Thủy lợi huyện Quỳnh Lưu, thuộc Cty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An.
Vậy khi xả lũ khẩn cấp do mưa lớn như vừa qua, cơ quan nào có thẩm quyền đưa ra quyết định xả lũ?
Đối với hồ thủy lợi có dung tích trên 1 triệu m3 như hồ Vực Mấu, đơn vị được UBND tỉnh giao trực tiếp quản lí vận hành trình UBND tỉnh phê duyệt quy trình vận hành.
Căn cứ vào quy trình vận hành đã được phê duyệt này, đơn vị quản lí vận hành (cụ thể ở đây là Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu) có quyền đưa ra quyết định xả lũ theo quy trình. Chẳng hạn mực nước bao nhiêu, lượng mưa bao nhiêu, dự báo mưa ra sao... thì xả lũ thời điểm nào, xả với lưu lượng bao nhiêu...
Trước khi xả lũ từ 4 – 6 giờ, đơn vị quản lí vận hành phải có thông báo đến các địa phương bị ảnh hưởng khi xả lũ để có phương án chủ động phòng chống.
Nhưng người dân nhiều xã tại khu vực TX Hoàng Mai khẳng định, họ không hay biết gì về việc hồ Vực Mấu sẽ xả lũ nên không kịp trở tay?
Tôi và đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi cũng vừa mới đi kiểm tra chỉ đạo chống lũ ở TX Hoàng Mai về. Qua kiểm tra và báo cáo của đơn vị quản lí vận hành hồ Vực Mấu, được biết từ 7h sáng ngày 30/9, đơn vị này đã có thông báo trước với các xã trong vùng xả lũ về việc hồ Vực Mấu sẽ xả lũ.
Tiếp đó lúc 8h sáng 30/9, Xí nghiệp Thủy lợi Quỳnh Lưu đã có công văn thông báo bằng văn bản gửi đến UBND các xã Quỳnh Vinh, Mai Hùng, Quỳnh Trang, Quỳnh Dị, Quỳnh Phương và TT Hoàng Mai và các vùng phụ cận thông báo sẽ xả lũ kể từ 8h ngày 30/9.
Theo đó đề nghị các xã thông báo cho người dân ở các vùng thấp, vùng dọc ven sông Mai Giang di dời lên vùng cao... Tuy nhiên theo báo cáo của UBND một số địa phương ở TX Hoàng Mai, thì mãi tới 19h ngày 30/9, văn bản thông báo này mới tới nơi. Mặc dù vậy, mãi tới 21h cùng ngày, đơn vị vận hành hồ Vực Mấu mới xả lũ một cửa, và chỉ tăng dần lưu lượng và số cửa xả cho tới tối đa 5 cửa xả vào lúc 3h sáng.
Như vậy, dù sao đơn vị vận hành cũng đã thực hiện đúng quy trình cũng như quy định thông báo trước khi xả lũ.
Nhưng thực tế khi nước ngập tới giường ngủ, người dân tỉnh giấc mới biết có lũ thì đã quá muộn?
Trách nhiệm của đơn vị vận hành là chỉ thông báo lịch xả lũ tới các xã, còn việc loan báo thông tin đó thế nào kịp thời nhất tới từng người dân là trách nhiệm của chính quyền các địa phương.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy một số nơi người dân cho biết họ có nhận được thông báo xả lũ, một số nơi lại nói không có thông tin gì. Để người dân không nắm được thông tin xả lũ, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy thì rõ ràng là chính quyền các địa phương “có vấn đề”. Đó là chưa nói theo những quy định về trực ban PCLB, chính quyền địa phương phải duy trì trực ban để kịp thời báo động, hỗ trợ di dời dân trong những trường hợp khẩn cấp.
Chính quyền “có vấn đề” ra sao chưa rõ, nhưng bây giờ dân thiệt hại nặng như thế biết kêu ai? Liệu có ai đền bù thiệt hại cho dân không, thưa ông?
Đối với các hồ thủy điện, nếu để xảy ra sự cố như vỡ đập, xả lũ sai quy định gây thiệt hại cho dân thì đơn vị, doanh nghiệp sở hữu nó phải đền bù cho dân, điều này đã được áp dụng với nhiều sự cố đập thủy điện ở Tây Nguyên. Còn sự cố hồ thủy lợi gây thiệt hại cho dân thì đúng là lâu nay chưa có quy định nào về việc đền bù thiệt hại cho dân.
Nhiều ý kiến thắc mắc tại sao đã có dự báo mưa to vì bão số 10, hồ Vực Mấu trước đó cũng đã tích đầy nước, sao đơn vị vận hành hồ không chủ động xả lũ trước khi mưa, đợi “nước đến chân mới nhảy”?
Cái này thì phải hỏi đơn vị vận hành hồ Vực Mấu mới rõ. Tuy nhiên qua kiểm tra, chúng tôi được biết việc dự báo và thực đo mưa tại các trạm thủy văn và diễn biến mưa trên thực tế tại lưu vực các hồ thủy lợi chênh lệch quá lớn do mưa lớn cục bộ.
Cụ thể theo dự báo cũng như thực đo mưa tại các trạm thủy văn tại các khu vực nam Thanh Hóa và bắc Nghệ An trong ngày và đêm 30/9 chỉ khoảng dưới 300mm, trong khi đó thực đo tại các hồ thủy lợi vùng Tĩnh Gia (Thanh Hóa) lại lên tới 780mm, khu vực hồ Vực Mấu lại lên tới gần 600mm. Điều này khiến việc điều tiết xả lũ phần nào bị động.
Xin cảm ơn ông!


“Qua rà soát, hiện các hồ thủy lợi lớn có dung tích trên 1 triệu m3 ở miền Trung đã được nâng cấp cải tạo tương đối an toàn. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều hồ chứa nhỏ nguy cơ mất an toàn cần phải hết sức cảnh giác.
Cụ thể Thanh Hóa hiện có khoảng hơn 20 hồ chứa nhỏ bị xuống cấp trầm trọng như sạt lở mái, thẩm lậu... Hầu hết những hồ này được xây dựng từ những năm 1960, 1970, đến nay đã 40 – 50 năm nên có thể nói đã hết tuổi thọ sử dụng.
Thiết kế của những hồ này chỉ cho phép chịu đựng xả lũ tối đa đối với lượng mưa khoảng 400mm trong vòng 3 ngày. Vì vậy đối với những đợt mưa một ngày tới 500 – 600mm như vừa qua, nguy cơ mất khả năng xả lũ, gây tràn đập, vỡ đập là rất cao.
Trước mắt, trong khi chờ được cải tạo nâng cấp, các địa phương cần kiểm tra, rà soát và đánh giá kỹ về độ an toàn của hồ để có phương án chủ động vận hành điều tiết mực nước khi có nguy cơ mưa lớn” (ông Đồng Văn Tự)

HMO nguồn NN.
 
Last edited by a moderator:

Ads HMO

Ads HMO

Top