• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Ái nữ cố nhạc sỹ An Thuyên: 'Cá tính âm nhạc của ông không gói gọn trong âm nhạc dân gian'

HMO

Administrator
Staff member
Ca sỹ Bông Mai, con gái của cố nhạc sỹ An Thuyên chia sẻ, giỗ đầu năm nay của ba chị, những người thân của ông sẽ làm một “mâm cỗ” thật khác biệt. Mâm cỗ đặc biệt mà ca sỹ Bông Mai nói đó chính là mâm cỗ âm nhạc với 2 đêm nhạc tưởng niệm diễn ra lần lượt tại 2 tỉnh, Nghệ An và Ninh Bình vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 này.

Đêm nhạc “Neo đậu bến quê” được tổ chức tại Nhà Văn hóa quân khu IV, TP Vinh, tỉnh Nghệ An vào tối mai, ngày 25-6, ngay sau ngày giỗ đầu của ông, cũng như một cách gia đình hoàn thành tâm nguyện của nhạc sỹ An Thuyên trước khi mất. Đối với đêm nhạc thứ 2, chủ đề “Trăng” sẽ diễn ra vào ngày 2-7 tới tại một địa điểm đặc biệt là Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình). Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ca sỹ Bông Mai, con gái của ông xoay quanh 2 đêm nhạc đặc biệt này.

- Khi tổ chức 2 đêm nhạc ở TP Vinh và chùa Bái Đính, vốn là 2 địa điểm không hấp dẫn để bán vé, Ban tổ chức chương trình có cảm thấy phiêu lưu và “liều” quá không?

+ Đây không phải là bài toán về mặt kinh doanh, về vấn đề lỗ - lãi nên cũng đáng để liều, nhất là với một chương trình mang ý nghĩa tình cảm và tâm linh như thế này thì nên làm một chương trình đặc biệt hơn các chương trình khác. Nếu coi đây là một chương trình thương mại thì chúng tôi sẽ quan tâm tới việc nên làm ở thời điểm nào, ở đâu để thu hút khách tốt nhất.

Mặt khác, khi tổ chức chương trình này, chúng tôi mong muốn có một cách nhìn khác về những nơi có thể tổ chức được địa điểm ca nhạc. Chẳng hạn như, không phải chương trình ca nhạc nào cũng có thể đưa được vào những nơi như chùa Bái Đính. Đây là một chương trình đặc biệt về mặt tình cảm và tri ân, cần làm ở những nơi có ý nghĩa đặc biệt.

- Chị có chia sẻ trên facebook của mình rằng, “giỗ đầu năm nay của ba, con muốn cùng mọi người có một “mâm cỗ” thật khác biệt. Điều khác biệt mà chị nói cụ thể là gì?

+Giỗ đầu năm nay của ông, tôi muốn cùng mọi người có một "mâm cỗ" thật khác biệt. Không rượu thịt, không sơn hào hải vị. "Mâm cỗ" sẽ là những ca khúc của ông được vang lên bởi những người kính trọng, yêu mến ông. Đó sẽ là 2 đêm thật sự để thưởng thức và ngân nga. "Neo đậu bến quê" là để đưa ba tôi về với quê hương. "Trăng" là để tiễn ông về với miền cực lạc!


Nhạc sỹ An Thuyên được xem là 1 trong những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam.
- Đêm nhạc “Neo đậu bến quê” được tổ chức tại Vinh như một cách gia đình hoàn thành tâm nguyện của cố nhạc sỹ trước khi mất. Là con gái của ông, chị có thể chia sẻ cụ thể nguyện vọng đó?

+Thực ra, ba tôi không đưa ra một nguyện vọng nào trước khi mất. Sự ra đi cả ông quá bất ngờ, không có sự chuẩn bị nào. Nguyện vọng của ông không phải là nguyện vọng của một người trước khi ra đi và dặn dò lại, mà đó là một mong muốn, một đau đáu của người con xa quê hương, lúc nào cũng hướng về nó.

Nếu nghe nhiều ca khúc của ông, tôi tin rằng mọi người ai cũng sẽ hiểu điều đó. Bản thân tôi sinh ra ở Nghệ An, không hề có sự xa cách nào với quê hương cả. Bản thân đã là người gắn bó rồi nên những chuyện âm nhạc của ba tôi như một chất xúc tác để tôi có thể thực hiện tốt hơn chương trình này.

- Bài hát cuối cùng ông viết là “Bao giờ về được ao quê”. Chị có thể nói đôi chút về nguồn gốc ra đời ca khúc đặc biệt này không?

+ Trước đó, ba tôi là người viết rất thường xuyên nhưng ông hay ngồi viết trong phòng làm việc của mình. Khi ông mất rồi, mọi người thấy trên bàn làm việc của ông tập bản thảo ca khúc này và mới biết rằng, nó được viết vào đêm cuối cùng trước ngày ông mất. Sự vô tình ấy lại đó gì đó khá đặc biệt.

Trong chương trình tưởng niệm này, nam ca sỹ Tấn Minh sẽ là người thể hiện ca khúc cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.


Ca sỹ Bông Mai, con gái của cố nhạc sỹ An Thuyên.
- Tôi tự hỏi, ca sỹ Bông Mai sẽ cảm thấy như thế nào khi chứng kiến đêm nhạc tưởng nhớ ba mình diễn ra ngay trên mảnh đất quê hương?

+ Đêm nhạc ở Vinh diễn ra tại một hội trường chỉ có 600 chỗ thôi. Tuy nhiên, so với đêm nhạc ở chùa Bái Đính, đêm nhạc này lại là một áp lực vô cùng lớn. Bởi lẽ, đây không phải là địa điểm của những khán giả bình thường mà toàn là những người thân, bạn bè, những người rất hiểu âm nhạc của nhạc sỹ An Thuyên ba tôi. Ở Bái Đính, chúng tôi chỉ có áp lực về bán vé mà thôi.

- Mặc dù, chị đã khẳng định trước báo giới mời ca sỹ Sơn Tùng M-TP và Hồ Ngọc Hà không phải vì mục đích thương mại nhưng nhiều người vẫn cho rằng, đây vẫn là 2 lá bài kéo khán giả đến chương trình. Chị có muốn nói điều gì không?

+ Tôi xin khẳng định lại một lần nữa, chúng tôi không mời 2 ca sỹ trên vì mục đích thương mại, bán vé. Tôi trân trọng tình cảm của họ đối với âm nhạc của ba tôi. Với lại, tôi nghĩ rằng, khán giả quan tâm tới Sơn Tùng hay Hồ Ngọc Hà vì họ đang hot, cũng xứng đáng chứ sao. Điều đó chứng tỏ họ có một sức hút nhất định.

- Sơn Tùng và Văn Mai Hương là 2 ca sỹ nhạc trẻ. Nhạc ba chị thiên về truyền thống trữ tình. Chị có lo lắng họ sẽ “phá” tông nhạc của ba mình?

+ Thực ra mọi người hay mặc định ông thế nhưng ba tôi cũng có khá nhiều tác phầm trẻ. Với 2 đêm nhạc lần này, mọi người sẽ cảm thấy bất ngờ ở cá tính âm nhạc của ông không chỉ gói gọn trong âm nhạc dân gian. Dân gian của ông cũng trẻ. Chương trình được xây dựng nên bởi những người trẻ, ê-kip thực hiện trẻ, những nghệ sỹ tham gia cũng trẻ. Họ muốn góp tiếng nói tri ân của mình đến người thuộc về thế hệ trước có tâm hồn rất trẻ, thậm chí rất yêu trẻ là nhạc sỹ An Thuyên - ba tôi.

Lúc còn sống, ông cũng từng nói rằng: "Tôi đã được lớn lên trong dòng sữa âm nhạc dân gian. Nhưng điều đấy không có nghĩa là chất liệu đó sẽ vào trong sáng tác của mình. Ðiều cốt lõi là người nhạc sĩ phải biết nâng niu, gọt giũa, kết hợp cái thuần tuý thắm đượm của âm nhạc dân gian, cái tri thức âm nhạc dân gian với tri thức âm nhạc bác học hiện đại. Có như vậy mới tạo ra được những tác phẩm tân thời hiện đại mà đậm đà chất liệu dân ca".

- Xin cảm ơn chị!
Theo CAND
 

Ads HMO

Ads HMO

Top