• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ “Kỹ sư chân đất” thách thức đối thủ Nhật Bản

HMO

Administrator
Staff member
Đến xã Hưng Tân (Hưng Nguyên, Nghệ An), hỏi anh “Sỹ cơ khí”, bất cứ người dân nào cũng biết, và vui vẻ chỉ đường. Anh đã trở thành “người nổi tiếng” vì đã chế tạo thành công máy cày đa năng với nhiều điểm ưu việt so với máy cùng loại của “ông lớn công nghệ” Nhật Bản.

Anh Phan Công Sỹ bên chiếc máy cày “Xứ Nghệ quê tôi”. Ảnh: QUANG ĐẠI
Anh Phan Công Sỹ, SN 1969, quê xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), nhưng nay mở xưởng cơ khí tại xóm 7, xã Hưng Tân, là con út trong gia đình nông dân có 10 anh chị em. Từ nhỏ, cậu bé Sỹ đã có niềm đam mê tìm hiểu, chế tạo các loại máy móc.

Học hết lớp 9 (hệ 10 năm) thì nghỉ ngang, anh Sỹ đi TP. Vinh tìm việc làm kiếm sống, trải qua nhiều nghề vất vả. Năm 1991, anh cưới vợ, chuyên tâm làm nghề cơ khí, sửa chữa máy móc, phương tiện. Lúc đấy, thấy bà con nông dân vận chuyển vật liệu bằng các phương tiện thô sơ rất vất vả, anh lặn lội vào miền Nam, học hỏi và về tự chế ra chiếc xe “công nông” đầu tiên, chở vật liệu, khi chạy thì cả làng ra xem vì chưa thấy bao giờ.

Làm nghề cơ khí, nhận thấy người nông dân, mặc dù đã có máy cày, bừa bằng cơ giới, nhưng vẫn quá vất vả, tốn kém. Máy Kobuta của Nhật Bản, giá dao động từ 360 - 560 triệu đồng là số tiền quá lớn với người nông dân. Mặt khác, máy này chạy tốn nhiên liệu, khi hư hỏng thì tìm kiếm thiết bị rất khó và cực kỳ đắt đỏ. Còn máy cày hiệu Bông Sen thì không thích hợp với loại ruộng sâu, người điều khiển quá vất vả. “Mỗi khi cày xong đám ruộng bằng máy Bông Sen, toàn thân tôi nhuộm bùn hết, chỉ còn mỗi con mắt và hàm răng; máy lại không có số lùi” - anh Phạm Bá Vinh, xóm 7 xã Hưng Tân chia sẻ.

Là con nhà nông, thấy bà con vất vả như vậy, anh Sỹ thấy mình mang món nợ với mọi người. “Tôi ấp ủ ý tưởng chế tạo máy cày dễ điều khiển, chi phí thấp, tiêu hao nhiên liệu ít, dễ sửa chữa, linh kiện dễ tìm” - anh Sỹ chia sẻ. Nhưng từ ý tưởng đến sản phẩm, phải mất chặng đường hàng chục năm. Anh mày mò nghiên cứu ưu nhược điểm của từng loại máy, tìm hiểu căn nguyên, rồi phác thảo mô hình, tìm kiếm vật liệu để thi công. Đến khi mô hình máy mới đã hoàn chỉnh, anh gác lại mọi chuyện, bắt tay vào thực hiện lắp ráp, chế tạo máy cày của mình. Sau 4 tháng trời ròng rã, sản phẩm máy cày đa năng đã hoàn thành, anh đặt tên cho nó là “Xứ Nghệ quê tôi”, với mong muốn cải thiện năng suất lao động cho nông dân quê nhà.

Vào tháng 2.2017, anh quyết định lái máy ra đám ruộng bỏ hoang lâu ngày trước nhà cày thử. Không biết thông tin từ đâu, bà con kéo đến xem chật kín cả hai bên bờ, cả lãnh đạo xã, Chủ tịch Hội nông dân cũng có mặt. “Lúc đó tôi rất hồi hộp, nhưng cũng có phần tự tin vì mình đã làm rất kỹ lưỡng, kiểm tra từng chi tiết trước khi thử”. Tiếng máy nổ giòn tan, chiếc máy cày mang thương hiệu xứ Nghệ lao vùn vụt trên thửa ruộng, để lại phía sau một màu đất mịn, bằng phẳng, đẹp ngỡ ngàng. “Bà con vỗ tay reo hò như sấm, tôi mừng rơi nước mắt” - anh Sỹ nhớ lại.

Kết quả thử nghiệm cho kết quả ngoài mong đợi. Mỗi sào chỉ cày khoảng 15-20 phút (tương đương máy Nhật), điều khiển nhẹ nhàng, tiến lùi theo ý muốn, đất đẹp, mịn, độ sâu vừa phải; nhiên liệu tiêu hao chỉ khoảng 17.000 đồng/sào. Chiếc máy của anh Sỹ chỉ nặng 550kg, bằng khoảng 1/3 so với máy Kobuta của Nhật, lượng nhiên liệu tiêu hao cũng chỉ bằng khoảng 1/3 so với máy Kobuta, giá thành chỉ 75 triệu đồng, bằng 1/8 so với máy Nhật. “Máy Nhật họ sử dụng bộ điều khiển điện tử, nên nhẹ nhàng, còn máy của anh chỉ điều khiển cơ, sao lại có kết quả tương đương?” - tôi hỏi.

Anh Sỹ giải thích: “Đây là bài toán rất nan giải, tôi đã tìm ra một giải pháp mới là tạo ra bộ ly hợp cắt trực tiếp từ động cơ. Bộ phận lắp ráp khó nhất làm tôi đã hao tâm tổn trí rất nhiều là bộ phận lai ghép bộ chuyển động phần phay đất và vị trí chỗ ngồi để định vị hệ thống chuyển động theo ý muốn. Đây là một giải pháp đột phá trong lĩnh vực máy nông nghiệp”.

Tiếng lành đồn xa, người dân xung quanh tấp nập tới đặt máy, nhưng anh Sỹ phải buồn bã... lắc đầu. “Tôi chỉ nhận làm có 6 cái, vì thời gian từ đây tới vụ gieo cấy tới quá gấp, làm không kịp, trong khi tôi quá ít người, tiền vốn cũng còn rất khó khăn” - anh Sỹ nói.

Một lý do khác, là anh đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm một số chi tiết, đặc biệt là nhằm biến chiếc máy cày đơn thuần thành máy cơ khí đa năng. Bởi vì, máy cày cả năm chỉ sử dụng trong thời gian chừng một tháng, còn nữa bỏ không; trong khi các máy móc khác rất đắt tiền. “Tôi muốn máy cày này có thể trở thành máy xúc, máy nâng, máy trộn bêtông, máy tời... để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ý tưởng, sơ đồ kỹ thuật đã có, hiện tôi đang xúc tiến làm” - anh Sỹ tự tin - “Tôi muốn có một cuộc thi, hay một hình thức nào đó, để máy cày của tôi thi với máy Kobuta của Nhật, xem thử ai hơn ai kém. Trăm nghe không bằng một thấy mà”.

Cái thiếu, chật vật của anh, là vốn, để có thể mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện còn rất lớn. “Vừa qua, nghe tin tôi chế tạo được máy cày tốt, ông Nguyễn Xuân Đường - Chủ tịch UBND tỉnh - có về xưởng để tìm hiểu” - anh Sỹ khoe. Theo anh Sỹ, ông Chủ tịch tỉnh đã hỏi anh về những cái mới, ưu việt của máy cày do anh chế tạo, động viên anh tiếp tục cố gắng và cho biết xem xét hỗ trợ để anh mở rộng sản xuất.

Theo Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top