• Chào Khách! Khi bạn tham gia CỘNG ĐỒNG HOÀNG MAI (HMO) xin vui lòng đọc kỹ những điều khoản trong bản nội quy... (xem chi tiết)
  • Cộng Đồng Hoàng Mai (HoangMaiOnline) – HMO là một tổ chức Phi Lợi Nhuận, Phi Chính Phủ, Phi Tôn Giáo, nhằm kết nối các thành viên của Thị xã Hoàng Mai và Xứ Nghệ xích lại gần nhau.... (Xem chi tiết)
  • Chào Khách! Hiện nay Cộng Đồng Hoàng Mai, Nghệ An đang hoạt động tích cực, thiếu nhân sự quản lý và phát triển. Vậy BQT thông báo cần tuyển thêm Admin, Mods, PRs... (Xem chi tiết)

Xứ Nghệ Ấm áp trái tim Việt nơi đất khách

HMO

Administrator
Staff member
Là một cô dâu Việt, chị Trần Thị Hoa (được mọi người biết đến rộng rãi qua nick FB Quán Ngọc Hoa) đã thành lập Hội Cô dâu Việt tại Đài Loan (Trung Quốc), thường xuyên giúp đỡ các cô dâu Việt gặp khó khăn. Không những thế, các chị em còn trở thành chỗ dựa ấm áp, tin cậy của những lao động người Việt không may bị thương, hay tử nạn trên đất khách.

Sẻ chia với những mảnh đời khó khăn tại quê nhà (ảnh dưới).

Chỗ dựa tin cậy, ấm lòng
Hồi tưởng lại câu chuyện đã xảy ra một năm, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1983, xã Bài Sơn, Đô Lương, Nghệ An) vẫn động lòng, rơi nước mắt. Chồng chị là anh Nguyễn Đăng Khương, sinh năm 1979, sang Đài Loan - Trung Quốc (sau đây xin viết gọn là Đài Loan) năm 2012. Do công việc khó khăn nên anh Khương bỏ ra ngoài làm, không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Tháng 3.2016, đang làm, anh Khương bị ngất và được đưa vào bệnh viện, nhưng không qua khỏi.

“Tin báo về, tôi ngất lịm đi, không biết xoay xở ra sao. Vì một nách hai con dại, con gái đầu học lớp 2, con trai thứ 4 tuổi, gia cảnh khánh kiệt” - chị Hoa kể lại. Các đồng hương đã tìm đến Hội Cô dâu Việt tại Đài Loan cầu cứu. Chị Trần Thị Hoa (Quán Ngọc Hoa), là Chủ tịch hội đứng ra kêu gọi cộng đồng người Việt tại đây giúp đỡ, lo liệu ma chay cho anh Khương, làm lễ hoả thiêu, rồi cử con gái là cháu Nhung, cùng đoàn từ thiện tại đây đưa bình tro cốt anh Khương về nước. Đoàn còn ở lại, lo xong đám tang cho anh Khương, gửi lại cho vợ, con anh số tiền 341 triệu đồng, rồi chia tay.

“Ơn nghĩa của chị Hoa, cháu Nhung, thầy Việt (đại diện Tổ chức Trái tim yêu thương Việt Nam)… và cộng đồng người Việt tại Đài Loan, cả đời này tôi và hai con xin ghi lòng tạc dạ. Chắc chồng tôi dưới suối vàng cũng được an ủi” - chị Hoa nghẹn ngào.

“Ngày 28.2, chị Quán Ngọc Hoa và một số chị em trở về Vinh, có hẹn sẽ thăm em, em chờ mãi mà không được” - chị Nguyễn Thị Hoa tiếc rẻ vì không được gặp ân nhân. Qua giới thiệu của chị, tôi có cuộc hẹn và may mắn được gặp chị Quán Ngọc Hoa tại nhà một đồng nghiệp tại TP. Vinh. Chị Hoa người tầm thước, mái tóc đen, hơi xoăn, khuôn mặt hiền hậu, ăn mặc giản dị, không khác gì bức ảnh quen thuộc trên FB. Lúc đó, chị Hoa và chị Phạm Thị Bích Liên (quê Hải Phòng, cùng lấy chồng Đài Loan) đang bóp tay, chân, vỗ về một thanh niên nằm trên ghế salon, ngủ ngon lành. Hỏi ra mới biết, đây là anh Phạm Việt Hoàng (SN 1993), mới từ “cõi chết” trở về.

Xoắn xuýt chạy ra chạy vào, bà Trịnh Thị Hiệp (SN 1966, trú xóm 1, xã Nghi Phú, TP. Vinh) miệng thì cười, mắt lại nhoà lệ, không tin có thể gặp lại con mình. Bằng chất giọng nặng đặc trưng xứ Nghệ, xoa xoa hai bàn tay to bè, đen sạm, ông Phạm Xuân Huấn - bố Hoàng kể: “Hoàng sang bên đó, cũng làm việc bất hợp pháp, không may rơi từ tầng 4 xuống đất, đưa vô viện, bác sĩ nói chỉ còn 2% hy vọng sống sót. May mắn gặp được chị Hoa, con tôi mới được trở về đây”.

Nghe tin Hoàng bị nạn, gia đình khó khăn, chị Hoa đã tức tốc đến bệnh viện chăm sóc, huy động sự đóng góp của cộng đồng cô dâu Việt, các nhà hảo tâm giúp Hoàng. Chị Hoa thông báo với gia đình, rồi lo thủ tục để ông Huấn bay sang Đài Loan chăm sóc con trai. Chị và các chị em thay nhau vào chăm sóc, động viên Hoàng; sau đó lo liệu cho Hoàng về nước tiếp tục điều trị, còn hỗ trợ kinh phí để lo cho Hoàng sau này. Lần này về Việt Nam, các chị trở lại thăm đứa “con” của mình đã bình phục tới đâu. Hoàng quấn các chị hơn cả mẹ đẻ, luýnh quýnh cứ sợ “mẹ” đi mất. “Tôi không biết nói gì để bày tỏ lòng biết ơn đối với chị Hoa, chị Liên, chị Mỏng… và các nhà hảo tâm người Việt tại Đài Loan. Các chị đã sinh ra con tôi lần thứ hai” - bà Hiệp nói, mắt đỏ hoe.

Những cô dâu Việt tốt bụng.

Trường hợp anh Khương, Hoàng… không phải là cá biệt. Được hỏi về cái gọi là “số liệu”, chị Quán Ngọc Hoa cười xoà: “Chị không nhớ đâu, nhiều lắm, và cũng không ghi chép, thống kê gì cả. Người Việt mình bên ấy đông, nên người gặp nạn cũng nhiều. Có ai cần, là bọn chị đến ngay, rồi kêu gọi chị em, cộng đồng chung tay. Cái này bình thường mà”. Chị Hoa, chị Liên, chị Mỏng… - những cô dâu Việt tại Đài Loan không nhớ hết đã bao nhiêu lần đưa các công nhân người Việt bị nạn vào viện, rồi chăm sóc, lo ăn uống cho đến bình phục.

Người nào không may qua đời, các chị lo trọn nghĩa, vẹn tình, tự mình hoặc cử người nhà đưa tro cốt các nạn nhân về quê, tổ chức tang lễ chu đáo. Hỏi, thế chị đi làm từ thiện suốt thế, ông xã không “bức xúc”, phàn nàn sao (?), chị Hoa đùa: “Dám, nếu ông xã bức xúc chị “điều trị” luôn”. Nói vậy, nhưng trong một chia sẻ khác, chị thật lòng cảm ơn người chồng đã hiểu, chia sẻ và đồng hành trong những việc làm thiện nguyện.

Quê ở Hoà Bình, kết hôn với người Đài Loan và định cư tại đây đã 16 năm, chị Hoa là một trong những người mở đầu cho “làn sóng” lấy chồng Đài Loan của các cô gái Việt Nam. Dần dần, số lượng những người đồng cảnh càng tăng lên. Thân gái, lấy chồng xa như hạt mưa sa, có không ít cô gái Việt bị chồng bạo hành, hoặc gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Chị Hoa cảm thương, tìm cách giúp đỡ. Dần dần, chị cùng rủ các chị em khác, thành lập Hội Cô dâu Việt tại Đài Loan, do chị làm chủ tịch. “Tôn chỉ, mục đích” của hội là đoàn kết, tương trợ, thiện nguyện.

“Chị em người Việt, sang nước ngoài định cư, sinh sống, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết là rào cản về ngôn ngữ, văn hoá, lối sống. Có em lấy chồng sang rồi nhớ nhà khóc suốt. Chúng tôi thường xuyên có những hoạt động như tập huấn, toạ đàm, hoạt động câu lạc bộ… để giúp các chị em mới sang khỏi bỡ ngỡ, nhanh chóng hoà nhập” - chị Hoa kể.


Đối với những trường hợp bị bạo hành, hội hướng dẫn chị em cách “phòng, chống”. Quan trọng nhất là có số điện thoại của cơ quan chức năng để thông báo, vì luật pháp bên đó rất nghiêm khắc với hành vi bạo hành. Có những trường hợp, các chị phải làm “công tác tư tưởng” rất công phu với cả gia đình nhà chồng, mới có sự chuyển biến. Đối với những người mới, chưa thạo tiếng, thì gọi cho các chị trong ban liên lạc của hội, để có biện pháp can thiệp kịp thời. Các chị thực sự là chỗ dựa vững chãi, đầy tin yêu cho những cô dâu Việt đang chập chững trên đất khách. “Đồng bệnh tương liên”, những nỗi niềm tâm sự sâu kín, riêng tư được chia sẻ, giãi bày, đôi khi để khóc cùng nhau trong nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà, lòng đã nhẹ đi biết mấy.

Nối dài những thương yêu.

Trở về Việt Nam lần này, ngoài về quê, chị Hoa và các thành viên trong đoàn tất bật để làm từ thiện. Các chị mang theo một valy… tiền, là của các chị tiết kiệm, và của các thành viên trong cộng đồng người Việt tại Đài Loan gửi gắm về chia sẻ với bà con ở quê nhà. “Về quê lần nào cũng có cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Vui vì được về quê, gặp lại người nhà, buồn vì còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh” - chị Bích Liên tâm sự. Các chị liên hệ với chính quyền địa phương, xin danh sách các gia đình khó khăn rồi vào tận nơi, trao quà, chụp ảnh, xin xác nhận của địa phương, rồi đưa lên FB để mọi người cùng được nhẹ lòng.

“Năm trước, chị Phạm Thị Mỏng đưa tro cốt của một công nhân quê Tiên Lãng (Hải Phòng) về nước. Vừa rồi mấy chị em có trở lại đó, trao quà cho gia đình và các hộ khó khăn lân cận” - chị Hoa kể. Lần này, các chị sau khi thăm Hoàng, tất bật đi huyện miền núi Thanh Chương để trao quà cho 40 gia đình khó khăn, mỗi hộ 500.000 đồng. Tôi hỏi các chị có mệt không, chị Hoa cười: “Mệt chứ, nhiều nhà phải đi bộ rất xa mới vào được. Nhưng các chị muốn vào tận nơi, để chia sẻ với bà con”. Có những địa chỉ, do thấy quá khó khăn, các chị trở đi trở lại nhiều lần, xem cuộc sống bà con thay đổi ra sao, còn cần gì thì giúp tiếp.

Trên FB chị Quán Ngọc Hoa, có hình ảnh bà cụ gầy quắt queo, được chị tặng quà thì nghẹn ngào không nói nên lời, cả hai người phụ nữ cùng ôm nhau khóc.

Trong câu chuyện, chị Hoa chia sẻ nỗi buồn nhiều hơn là niềm vui. “Thanh niên Việt, hầu như đều có hoàn cảnh khó khăn, mới đi xuất khẩu lao động. Lạ nước lạ cái, nhiều em không quen khí hậu, nên mắc bệnh. Một số em do hoàn cảnh nên bỏ ra ngoài làm chui, không được hưởng các chế độ bảo hiểm, lỡ gặp hoạn nạn thì vô cùng khó khăn. Nhiều khi, chị thấy bất lực vì khả năng có hạn, mà các hoàn cảnh cần giúp đỡ thì nhiều, dù cộng đồng người Việt bên đó đã cố gắng nhiều” - chị tâm sự.

Đã ngót nghét hai thập niên làm dâu xứ người, có người chồng thành đạt, hết mực thương yêu và chia sẻ, bao dung, con cái phương trưởng, nhưng khi được hỏi: “Vậy, theo chị, các cô gái Việt có nên lấy chồng nước ngoài?”, chị Hoa thành thật: “Chị không khuyên các bạn gái nên hay không nên. Lấy chồng, sinh con là duyên phận. Đối với người phụ nữ, hạnh phúc đơn giản là được yêu thương trong mái ấm gia đình. Và tổ quốc, đất mẹ, mãi mãi là niềm yêu thương trong sâu thẳm trái tim mỗi người”.

Theo Lao Động
 

Ads HMO

Ads HMO

Top