• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Đời Sống: “Lay lắt” nghề mũ lá Hưng Phúc

HMO

Administrator
Staff member
Tôi tìm về làng mũ lá Hưng Phúc, Hưng Nguyên những mong tìm lại hình ảnh của một thời xa xưa, người dân đội mũ lá đi trên đường làng quanh co. Mũ lá, không chỉ là vật che nắng che mưa, mà cả một biểu tượng cho nét dân dã thôn quê máu thịt. Ấy vậy mà, làng nghề dường như chỉ còn là quá khứ, nghề làm mũ lá ở Hưng Phúc đã mai một rất nhiều. "Những người muôn năm cũ”… Ngày xưa, nghề làm nón lá Hưng Phúc đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng cả tỉnh. Sau đó, làng chuyển từ làm nón sang làm mũ, và cho đến cách đây khoảng hơn 10 năm, thì Hưng Phúc vẫn có hơn 5 xóm làm nghề mũ lá, vẫn còn cảnh tấp nập người bán, kẻ mua. Khi ấy, cả làng có đến hàng trăm hộ chuyên làm nghề này và sống được bằng nghề. Nhưng đến giờ, hình ảnh đó chỉ còn là “những người muôn năm cũ”…
slide.jpg
Chị Nguyễn Thị Châu bên chiếc mũ lá đang làm dở. Ảnh: Hồ Hà

Cụ Nguyễn Văn Lan (78 tuổi), một trong những người làm mũ lá lâu năm và giỏi nhất ở làng Đồng Tiến, Hưng Phúc. Tôi gặp cụ lúc cụ đang đi chơi quanh xóm. “Hết lá để làm rồi, chờ mãi mà người ta chưa đưa lá về cho mà làm mũ, nên đi chơi thôi”, cụ Lan cười nói.

Theo chân cụ Lan trở về nhà, cụ lấy ra cho tôi xem mấy cái mũ đã hoàn thiện xong, rồi vừa uống nước chè, vừa thủng thẳng kể chuyện làng mũ lá, đôi mắt già nua như ánh lên niềm vui và chút tự hào: “Nghề này có từ lâu lắm rồi, đã qua mấy đời người, khi tôi lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ nuôi sống gia đình bằng tiền làm mũ lá. Cả nhà từ con nít cho tới người già đều biết làm mũ”.
Xưa kia Hưng Phúc có tới hơn nửa xã làm nón lá, sau đó khoảng từ năm 1948 thì chuyển qua làm mũ lá. Nguyên liệu để làm nên mũ là đọt lá cọ, vẫn còn dày, mềm và dẻo dai. Cứ 4 cái đọt lá thì làm được một chiếc mũ. Lá tươi được đưa về, đem phơi khô, rồi lại ngâm trong nước nóng. Nghề mũ lá dễ học, dễ làm nhưng lắm công phu, tỉ mẩn.

Từ vót nan làm vành, đóng khuôn mũ, rồi ghép lá, may lớp trong lớp ngoài, rồi lấy cây vọt quấn quanh nan tre trang trí cho chắc, cho đẹp. Cuối cùng là khâu hoàn thiện, quết thêm dầu nhựa thông vào để cho mũ bền, khỏi ngấm nước lại bóng đẹp. Trẻ con trong nhà cứ nhìn ông bà, bố mẹ mà chịu khó bắt chước, rồi thạo nghề lúc nào không hay. Con gái, cứ 8 – 10 tuổi là đã tự mình làm mũ lá được rồi.
Nhưng giờ đây, gần như cả làng đã “treo khung” chẳng ai còn mặn mà, tha thiết với mũ lá nữa. “Cả làng Đồng Tiến giờ còn có tôi, và 4 người nữa làm mũ lá thôi. Tính đến năm nay, tôi đã gần 60 năm tuổi nghề, giờ nhắm mắt cũng làm được mũ lá, nhưng làm thạo và nhanh lắm, thì cũng chỉ được 2 chiếc/ngày, bán khoảng 30 nghìn/ chiếc. Trừ tiền lá, tre, nứa… thì cũng được 50 nghìn/ ngày. Nếu so với đi xây, mỗi ngày kiếm được 200 nghìn, thì chẳng có ai ở nhà miệt mài từ sáng đến tối để kiếm mấy chục bạc nữa”.

Nuối tiếc một làng nghề
Trong khi nguyên liệu cũng khó kiếm, vì phải dùng đọt lá cọ, chỉ có trên miền núi Quỳ Hợp, Quỳ Châu (Nghệ An)… hoặc sang Hương Sơn (Hà Tĩnh). Mỗi lần chở lá về là những người làm mũ lại kéo nhau đến lấy hàng trăm lá để làm dần.
Nhưng từ tháng 7 năm ngoái đến giờ, lá hết rồi, mà chờ mãi chưa thấy người ta đưa về. Nghe chuyện, đứa cháu gái của cụ Lan đang học lớp 6 hỏi ông: “Họ không chở về thì sao hả ông?”. “Thì thôi, đi chơi chứ làm răng!”. Theo cụ Nguyễn Văn Lan, hiện nay chỉ còn lại ba xóm 5, 6, 7 là vẫn còn nhiều hộ sản xuất mũ. Xóm 5 (làng Đồng Tiến) làm mũ to, rộng vành hơn. Còn xóm 6, 7 (làng Hùng Cường) thì làm mũ nhỏ, 2 xóm này có nhiều người còn làm mũ nhất.

Tôi tìm đến nhà Ông Nguyễn Xuân Am, làng Hùng Cường, năm nay đã gần 80 tuổi, với mấy chục năm tuổi nghề. Thấy có người nhắc đến chuyện mũ lá ông, vui vẻ tiếp chuyện.“Mới cách đây có hơn chục năm, cả làng vẫn còn làm mũ, đông vui lắm. Nhất là buổi tối, cơm nước xong nhà nào nhà nấy mang lá, mang nan ra ngoài sân ngồi, cha con mẹ cái ngồi làm mũ lá, rôm rả đến tận 11, 12h mới đi ngủ.



Ông Nguyễn Xuân Am và những trăn trở với nghề
Cứ 5 ngày một phiên chợ, mỗi nhà cũng làm được vài chục cái, rồi 3h sáng, cả làng dậy sớm kéo nhau đi bán mũ dưới chợ Vinh”, ông Am nói. Ông Am cũng cho biết, cái thời hoàng kim đó giờ đã xa rồi. Nhớ nghề, mà cũng đang rảnh rỗi, nên hai ông bà ở nhà làm cho vui, kiếm tiền ăn trầu.
Làm mũ lá cũng tùy từng thời điểm trong năm, mùa hè làm nhiều, mùa đông thì rải rác. Bây giờ cũng không còn ai tự mang ra chợ bán nữa, làm được cái nào nhập cho dân buôn. Thời điểm mùa nắng, mỗi chiếc mũ bán với giá cao nhất cũng chỉ được 30.000 đồng. Tính ra, làm cật lực 1 tháng thu nhập cũng khoảng 1,5 triệu đồng. Người dân chuyển qua buôn bán, làm thợ xây, phụ hồ… hoặc đi xuất khẩu lao động.
Thanh niên, trung niên thường bỏ đi làm ăn xa, mỗi năm chỉ về 1-2 lần. Chị Nguyễn Thị Châu (SN 1969) xóm 6, xã Hưng Phúc – một trong những người hiếm hoi trong độ tuổi lao động vẫn còn làm mũ lá, cho biết: “Lứa tuổi như tôi cũng chẳng mấy ai làm, nhưng giờ nhà còn có hai mẹ con, không đi đâu làm ăn xa được nên ở nhà làm ruộng, nông nhàn rỗi rãi thì làm mũ lá kiếm thêm tiền cho con đi học”.

Nói làng Đồng Tiến, Hùng Cường bây giờ còn nhiều người làm mũ lá nhưng đếm cũng chỉ trên dưới vài chục người, chủ yếu là người già. Họ lấy việc làm vui, vừa kiếm thêm thu nhập, phụ giúp con cháu. Và trong tâm thức, còn có cái gì đấy gắn bó, nhớ tiếc, muốn giữ chút “hồn” làng mũ lá năm xưa, mà năm xưa đó, cũng chỉ mới cách đây hơn chục năm.

Trao đổi về việc làng nghề mũ lá bị mai một, ông Nguyễn Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc cho biết: “Trước kia kinh tế chưa phát triển, Hưng Phúc chỉ có nghề nông chứ chưa có nghề gì khác, người dân chưa có công ăn việc làm, sau 2 vụ mùa nông nhàn, ở nhà đan mũ kiếm thêm thu nhập. Nghề mũ lá đã từng phát triển mạnh với khoảng 80 hộ/ xóm, ít nhất thì cũng 40 – 50 hộ làm nghề. Nhưng khi nền kinh tế ngày một phát triển, nhu cầu thị hiếu khách hàng ít, nghề mũ lá bị thu hẹp lại.

Năm 2000 – 2002 chúng tôi cũng đã thử cố gắng xây dựng làng nghề nhưng không thành công, vì làng nghề thì dân phải sống được với nghề đó, mà nghề mũ lá thì giá thành quá thấp so với thời gian, công sức bỏ ra. Với xu thế hiện nay khả năng nghề mũ lá sẽ bị mất, không còn tồn tại trên đất Hưng Phúc nữa”.

Tiếc, buồn cho cái nghề đã, đang tôn lên vẻ đẹp của văn hóa làng quê xứ Nghệ nhưng đang ngày bị mai một và có khả năng biến mất. Nhưng trong xu thế bây giờ, khi làng nghề không sống được với nghề, người dân làm mũ không nuôi được gia đình thì cũng đành phải bỏ nghề mà theo đuổi những công việc khác.

Theo Gia Đình.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top