• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An 2 Khu công nghiệp ô nhiễm nghiêm trọng

HMO

Administrator
Staff member
Trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp (KCN). Trong đó tình trạng ô nhiễm ở KCN Bắc Vinh (xã Hưng Đông, TP Vinh) và KCN Nam Cấm (huyện Nghi Lộc) trở thành vấn đề nhức nhối suốt nhiều năm qua.


Chế biến bột cá từ cá ươn của Cty Minh Thái Sơn
Ô nhiễm kéo dài
KCN Nam Cấm có tổng cộng 17 dự án đã đi vào hoạt động. Điều đáng lo ngại nhất là phần lớn trong số đó đều có dấu hiệu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Dù ban quản lý KCN đã tiến hành xây dựng hệ thống mương thu gom nước thải nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.


Thế nên chất thải chưa qua xử lý của các nhà máy buộc phải xả trực tiếp ra khu vực dân sinh, khiến cho nhiều gia đình ở xã Nghi Quang và Nghi Xá của huyện Nghi Lộc khốn đốn.


Bị “chỉ mặt đặt tên” nhiều nhất trong thời gian qua là nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn. Cơ sở này đi vào hoạt động từ năm 2010 với công suất 300 tấn cá tươi/năm. Quy trình vận hành nhà máy sản xuất bột cá của Công ty CP Minh Thái Sơn khiến nhiều người phải lắc đầu.


Để giảm thiểu tối đa chi phí đầu vào, họ thường nhập hàng tấn cá thối, cá ươn về chế biến, gây ô nhiễm nguồn nước và bầu không khí. Chưa kể mỗi lần vận chuyển hàng từ cảng về kho thì thường xuyên xảy ra tình trạng rơi vãi cá, nước cá trên đường, làm tăng mức độ ô nhiễm ở quanh vùng.


Trong mắt nhiều hộ dân xóm Trung Tiến, xã Nghi Quang, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu thủy sản Hải An cũng là “hung thần”. Bà Nguyễn Thị Phương (trú tại xóm 7, xã Nghi Xá) bộc bạch: “Trước đây chúng tôi trồng lúa 2 vụ mỗi năm, nhưng giờ làm vụ nào, mất vụ đó. Quy trình xả thải bất hợp lý của hàng chục nhà máy trong KCN, trong đó có Công ty Hải An là nguyên nhân chính khiến tình hình ngày một xấu đi”.


Nước thải đen ngòm trước cổng Cty Hải An


Trước áp lực quá lớn của dư luận về vấn đề ô nhiễm môi trường, gần đây BQL KCN Bắc Vinh chấp nhận đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Công trình đã hoàn thành vào đầu năm 2014, nhưng không hiểu vì lý do gì mà việc đấu nối liên tục bị trì hoãn, thành thử tình trạng ô nhiễm vẫn cứ tiếp diễn.

Chấp nhận chuyển hướng sang nuôi trồng thủy hải sản, nhưng rồi cũng chịu chung số phận. Nguồn nước không đảm bảo nên tôm, cá của các hộ dân chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh đầy mặt ao...


Còn KCN Bắc Vinh có tổng diện tích 60,16 ha, bao gồm 18 cơ sở hoạt động (hiện chỉ có 13 đơn vị đủ giấy phép hành nghề kinh doanh). Đây là KCN đầu tiên được xây dựng ở Nghệ An với mục đích thu hút các nhà đầu tư, đồng thời đưa các nhà máy sản xuất ra khỏi trung tâm thành phố, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nội đô.


Đi vào hoạt động từ năm 2007, nhưng KCN Bắc Vinh lại không có hệ thống xử lý nước thải tập trung và chính thức “thả nổi” vấn đề này suốt 7 năm qua. Nguyên nhân là: Theo kế hoạch phê duyệt, KCN Bắc Vinh được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 2 nằm ở phía Bắc, bao gồm cả hệ thống xử lý nước thải tập trung cho toàn bộ KCN.


Do quá trình phát triển quy hoạch đô thị TP.Vinh có nhiều thay đổi nên dự án buộc phải có sự điều chỉnh và tạm thời bỏ ngỏ giai đoạn này. Hệ quả là đất đai, môi trường xung quanh bị “bức tử” nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân đóng trên địa bàn.


Phớt lờ lệnh cấm
Sau khi kiểm tra mẫu nước thải của nhà máy sản xuất bột cá, Sở TN- MT Nghệ An đã kết luận: Chỉ tiêu BOD5 vượt 2,1 lần; COD vượt 2,05 lần; khí thải phát sinh ra mùi tinh bột cá gây khó chịu trên phạm vi rộng…


Trước những số liệu đầy tính thuyết phục, ban lãnh đạo nhà máy đã thừa nhận sai phạm và cam kết dừng hoạt động để tìm hướng khắc phục, nếu không giải quyết triệt để sẽ chuyển đổi hình thức kinh doanh. Nhưng theo phản ánh của nhân dân quanh vùng, DN này vẫn lén lút hoạt động.


Hệ thống xử lý nước thải tập trung đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động


Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu thủy sản Hải An cũng nằm trong tình trạng tương tự. Mặc dù ngày 5/1/2013, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn số 109/UBND.ĐC yêu cầu nhà máy dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm, nhưng DN vẫn sản xuất “chui”, nhất là ban đêm...


Bởi thế, tình trạng ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của cư dân quanh vùng hai KCN trên chưa biết bao giờ mới chấm dứt.

Theo Việt Khánh (Nông Nghiệp)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top