• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Nghệ An Ước mong cuối đời của một người vợ liệt sỹ

HMO

Administrator
Staff member
Trong chuyến đi ghi nhận công tác khắc phục sau cơn bão số 2 trong những ngày tháng 7 này, vào đúng nhà một gia đình chính sách là vợ liệt sỹ vừa bị bão tốc mái, chúng tôi nghe được câu chuyện xúc động về bà Nguyễn Thị Quyền ở xã Thạch Liên (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) ở vậy thờ chồng, nuôi con khôn lớn.

Bà Quyền, chồng hi sinh khi còn trẻ nhưng vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi con trưởng thành. Ảnh: Trần Tuấn
Chồng hy sinh khi con mới 3 tháng tuổi
Ngay từ sáng sớm hôm sau của cái đêm bão số 2 đổ bộ vào đất liền, tâm ảnh hưởng là Nghệ An, Hà Tĩnh khiến cây cối đổ gãy, nhà cửa tốc mái rất nhiều, chúng tôi đến ghi nhận việc hàng xóm, chính quyền đang tất bật lợp lại mái nhà bị bão hất đi của bà Quyền- người vợ liệt sỹ 64 tuổi, ở thôn Phú, xã Thạch Liên. Bà kể trong đêm bão đổ bộ, gió rít lên từng cơn liên hồi rồi tốc hẳn phần mái phía trước ngôi nhà của bà xuống đất, thế là nước mưa tuôn xối xả trong như ngoài. "Lúc đó chẳng kịp làm gì cả, tôi chỉ chạy lại bàn thờ thầm nói với linh hồn chồng là xin phép đặt di ảnh ông, cùng Bằng Tổ quốc ghi công nằm xuống bàn thờ kẻo gió tốc vỡ mất. Miệng lẩm bẩm, tay làm rồi tôi chạy vội sang nhà hàng xóm xin trú bão. Sáng ra về nhà thì lúa gạo, chăn màn đã ướt sạch..." - bà Quyền nói trong nước mắt.

Bà Quyền là người xã Thạch Minh, ở cạnh xã Thạch Liên. Năm 1968, bà lấy chồng là ông Nguyễn Danh Lục về xã Thạch Liên. Cưới về được ít tháng thì chồng lên đường nhập ngũ. Sau đó, chồng được đưa ra Bắc đào tạo lính Tăng thiết giáp. Học xong đi thẳng vào chiến trường Tây Nguyên. "Năm 1975, hòa bình lập lại, hàng ngày xe chở bộ đội về phục viên đầy đường. Thế mà trông mãi chẳng thấy chồng tôi đâu. Tôi nước mắt ngắn dài chờ đợi, ruột gan như lửa đốt. 2 năm sau ông ấy mới về. Lần về này tôi vẫn chưa mang bầu nhưng ông ấy đã phải đi. Một năm sau ông về phép, thì tôi mới mang bầu con gái đầu. Hết phép, ông trở lại đơn vị rồi gần 3 năm sau mới về phép thêm lần nữa thì tôi mang bầu thằng sau. Ông ấy trở lại đơn vị rồi hi sinh ở chiến trường Campuchia năm 1981" - bà Quyền nhớ lại. Đã 36 năm sau ngày chồng hi sinh, nhưng bà Quyền vẫn ở vậy thờ chồng, nuôi 2 con khôn lớn, trưởng thành. Nay cả 2 người con đều đã lập gia đình, con gái lấy chồng, con trai cưới vợ làm nhà ở nơi khác nên bà đang sống một mình.

"Khi chồng hi sinh tôi mới 28 tuổi, lúc đó con gái lớn mới 3 tuổi, cháu trai sau mới được 3 tháng. Cuộc sống lúc đó cơ cực lắm, một thân một mình nuôi 2 con dại, chẳng nghĩ đến chuyện gì khác..." - bà Quyền nhớ lại. Hỏi, sao chồng hi sinh khi mình còn trẻ thế mà bà không tái giá? Bà Quyền thật thà: "Nói thật với chú là cũng có người mất vợ, hoặc đã li hôn ra, vào đặt vấn đề muốn lấy tôi làm vợ nhưng tôi đã từ chối. Tôi nghĩ mình nên ở vậy nuôi con, thờ chồng chứ đi bước nữa tội con cái. Nghĩ thế rồi một thân một mình cặm cụi, vất vả nuôi con. Năm tháng cứ thế âm thầm trôi đi. Rứa mà giờ đã làm bà rồi" - bà Quyền kể.

Mong đưa phần mộ chồng về an táng ở quê nhà
Trước đây, bà Quyền bám ruộng đồng nuôi con khôn lớn. Rồi con trưởng thành lập gia đình. Không còn gánh nặng nuôi con nữa, một năm trước bà Quyền mới trả ruộng, chỉ ở nhà quanh quẩn làm vườn, nuôi con gà kiếm thêm chi tiêu. Hiện, bà Quyền được hưởng chế độ vợ liệt sỹ 1,3 triệu đồng/tháng. "Chú coi chớ, từng đó chẳng thấm vào đâu. Quay đi quay lại, đi mừng đi thăm chưa được nửa tháng đã hết. Thậm chí, tháng nào mà đám cưới họ hàng gần thì chỉ được vài ba nhà" - bà Quyền thật thà. Cứ thiếu trước hụt sau, thiếu thì vay, có trả, cứ thế rồi cuộc sống của bà Quyền cũng trôi qua trong tình làng nghĩa xóm ấm áp, chân thành.

Hỏi về tâm nguyện, bà Quỳnh xúc động nói: "Nay phần mộ của chồng tôi đang ở tỉnh Đồng Nai, xa xôi, tuổi già sức yêu nên tôi khó đi lại hương khói. Tôi muốn đưa phần mộ của chồng về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ ở quê nhà cho gần. Thế nhưng, ước mong này đến nay vẫn chưa thực hiện được...".

Bí thư Đảng ủy xã Thạch Liên, ông Nguyễn Xuân Tuyển nói "Bà Quyền là vợ liệt sỹ chồng hi sinh khi bản thân còn trẻ nhưng vẫn không tái giá, mà ở vậy nuôi 2 con trưởng thành. Điều đó thể hiện đức hi sinh rất lớn, rất đáng trân trọng của một người vợ, người mẹ. Trong cuộc sống hiện nay, dù khó khăn nhưng bà rất chu đáo, làng xóm ai có việc vui, buồn gì bà cũng có mặt chia sẻ. Bà cũng là công dân tốt, chấp hành tốt quy định nhà nước, tham gia đầy đủ ngày công lao động trong lao động tập thể, xây dựng nông thôn mới...".

Theo Trần Tuấn (báo Lao Động)
 

Ads HMO

Ads HMO

Top