• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

“Thiên thần nhỏ” của người đàn bà điên

HMO

Administrator
Staff member
Đó là em Phan Thị Giang - Học sinh lớp 8C Trường THCS Bạch Liêu, huyện Yên Thành. Mẹ Giang bị bệnh tâm thần và đau ốm thường xuyên nên ngay từ nhỏ em đã biết quán xuyến công việc nhà, làm lụng nuôi mình và chăm sóc mẹ. Tuy lớn lên trong bất hạnh và khốn khó như thế, nhưng Giang đã vượt qua tất cả để học giỏi. Người dân nơi đây thường gọi bé với cái tên trìu mến là “thiên thần nhỏ...”.


Sự hoài thai của số phận
Sau buổi học, bé Giang đi nhặt phế liệu
Buổi trưa, trời nắng như đổ lửa, một ông lão ngoài 70 tuổi, xiêu vẹo đạp xe đến nhà một đồng nghiệp của tôi. Ông cầm tập giấy trên tay, thở hí hóp như không còn chút sức lực nào: “Nhờ các anh cứu giúp, không cháu tui, nó bỏ học mất.”
Qua tiếp xúc được biết, ông lão tên là Nguyễn Văn Sơn (75 tuổi) ở xóm 7 xã Tăng Thành. Ông bị bệnh khớp bấy lâu nhưng vẫn đạp xe đi cầu cứu cho đứa cháu ngoại là Phan Thị Giang hiện nay đang học lớp 8C Trường THCS Bạch Liêu, huyện Yên Thành. Tập giấy trên tay ông là bệnh án tâm thần của con gái và giấy khen về thành tích học tập của đứa cháu ngoại.
Mắt ông lão đục như cùi nhãn nhòe nước: “Mẹ cháu Giang bị tâm thần, đau ốm liên miên. Anh chị em nó, ai cũng nghèo, vợ chồng tui thì già nua, đau yếu nên cũng chả giúp gì được. Tui sợ cháu nó bỏ học thì tội lắm nên, đi nhờ các anh, may ra...”.
Vợ chồng ông lão sinh được 6 người con, riêng đứa con gái thứ 3 là Phan Thị Thủy (SN 1972) bỗng nhiên mắc chứng bệnh tâm thần khi vừa tròn 18 tuổi. Ông cũng đã vay mượn đưa con đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, nên đành phải đưa con trở về.
Về nhà, chị Thủy thường bỏ đi lang thang rồi có mang và sinh bé Giang. Nhà đông người, nên ông đã xin xã miếng đất ở cuối làng dựng cho mẹ con chị Thủy căn nhà nhỏ khoảng 10 m2 để ở riêng. Khi sinh con, bệnh tình của chị Thủy cũng có đỡ hơn, chị vẫn biết chăm sóc con và làm ruộng. Chỉ khi nào trái nắng trở trời, bệnh tái phát, chị lại gào khóc và lại bỏ con đi lang thang đầu đường, xó chợ.
Khi chúng tôi đến nhà, chị Thủy ốm nằm bẹp trên giường. Ngôi nhà bé tí, chật chội, chỉ đủ đặt được chiếc giường và bàn học. Trong nhà không có một thứ đồ đạc gì đáng giá. Trời nắng nóng như vậy nhưng một chiếc quạt điện nhỏ nhoi cũng không có.
Bà Phương, hàng xóm, rơm rớm nước mắt nói: “Chị ấy ốm cả tuần nay rồi, cơm cháo thất thường. Con bé đi học nhiều bữa nhịn đói. Tiền trợ cấp chất độc màu da cam cho chị Thủy hàng tháng chẳng đủ thuốc thang. Tội nghiệp, mẹ con lay lắt sống nuôi nhau. Có lẽ cả huyện này chẳng có ai khổ như vậy. Nhưng thật phúc nhà, chị ấy có đứa con gái thật tuyệt vời”.

“Thiên thần” nghèo túng
Bé Giang chăm sóc mẹ
Nhiều người dân nơi đây đều hết lời ca ngợi em Giang. Chị Lê Vinh ở gần nhà cho biết: “Bé Giang năm lên 8 tuổi đã biết quán xuyến công việc nhà, như tìm rau, nấu cơm và chăm sóc mẹ. Lớn lên chút nữa đã biết làm ruộng, ra đồng mò cua, bắt ốc, nhặt phế liệu đem bán kiếm tiền mua bút giấy, sách vở và ăn học. Hoàn cảnh như thế mà bé học giỏi nhất làng. Ai cũng lấy bé Giang làm gương để răn dạy con cháu”.
Khi chúng tôi đến nhà Giang để thực hiện bài viết này, em cũng đang tranh thủ đi nhặt phế liệu đến hơn 12h trưa mới về. Bữa cơm trưa của em là một chiếc bánh mì 2 ngàn đồng, còn mẹ thì Giang đã nấu nồi cháo thịt cóc mà lúc đêm em đi soi bắt được.
Nhìn Giang gặm bánh mì, uống nước lọc cho no bụng chúng tôi cũng xót xa ngậm ngùi thay. Hỏi Giang: Em làm lụng suốt ngày đêm như vậy thì lấy thời gian đâu để học? Giang trả lời: “Em lúc nào cũng đem theo sách vở bên mình để học. Khi nào rỗi là em học”.
Từ lớp 1 đến nay, năm học nào Giang cũng đứng nhất, nhì lớp và gặt hái được nhiều giải cao trong các kì thi học sinh giỏi, huyện tỉnh. Giang chia sẻ: “Chủ yếu là em hiểu và học thuộc bài ngay từ trên lớp, về nhà chỉ tìm hiểu những sách vở, tài liệu nâng cao để học.”
Nhiều đêm rất khuya, người dân xóm 7 vẫn thấy ánh đèn nhỏ nhoi hắt ra từ ngôi nhà nhỏ bé ấy. Đó là khoảng thời gian bé Giang học bài. Tầm 4 giờ sáng, em lại dậy học tiếp và làm bữa sáng cho mẹ rồi tất tả đạp xe đi học.
Thầy giáo Hồ Trung Kiên - chủ nhiệm lớp 8C Trường chuyên THCS Bạch Liêu tự hào nói: “Mặc dù nghèo nhất lớp nhưng Giang là cô bé ngoan, sống hòa đồng với bạn bè và chăm chỉ học tập. Giang học giỏi toàn diện, nằm trong tốp đầu của lớp. Vừa qua Giang đoạt giải nhì tại kì thi Olympic môn Vật Lý lớp 8 (năm học 1012 - 2013). Nếu có điều kiện, tôi nghĩ em Giang còn tiến xa nữa”.
Nguyễn Thu Hà, bạn học cùng lớp với Giang, kể với chúng tôi: “Giang rất hay giúp đỡ người khác. Bạn bè không hiểu bài là Giang sẵn sàng giúp ngay. Và em đã một lần chứng kiến Giang rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh 3 mẹ con tàn tật đi ăn xin bên đường. Giang đã rút tờ 10 ngàn đồng cho mẹ con chị ấy. 10 ngàn đồng là nửa số tiền Giang đi nhặt phế liệu cả ngày chủ nhật mới có được. Chúng em thường gọi đùa Giang là “thiên thần nhỏ”.
Chúng tôi hỏi “thiên thần nhỏ” về ước mơ, Giang điềm đạm nói: “Chính vì bệnh tật mà gia cảnh gia đình em mới như vậy. Em ước mơ sau này sẽ thi vào Đại học Y, trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mẹ và cho mọi người”.
Anh Nguyễn Kiên - trưởng xóm 7, xã Tăng Thành cho biết: “Hoàn cảnh của cháu Giang thật đáng thương. Xóm, chính quyền địa phương và nhà trường nơi cháu Giang học cũng đã quyên góp ủng hộ nhưng cũng chỉ ở mức độ nào đó. Hoàn cảnh của mẹ con cháu Giang đang rất cần sự giúp đỡ, động viên, chia sẻ của các cá nhân, đơn vị, các nhà hảo tâm để cháu có thể tiếp tục học tập”.

HMO nguồn GDTĐ.
 

Ads HMO

Ads HMO

Top