• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

TP Vinh “Gọt máu cho đi – Cuộc đời ở lại”

AnhXuNghe

Moderator
Staff member
Tôi biết đến CLB Ngân hàng máu sống thành Vinh từ một lần đi hiến máu cho những em nhỏ mắc bệnh huyết tán tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Để từ sau hôm đó, tôi hiểu rõ hơn về công việc của các bạn, một công việc tình nguyện mang ý nghĩa hết sức cao đẹp, nhưng không hề dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ.

Quỹ máu từ những tấm lòng nhân đạo
Lúc đầu, Ngân hàng máu sống thành Vinh là một dự án của CLB Sinh viên tình nguyện thành Vinh. Sau này phát triển mạnh hơn thì tách ra thành một CLB trực thuộc Hội chữ thập đỏ Nghệ An, dưới sự bảo trợ của Trung tâm huyết học tỉnh.


Ngoài những đợt hiến máu tình nguyện được tổ chức với quy mô lớn, hoạt động thường xuyên của CLB chính là kêu gọi “hiến máu cấp cứu”. Đối với những trường hợp khẩn cấp, mà nguồn máu dự trữ tại bệnh viện lại đang thiếu, không đáp ứng đủ, thì các bạn sẽ kêu gọi ngay lập tức những tình nguyện viên đến tham gia xét nghiệm và hiến máu. Qua những phương tiện như Facebook, điện thoại, các bạn đã tìm được nguồn máu phù hợp, kịp thời, góp phần cứu nhiều bệnh nhân qua cơn nguy hiểm. Thực hiện đúng ý nghĩa của một một ngân hàng máu sống di động.


Tổ chức hiến máu nhân đạo


CLB Ngân hàng máu sống thành Vinh chủ yếu kết nối với Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đặc biệt là khoa Tiêu hóa – Máu, nơi có rất nhiều trẻ em mắc bệnh huyết tán bẩm sinh, cần truyền máu thường xuyên. Bạn Nguyễn Ngọc Anh, chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Bởi vì các em nhỏ mắc bệnh huyết tán cần truyền máu thường xuyên, hầu hết đều ở xa, gia đình rất nghèo khổ, đặc biệt có những gia đình có tới 2, 3 anh em đều mắc bệnh. Bọn mình không thể giúp đỡ được tất cả mọi bệnh nhân cần máu, mà ưu tiên hơn đến đối tượng các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo, và có hoàn cảnh khó khăn. Bây giờ, nơi đây trở thành nơi quen thuộc của mọi thành viên trong CLB. Bọn mình còn tổ chức tết thiếu nhi cho các em nhỏ, và phát cháo tình nguyện cho các bệnh nhân trong bệnh viện”.


Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Hằng (Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Nhi Nghệ An) cũng cho biết: “Chúng tôi phải cảm ơn các bạn tình nguyện trong CLB rất nhiều, vì trong suốt thời gian dài vừa qua qua đã liên tục tổ chức hiến máu, kịp thời hỗ trợ cho nhiều bệnh nhân nguy kịch vì thiếu máu. Đó thực sự là một hoạt động nhân đạo và ý nghĩa”.


Bị nhầm là… môi giới bán máu
Nói về những ngày đầu thành lập CLB, Bạn Trần Thị Trà (SV trường ĐH Y Khoa Vinh), một trong những thành viên sáng lập CLB cho biết cho biết: Hồi mới thành lập, CLB gặp khá nhiều khó khăn. Phía bệnh viện cần máu dự trữ cho bệnh nhân, nhưng họ cũng không thể tùy tiện nhận máu từ bất cứ nơi đâu. Các thành viên đã phải thuyết phục rằng đây là tổ chức tình nguyện, mong được giúp đỡ và chia sẻ cho những bệnh nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, gặp tình trạng nguy kịch và cần máu.


Tuy nhiên, điều khó khăn nhất, lại chính là tạo dựng được lòng tin cho những tình nguyện viên đến tham gia hiến máu. “Trước khi đến, các bạn luôn hỏi rõ có bao nhiêu người đang cần máu, người nào cần nhóm máu nào? Khi đến bệnh viện, các bạn cũng yêu cầu được gặp các bệnh nhân, và cẩn thận hỏi: “Em nhóm máu gì? Em đã được truyền máu chưa? Em phải trả bao nhiêu tiền để có máu”?


CLB Ngân hàng máu sống thành Vinh tổ chức vui chơi cho các bệnh nhi huyết tán Bệnh viện Sản nhi Nghệ An


Có một điều, dù là máu tình nguyện, thì bệnh nhân vẫn phải trả một khoản tiền khoảng 400 – 500 nghìn đồng. Đó là chi phí cho nhân viên y tế, tiền túi vô khuẩn đựng máu, tiền tách máu (ví dụ có người lấy tiểu cầu, người lấy hồng cầu), tiền bảo quản máu trong kho lạnh, và bồi dưỡng cho người hiến máu.


Ngoài ra, hiến máu cấp cứu, các quy trình xét nghiệm vẫn được thực hiện đầy đủ, nhưng do không có thời gian chuẩn bị, nên các bạn không được tặng quà, bồi dưỡng đường sữa như trong ngày hội hiến máu, mà thay vào đó là phát tiền, nên nhiều người cũng thắc mắc. Hoặc nhiều khi, bệnh nhân vì muốn cảm ơn người hiến máu, dúi tiền vào tay các bạn, khiến các bạn nghi ngờ bọn mình làm… môi giới.


“Vì thế, nếu không giải thích rõ ràng, thì tình nguyện viên sẽ hiểu nhầm CLB là “môi giới”, và các bạn ấy không được hiến máu nhân đạo đúng nghĩa. Chuyện bọn mình bị các bạn hỏi “1 tháng làm vậy bệnh viện trả cho các chị bao nhiêu tiền?” cũng thường xuyên xảy ra. Tất nhiên, bọn mình đều hiểu, vấn đề máu khá nhạy cảm, những người đi hiến máu có quyền được thắc mắc và đề phòng trường hợp mình cho nhầm đối tượng”, Trần Thị Trà chia sẻ.


Chưa kể đến việc hiến máu cấp cứu, có lúc là nửa đêm, có lúc đang giờ học, các bạn tình nguyên viên không có phương tiện đi lại, CLB phải cử người đi đón, mà chính những thành viên CLB cũng là sinh viên đi học, nên vô cùng vất vả.


Nhưng dần dần, qua thời gian, bằng những hoạt động vô tư, bền bỉ, cũng như có kinh nghiệm hơn trong việc tổ chức tuyên truyền, bây giờ hầu hết mọi người đã hiểu rõ và ủng hộ việc làm của CLB. Số lượng tình nguyện viên tăng lên và nhiệt tình với công việc hiến máu nhân đạo. “Có lần, bọn mình kêu gọi tình nguyện có nhóm máu B. Lúc ấy, một bạn nữ đến tham gia xét nghiệm, bạn ấy rất lo lắng và liên tục hỏi vì đây là lần đầu tiên đi hiến máu. Sau khi lấy máu đi xét nghiệm, thì bạn ấy òa khóc nức nở, hỏi mãi mới bảo: “Em mới nhớ ra, trước kia có người bảo em nhóm máu C, thế thì làm sao mà hiến máu giúp bệnh nhân được” làm cả phòng bệnh cười ồ lên, vì làm gì có nhóm máu C”, bạn Đặng Thị Linh, một thành viên CLB kể lại. Đó là những kỷ niệm vui buồn khó quên trong quãng thời gian làm tình nguyện của các bạn sinh viên trẻ.


Hành trình của yêu thương, chia sẻ
Hiện nay CLB có khoảng 35 thành viên và 150 tình nguyện viên. Các bạn đều biết rõ nhóm máu của mình, để khi cần, có thể hiến máu ngay. Đặc biệt, trải qua thời gian, các bạn đều đã trưởng thành hơn rất nhiều, làm việc cũng chuyên nghiệp hơn.


Trong dịp Hành trình đỏ năm 2013 được tổ chức trên phạm vi cả nước, mỗi tỉnh sẽ có một ban điều phối. Qua đó các thành viên trong CLB Ngân hàng máu sống thành Vinh đã được tập huấn thêm về cách tuyên truyền để mọi người hiểu đúng về ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Đặc biệt là công tác tuyên truyền về bệnh Thalassemia – Tan máu bẩm sinh rất nguy hiểm. Các bệnh nhân Thalassemia phải thường xuyên được truyền máu, không có máu họ sẽ chết. Hiện thế giới chưa có thuốc điều trị. Trước đó, trong CLB chỉ có một số người học Y khoa, hoặc chịu khó tìm hiểu, mới biết, còn lại hầu hết đều hiểu lờ mờ. Nhưng sau Hành trình đỏ bây giờ hầu như ai cũng biết. Qua quá trình giúp đỡ các bệnh nhân nhỏ tuổi mắc bệnh huyết tán tại bệnh viện Nhi, các bạn nhận thấy rất nhiều em là người dân tộc, trình độ hiểu biết của bố mẹ còn kém. Các bạn đã tham gia trò chuyện, giải thích và tuyên truyền để họ hiểu thêm về căn bệnh hiểm nghèo mà con mình đang mắc phải.


Công tác tổ chức hiến máu nhân đạo quy mô lớn cũng được thực hiện bài bản hơn. Trước kia, CLB chỉ tổ chức hiến máu đơn thuần. Nhưng bây giờ đã có pano, khẩu hiệu… tổ chức các trò chơi, đàn hát tập thể, tặng quà… để ngày hiến máu thực sự trở thành một ngày hội, thu hút nhiều người đến tham gia.


Để chủ động trong việc tạo quỹ máy sống, đầu tuần, CLB sẽ đến bệnh viện lấy danh sách những bệnh nhân cần truyền máu, nhóm máu gì, và tiến hành kêu gọi vận động dần dần. Trước kia, khi nào bệnh viện thiếu, thì liên lạc với CLB, còn bây giờ, Ngân hàng máu sống của các bạn đã có thể có máu cho bệnh viện dự trữ. Hơn nữa, khi trực thuộc Hội Chữ thập Đỏ Nghệ An và phối hợp với bên Trung tâm huyết học tỉnh, thì bệnh viện cũng lấy máu dễ dàng hơn.





Chụp ảnh lưu niệm cùng các tình nguyện viên và bệnh nhi


Các bệnh nhân nhí của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cũng trở nên quen thuộc, gần gũi với anh chị trong CLB. Bạn Trần Thị Trà tâm sự: “Có một em tên Nhật, em 3 tuổi mới bắt đầu mắc bệnh, cứ 3 tháng lại xuống bệnh viện nằm 1 tuần. Bây giờ thì 1 tháng em ấy lại cần truyền máu 1 lần. Nghe bố mẹ em kể lại em học giỏi lắm, nhưng đi học ít bữa lại phải nghỉ để xuống viện, nên quen hết cả nhân viên trong bệnh viện, thương lắm. Vừa rồi, em mới bị cắt lách. Vậy mà em vẫn luôn vui vẻ. Bố mẹ em cứ gọi điện cảm ơn bọn mình suốt, còn em thì ngây thơ đến mức mỗi lần từ trên quê xuống, là nhét đầy 2 túi quần lạc luộc, hoặc ngô rang cho các anh chị”.


Đã là công việc tình nguyện, chẳng ai trả lương cho các bạn. Nhưng cho đi yêu thương rồi lại được nhận lại yêu thương. Lời cảm ơn của gia đình bệnh nhân, hay đơn giản là nụ cười, cái nắm tay của các em nhỏ, chính là niềm vui to lớn nhất, là động lực để các bạn trong CLB Ngân hàng máu sống thành Vinh tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa của mình.

Theo Giadinh.net.vn
 

Ads HMO

Ads HMO

Top